Sách “Chuyện nghề của Thủy”: Luôn đau đáu về phận người

ANTĐ - Từng sống chết vinh nhục với nghề, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy không có ý gây dư luận ồn ào khi ra mắt cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy” vào những ngày cuối tháng 5-2013. Nhưng sự xuất hiện của cuốn sách trên thị trường đã được các nhà phê bình văn học đánh giá là “chấn động” chỉ sau sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam…

Cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy” được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành, Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy là đồng tác giả. Cuốn sách là một tác phẩm văn học đúng nghĩa, nhưng tác giả không bận tâm nó thuộc thể loại gì. Hồi ký, phóng sự, chuyên khảo… đều không phải; tiểu thuyết lại càng không vì nó không có mảy may một chút hư cấu. Cuốn sách chỉ nhắc lại rất hạn chế nội dung mấy cuốn phim chủ chốt, còn thì hầu hết nói về những gian nan cơ cực, về những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng khi đối diện với bệnh tật, đói khát và bom đạn trên chiến trường. Qua mỗi trang sách và cả cuộc đời làm phim, Trần Văn Thủy đã cho người đọc thấy ông là người luôn đau đáu với số phận con người, với những giá trị đang dần biến mất, khi sự nói dối trở thành bình thường, xói mòn nhân tính. 

Cuốn sách tái hiện chặng đường theo đuổi những khuôn hình chân thật của Trần Văn Thủy. Những ngày mới bước chân vào nghề, ông luôn là một đạo diễn lận đận. Gặp không ít rủi ro, tai nạn đe dọa tính mạng nhưng Trần Văn Thủy lại đầy duyên nợ với các giải thưởng quốc tế. Chính Trần Văn Thủy không ít lần tự hỏi, vì sao mình chưa chết giữa súng đạn bủa vây. Giữa ranh giới mong manh sống - chết lẽ ra ông phải “chết hàng chục lần mới… phải chứ”. Những thước phim tráng hỏng tại chiến trường B đã giúp Trần Văn Thủy thoát tội “B quay”, một kẻ lừa dối khi trở ra Bắc. Nhưng lòng ông đau như cắt bởi từng hình, từng cảnh quay cận cảnh chiến sự, xe tăng, bộ binh, trong đó có cả cảnh máy bay bổ thẳng vào ống kính chỉ còn lại những… chớp chớp. Tức là có nhiều chỗ đáng đen thì trắng và ngược lại, như bầu trời đen, cây dừa trắng, máy bay trắng. Nhưng chính những cảnh hỏng đó lại giúp cho bộ phim của ông gây ấn tượng mạnh đến không ngờ. Một kẻ “vô nghề nghiệp” như ông tự nhận đã làm thành một bộ phim thực sự và đoạt giải quốc tế.  

Ở cuốn sách này, Trần Văn Thủy cũng đề cập tới những chuyện bên lề của hai bộ phim đình đám trong sự nghiệp làm phim tài liệu của ông là “Hà Nội trong mắt ai” (1982) và “Chuyện người tử tế” (1985). Hai bộ phim này đã gây ra hàng loạt những lao đao, điêu đứng cho tác giả. Có điều lạ, trong khi đang lận đận vì “Hà Nội trong mắt ai” thì Trần Văn Thủy đã cả gan làm phim “Chuyện người tử tế”, một phim đốp chát trực diện hơn chứ không còn nhẹ nhàng, ẩn dụ như “Hà Nội trong mắt ai”. Như chia sẻ trong cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy”, ông cho biết “Khi làm phim, tôi chỉ muốn biết một điều duy nhất: Người đời xem có thấy sướng không? Chưa bao giờ tôi làm phim xong để cấp trên bằng lòng, để được thưởng hay tặng danh hiệu gì đó. Tuyệt đối tôi không nghĩ đến điều đó - tôi nói điều này trước bàn thờ gia tiên. Tôi ăn ở thế nào thì trời lại cho tôi thế đó”. 

Quả thật, trời đã không phụ công Trần Văn Thủy, hai bộ phim này sau một thời gian không chỉ được chiếu rộng rãi trong nước mà lần đầu tiên trong lịch sử phim tài liệu Việt Nam đã ghi nhận hiện tượng… bất thường. Khán giả sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua vé xem phim tài liệu. Không chỉ trong nước, mà quốc tế đã ghi nhận Trần Văn Thủy, một nhà làm phim được mô tả như “Francis Ford Copola của Việt Nam”. Sức nặng ở các bộ phim tài liệu của Trần Văn Thủy luôn nằm trong hai tiếng “Sự thật”, một sự thật hoàn toàn không hư cấu. Có lẽ thế chăng, nên ở tuổi 70, khúc cuối của con đường làm nghề, Trần Văn Thủy đã nghiệm ra “sức lực để che chắn, để đứa con tinh thần của mình được đến bờ đến bến còn mệt mỏi hơn nhiều sức lực để làm ra một bộ phim”.

Cuốn sách hấp dẫn bạn đọc cũng chính ở sự thật thà được chia sẻ bởi một con người đã bảy mươi năm “ăn ở” với đời. “Đành rằng đời là cõi tạm nhưng đang sống với đời làm sao vô tâm với đời được. Và cuộc đời vẫn như một dòng sông lạnh lùng, mải miết trôi. Ngọt bùi, cay đắng… tất cả rồi cũng sẽ qua” - đoạn kết khép lại cuốn sách đã cho thấy Trần Văn Thủy thiết tha với cuộc sống này đến biết bao. Ông viết “Chuyện nghề của Thủy” thực ra là đang nói về chủ đề yêu nước mà theo cách nói của Thủy đó là “căn bệnh” của loài người, người Việt Nam thì “bệnh” lại càng nặng hơn và không ngần ngại nhận: “Tôi là người Việt Nam yêu nước”. Câu hỏi thuở bé: “Nếu đi hết biển rồi sẽ tới đâu?”, Trần Văn Thủy đã phải mất gần cả đời người mới có thể trả lời được: “Đi hết biển sẽ trở về quê hương mình, về làng mình”. Chính vì thế, cả cuộc đời này, ông dành để phụng sự cuộc đời và quê hương, đất nước Việt. Trần Văn Thủy yêu tha thiết xứ sở này.