Rót vốn cho nông thôn

ANTĐ - Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn bị coi là manh mún và rủi ro. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lại an toàn nhất. Nhiều tổ chức tín dụng đã và đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có rủi ro thấp nhất. Ảnh: EVA


Bỏ nông thôn  “ôm” thành thị

TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích một cách thẳng thắn: “Đặc trưng ngành ngân hàng của chúng ta hiện nay là bỏ nông thôn, “ôm” thành thị; bỏ nghèo “ôm” giàu nên khu vực nông thôn (chiếm phần 70%) hay các doanh nghiệp nhỏ, người nghèo... thiếu ngân hàng. Hay xét ở góc độ ngân hàng chuẩn cũng thiếu. Ngược lại, ở một số lĩnh vực, một số địa bàn lại thừa. Nói về số lượng ngân hàng, có cảm giác thừa nhưng nói về sản phẩm, dịch vụ lại thiếu”.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng Nguyễn Trọng Tài nhấn mạnh, việc trước tiên cần làm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng là điều hành đừng bỏ quên khu vực nông thôn. “Để làm được điều này, thì hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân phải nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng phát triển các tổ chức tài chính vi mô. Bên cạnh đó, ngân hàng thông qua các tổ chức phường xã như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… để huy động và cho vay cũng là một biện pháp rất hiệu quả để gỡ khó vấn đề vốn cho khu vực nông thôn. Mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội là một minh chứng cho điều này” - ông Tài nói.

Bên cạnh đó, NHNN quy định các ngân hàng cần phải dành bao nhiêu vốn cho khu vực nông thôn, cần tổ chức hệ thống mạng lưới ở khu vực nông thôn như thế nào để đáp ứng được nhu cầu vốn của khu vực rất khát vốn này.

Kênh đầu tư an toàn

Khẳng định về vai trò của khu vực nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostbank cho biết: “Chúng tôi có đúc kết ra một bài học là cho vay hộ nông dân, nông nghiệp nông thôn chính là một trong những giải pháp bỏ trứng vào nhiều giỏ. Một món rủi ro của đô thị bằng hàng triệu nông dân vay vốn. Đúng là nông nghiệp nông thôn có rủi ro. Nhưng cái rủi ro đó được chia đều cho nhiều khách hàng và người ta vẫn chịu được. Người ta có thể mất mùa tạm thời, mình cho vay, họ lại sản xuất kinh doanh được ngay và sớm bù lại”.

Sản phẩm do doanh nghiệp hay nông dân làm ra không tiêu thụ được, vốn ứ đọng trong sản phẩm, dẫn tới đáo hạn. Đây không phải là chuyện hiếm gặp khi sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ. Giải quyết bài toán này, các ngân hàng đã lựa chọn phương án làm cầu nối trung gian giữa nơi sản xuất trực tiếp và nơi tiêu thụ. Cho vay tay phải và thu nợ bằng tay trái, tức cho nông dân vay vốn thì thu hồi nợ từ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Ông Kiều Trọng Tuyến - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nhận định, trong hoạt động tín dụng, bất kỳ lĩnh vực nào cũng chứa đựng những rủi ro. Quan trọng là trong quá trình thẩm định và xét duyệt hồ sơ cho vay phải đảm bảo được khả năng thu hồi vốn. “Chúng tôi cũng đang đưa ra một chùm sản phẩm, khi mà cho vay đối với hộ sản xuất hoặc nuôi cá, nuôi tôm thì đồng thời kết hợp với doanh nghiệp và các cơ sở thu mua, cung cấp nguyên liệu thức ăn, trên cơ sở đó cho ra một chuỗi sản phẩm kết hợp: người sản xuất, người cung ứng, người thu mua chế biến và xuất khẩu” - ông Tuyến cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định, trên thực tế 2 năm vừa qua, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có rủi ro thấp nhất và đảm bảo tính ổn định cao nhất. Cho vay nông nghiệp nông thôn, các khoản vay rất nhỏ lẻ, đi đến tận các làng xã của bà con nông dân nên làm cho chi phí của hoạt động ngân hàng tăng lên, do vậy một số ngân hàng chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Thực tế cho thấy, nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại các ngân hàng chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng trên dưới 2%. Con số này đã chứng minh được sự phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã xác định những lĩnh vực được ưu tiên cho vay trong năm 2012. Theo đó, đứng thứ nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất ở các vùng bị thiên tai, bão lụt thời gian vừa qua. Thứ hai là tập trung cho việc sản xuất hàng xuất khẩu. Thứ ba là phục vụ cho công nghiệp phụ trợ. Tiếp theo là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là đảm bảo nguồn vốn lưu động cho loại hình doanh nghiệp này.