Rau xanh xuống giá chậm

ANTĐ - Với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/chiếc cải bắp trong dịp Tết vừa qua, người trồng rau cho rằng họ đã có mùa thu hoạch được giá kỷ lục. Sau Tết Nguyên đán Bính Thân, giá rau xanh đang dần “hạ nhiệt” nhưng vẫn đứng ở mức cao.

Rau xanh xuống giá chậm ảnh 1Giá rau xanh tăng cao đột biến dịp Tết Bính Thân

Rau xanh “sốt giá”

Ngày 7 tháng Giêng (tức 14-2-2016), các chợ trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa hoạt động bình thường nhưng hàng rau xanh vẫn khá khan hiếm. Chủng loại rau không đa dạng, chủ yếu là rau cần, cải ngọt, cải ngồng, súp lơ, su hào, khoai tây, cà chua cùng một số loại rau gia vị. Chị Nguyễn Thị Tuyết (tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Phùng Khoang) cho biết: “Nguồn hàng về khá khan hiếm. Chợ đầu mối mà có bằng này loại rau, chỉ bằng một nửa so với trước Tết. Người mua cũng phải đến sớm mới có hàng”. 

Do nguồn cung hạn chế nên hiện tại, giá rau tại các chợ vẫn còn rất cao. Súp lơ 13.000 đồng/chiếc; cải ngồng 12.000-15.000 đồng/kg; cà chua 20.000-32.000 đồng/kg; su hào 10.000-13.000 đồng/củ nhỏ. Tại các siêu thị, khu vực bán rau xanh nguồn hàng không dồi dào. Cải ngọt giá 22.500 - 24.000 đồng/kg; cà chua 23.000 đồng/kg… 

Theo chị Đào Phương Lan (quận Hoàng Mai), tại chợ Giáp Bát, ngày mùng 6 tháng Giêng, giá rau xanh vẫn rất đắt. Súp lơ 20.000 đồng/chiếc, cà chua 50.000 đồng/kg. Giá bán tương đương hôm 29 Tết Nguyên đán. Hàng rau nào cũng lèo tèo vài mớ, người mua rau tươi lại đông nên giá chưa xuống được” - chị Lan chia sẻ.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, chưa năm nào, giá rau xanh lại đắt như năm nay khi các chợ tại vùng ngoại thành Hà Nội, giáp Tết, rau cải cúc 10.000 đồng/mớ, hiện xuống còn 8.000 đồng/mớ. Đặc biệt, rau cải bắp được đánh giá là đắt chưa từng có trong dịp Tết này. Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Đặng Xá - Gia Lâm cho biết, tại ruộng, người trồng rau bán buôn đã lên đến 15.000 đồng/kg cải bắp. Ông Nguyễn Tuấn Khanh tính toán: “Một chiếc cải bắp thường nặng từ 2kg trở lên, giá mỗi chiếc từ 30.000-40.000 đồng. Đây là giá bán cao nhất trong lịch sử. Cùng kỳ Tết Ất Mùi (2015), rau cải bắp chỉ 800-1.000 đồng/cây, người trồng không muốn thu hoạch hoặc cắt về cho cá ăn vì quá rẻ”.

Tại các tỉnh lân cận Hà Nội có diện tích trồng rau cao và giá sinh hoạt thấp hơn như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, giá cải bắp, su hào, súp lơ cũng tăng cao chóng mặt. Với những gia đình không tự trồng được rau, trước Tết họ không dám mua tích trữ nhiều, chỉ dè xẻn mỗi loại một ít.

Bao giờ giá rau hạ?

Là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên giá rau xanh tăng cao trong thời gian này khiến người dân lo lắng. Vậy bao giờ giá rau xanh sẽ giảm? Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, hiện tại, hầu hết các vùng trồng rau cung cấp cho Thủ đô đã bước vào đợt thu hoạch vét của vụ đông nên các loại rau vụ đông như: su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua đều ít. “Nắng ấm lên, người dân bắt đầu trồng rau vụ xuân như: ngót, dền, mồng tơi, cải… Nếu thuận lợi, hơn 1 tháng nữa đợt rau này mới cho thu hoạch. Nguồn cung dồi dào, giá cả mới có thể xuống thấp hơn bây giờ được” - Chủ nhiệm Hợp tác xã rau Đặng Xá nói.

Trên thực tế, giá rau xanh đã lên mức cao hơn trước đó từ tháng 8-2015, nhưng dịp Tết tăng cao nhất vì nhu cầu mua dự trữ của người dân. Cách đây khoảng 5 tháng, giá cải bắp đã lên 5.000 đồng/kg tại ruộng, gấp 5 lần so với Tết Nguyên đán 2015. Đại diện một hợp tác xã trồng rau trên địa bàn Hà Nội cho biết, ngoài nguyên nhân thời tiết rét trước Tết khiến rau phát triển chậm, giá rau tăng đột biến còn có nguyên nhân do nguồn rau từ Trung Quốc về giảm mạnh so với những năm trước.

Vị này cho hay: “Các tỉnh, thành phố đều chịu ảnh hưởng từ nguồn cung này sụt giảm mạnh. Trong khi một số tỉnh phía Nam (như Lâm Đồng) chủ động ngăn khoai tây Trung Quốc vào chợ khiến giá cao thì thời tiết phía Trung Quốc khắc nghiệt, rau cung cấp cho nhu cầu trong nước họ không dôi dư nên hàng không sang Việt Nam. Với tình hình sản xuất hiện tại, các hợp tác xã rau giữ nguyên diện tích như lâu nay thì trước mắt giá rau xanh vẫn còn cao”. 

Trực tiếp đi khảo sát các siêu thị sau Tết, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho hay: “Hapro, Fivimart, Intimex, BigC… đều ít rau, khách hàng khó có cơ hội mua dù giá cả ổn định hơn tại các chợ”. Theo ông Vũ Vinh Phú, để tăng nguồn rau cho thành phố không phải một sớm một chiều có thể làm được, vì cây trồng cần có thời gian sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, “cơ quan quản lý và các siêu thị, tiểu thương cần chủ động, sâu sát tìm kiếm nguồn hàng từ các địa phương lân cận, không nên ngồi chờ để nhà quê bán ế mới mang ra Thủ đô” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.    

Thực phẩm tươi sống giá vẫn cao

Tại các chợ, giá một số loại thực phẩm tươi sống vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, sườn 130.000 đồng/kg, tăng 30.000-40.000 đồng/kg so với ngày 27 Tết Nguyên đán; thịt mông 100.000-110.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thăn 120.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với trước đó; Thăn bò 300.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg; Cá chép 90.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; tôm sú loại 5 con/kg tăng 80.000 đồng/kg, ở mức 500.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá các loại thịt thấp hơn các chợ trung bình 10.000 đồng/kg nhưng nguồn hàng không dồi dào, khách mua khá vắng vẻ.