Rạp chiếu phim Hà Nội bừng tỉnh

(ANTĐ) - Nếu cách đây vài năm, nhiều người nghĩ bỏ 150.000 - 200.000 đồng để mua tấm vé vào rạp chiếu phim là chuyện hoang đường thì giờ đây nó đã trở thành sự thật. Bằng chứng là ngày càng có nhiều khán giả tìm đến rạp chiếu phim. Thậm chí vào các ngày lễ 30-4 vừa qua, người dân còn phải xếp hàng nhiều giờ mới mua được vé xem phim.  Điều đó khiến cho các rạp chiếu phim không thể “dậm chân tại chỗ” mà cần có những bước cải tổ lớn.

Rạp chiếu phim Hà Nội bừng tỉnh

(ANTĐ) - Nếu cách đây vài năm, nhiều người nghĩ bỏ 150.000 - 200.000 đồng để mua tấm vé vào rạp chiếu phim là chuyện hoang đường thì giờ đây nó đã trở thành sự thật. Bằng chứng là ngày càng có nhiều khán giả tìm đến rạp chiếu phim. Thậm chí vào các ngày lễ 30-4 vừa qua, người dân còn phải xếp hàng nhiều giờ mới mua được vé xem phim.  Điều đó khiến cho các rạp chiếu phim không thể “dậm chân tại chỗ” mà cần có những bước cải tổ lớn.

Các rạp chiếu phim tại Hà Nội ngày càng được đầu tư để thu hút khán giả
Các rạp chiếu phim tại Hà Nội ngày càng được đầu tư để thu hút khán giả

Kể từ khi siêu phẩm 3D Avatar cán cột mốc doanh thu 1 triệu USD vào tháng  1-2010 đã khiến cho thị trường phim chiếu rạp đạt mức tăng trưởng ngoạn mục cả về doanh thu và số lượng khán giả. Phim Cô dâu đại chiến (đạt trên 33 tỉ đồng), 2D và 3D Bóng ma học đường (trên 30 tỉ)… Ngay cả phim “bi kịch” như “Cánh đồng bất tận” vẫn đạt doanh thu gần 20 tỉ đồng. Theo một thống kê của Bộ VHTTDL thì rạp chiếu phim toàn quốc hiện không quá 100, chủ yếu tập trung ở Hà Nội (9 rạp - 26 phòng chiếu) và TP.HCM (19 rạp, 65 phòng chiếu).

Trong khi đó tại Thái Lan, tuy dân số ít hơn nhưng họ có tới 500 rạp. Các nhà đầu tư xem việc kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ nếu biết đầu tư đúng cách và đáp ứng được thị hiếu của người dân. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, thị trường phim sẽ tiến nhanh, chỉ cần 1/4 số dân đến rạp, thị trường này đã có tới 20 triệu khách hàng.

Theo số liệu do Megastar công bố, năm 2005 tổng doanh thu phòng vé cả nước mới đạt 1,2 triệu USD, thì đến năm 2010, con số này ước tính lên tới 25 triệu USD. Điểm thú vị là một số hệ thống cụm rạp được đầu tư lớn đã tạo ra được phân khúc thị trường mới, mang lại nhiều lựa chọn cho khán giả. Đó cũng là động lực thúc đẩy các hãng kinh doanh giải trí cả Nhà nước và tư nhân lên kế hoạch đầu tư vào xây dựng, mở rộng các rạp chiếu phim trong toàn quốc.

Nắm bắt điều này, thị trường rạp chiếu phim Hà Nội gần đây đang có một cuộc cách mạng lớn chưa từng có. Sự có mặt của cụm rạp hiện đại đầu tiên tại  Hà Nội là Megastar vào tháng 4-2006 đã làm thay đổi đáng kể mô hình hoạt động của các rạp chiếu phim Hà Nội. Theo đó hầu hết các rạp chiếu phim, đặc biệt là rạp chiếu phim Nhà nước đều có cuộc cải tổ lớn. Rạp Tháng 8 sau một thời gian dài mất khán giả vì cơ sở vật chất xuống cấp đã phải đầu tư trang thiết bị rạp chiếu từ giữa năm 2009 với 4 phòng chiếu trong đó có một phòng được lắp thiết bị chiếu phim 3D với hơn 540 ghế, trở thành phòng chiếu 3D lớn nhất Hà Nội.

Trung tâm chiếu phim quốc gia những năm gần đây cũng thực sự mang một bộ mặt mới với việc cải tạo lại hầu hết các phòng chiếu cũ. Phòng chiếu phim 3D cũng đã được đưa vào khai thác từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ngoài ra, trong năm 2012, Trung tâm chiếu phim quốc gia còn dự định mở thêm 2 phòng chiếu nữa, nâng tổng số phòng chiếu lên con số 7. Đây cũng là cụm rạp Nhà nước có số phòng chiếu lớn nhất hiện nay tại Hà Nội và có mô hình hoạt động gần sát với các cụm rạp hiện đại của tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụm rạp cao cấp Platinum cũng mới khai trương do BHD và một công ty nước ngoài hùn vốn đầu tư ở khu Mỹ Đình, nâng tổng số phòng chiếu 3D từ 1 của Megastar lên 5 với công suất hơn 1000 ghế. Trung tâm văn hóa Kim Đồng gần đây cũng được nhiều bạn trẻ biết đến với phòng chiếu phim 4D và 2 phòng chiếu phim 2D với hơn 600 chỗ.

Giá vé tại các rạp chiếu phim hiện cũng đang khá tương đồng. Ngoài Megastar với giá vé thấp nhất phim 3D là 80.000 đồng cho các suất chiếu vào buổi sáng ghế thường, cao nhất là 200.000 đồng. Các rạp còn lại dao động từ 60.000-150.000 đồng/vé.

Theo tổng kết của các công ty kinh doanh phim ảnh, thu hút khán giả đến với rạp ngoài yếu tố phim mới, hấp dẫn, quy mô rạp là điều cực kỳ quan trọng. Nhu cầu khán giả không còn là mua vé vào xem và ra về trong cảnh chen lấn bừa bộn giữa rác thải từ đồ ăn thức uống nữa. Họ đòi hỏi một môi trường sạch, chỗ ngồi đẹp, phục vụ tận tình chuyên nghiệp, âm thanh hình ảnh tốt và luôn mới.

Ra khỏi cửa rạp, họ có ngay nơi ăn uống, hàn huyên bình luận về bộ phim. Đây là nguyên nhân chính giải thích doanh thu của các rạp lớn có thể gấp 10 lần rạp nhỏ. Chính xu hướng trên khiến tất cả các rạp chiếu phim đang xây dựng hoặc mới đưa vào hoạt động đều làm theo mô hình khu phức hợp, ngoài phòng chiếu còn có nơi mua sắm, ăn uống ngay bên cạnh. 

Mai Hà