Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Bắt đầu xuất bản ở Việt Nam từ năm 1951 bởi NXB Phạm Văn Tươi, “Đắc nhân tâm” nhanh chóng gây chú ý và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản khi liên tục được tái bản nhiều lần.
“Đắc nhân tâm- Bí quyết thành công” là dấu son nổi bật nhất mà học giả Nguyễn Hiến Lê đem tới với độc giả Việt Nam. Ông cũng là người đặt cái tên đầu tiên cho dịch phẩm này bằng tiếng Việt từ tên gốc “How to win friends and influence people”.
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,... Ông là người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao qúy, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu qủa lao động hiếm thấy.
Ông Nguyễn Quyết Thắng – người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền toàn bộ 120 cuốn sách của học giả Nguyễn Hiến Lê
Một trong những cuốn sách đầu tiên tạo nên dấu ấn tên tuổi ông là “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”. Đời văn của Nguyễn Hiến Lê là một hiện tượng hiếm thấy ở nước ta. Nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú..., trong khoảng thời gian hai mươi năm (1955 - 1975), cho ra đời một trăm tác phẩm - trong đó nhiều cuốn ba, bốn tập và rất có giá trị. Giáo sư Đào Duy Anh đánh giá bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê là "tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó". Bộ Đại cương Triết học Trung Quốc viết chung với Giản Chi là một tác phẩm đồ sộ (1.700 trang). Ba tập Lịch sử văn minh Ấn Độ, A Rập, Trung Quốc, dịch của Will Durant, có chú giải và bình luận dày hơn hai ngàn trang.
Bảy, tám năm cuối đời (1975-1984), trở về sống tại đồng bằng sông Cửu Long nơi ba mươi năm trước ông giã từ để "lên Sài Gòn sống bằng cây bút", nhà văn còn viết và dịch thêm hơn hai mươi cuốn nữa. Có những cuốn đòi hỏi sự nghiên cứu công phu, như khảo luận triết học Trung Hoa trước đời Tần. Chỉ tính riêng về số lượng, đã là một kỳ tích.