Quy trình thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

ANTĐ - Lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đang phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định về quy trình thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Ngày 1/7, cùng với 7 Luật khác, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) chính thức có hiệu lực thi hành. Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có bài viết về sự triển khai của đơn vị mình để Luật Thi hành án hình sự triển khai có hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc ban hành Luật THAHS đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tạo khung pháp lý mới bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội; giáo dục mọi công dân biết tôn trọng pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. 
Quy trình thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Ðồng thời Luật THAHS còn là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương và lực lượng Công an nhân dân (trong đó có lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những nội dung quy định trong Luật THAHS được kế thừa từ các văn bản quy phạm pháp luật về  THAHS của Nhà nước ta đã ban hành trước đây và được xây dựng trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn của công tác tổ chức thi hành án hình sự nước ta từ trước đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới; đồng thời quán triệt quan điểm nhân đạo, khoan hồng của Ðảng, Nhà nước ta; thể chế hóa một bước chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thi hành án hình sự của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Luật THAHS đã quy định rõ về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp. Ðây là những quy định rất cụ thể, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm tính nghiêm minh trong tổ chức thực hiện công tác thi hành án hình sự của các cơ quan thực thi pháp luật, song cũng đặt ra yêu cầu mới đối với các cấp, các ngành, các địa phương; nhất là đối với cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp huyện, các trại giam, trại tạm giam và UBND cấp xã trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật THAHS.

Ðối với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP), sau hơn một năm được thành lập theo Nghị định 77 của Chính phủ, các hoạt động đang từng bước đi vào nền nếp hoạt động có hiệu quả, đã tham mưu cho Bộ trưởng Công an chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về THAHS; thống nhất quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án, thi hành biện pháp tư pháp, thi hành quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục, công tác tạm giam, tạm giữ và hỗ trợ tư pháp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP công an cấp tỉnh, cấp huyện chưa được kiện toàn đủ số lượng biên chế, phần lớn là mới, chưa được đào tạo kỹ về nghiệp vụ chuyên ngành, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chưa được trang bị, trong lúc toàn lực lượng phải đảm nhận một khối lượng việc lớn, quan trọng, rất phức tạp, nguy hiểm và nhiều áp lực. Ðây là những khó khăn thách thức, yêu cầu rất lớn đối với lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP trong việc tổ chức thực hiện Luật THAHS, khi luật chính thức có hiệu lực.

Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện Luật THAHS, lực lượng cảnh sát THAHS và HTTP đang tích cực chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 15/QÐ-TTg ngày 5-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật THAHS và Chỉ thị 03/CT-BCA ngày 17-2-2011 của Bộ trưởng Công an về triển khai Luật THAHS trong Công an nhân dân (CAND). Ðể việc triển khai thực hiện Luật THAHS hiệu lực và hiệu quả, lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP đang tập trung thực hiện một số nội dung công tác trọng tâm sau:

Một là: Tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP nắm vững và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật THAHS; đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung Luật THAHS trong cán bộ, nhân dân địa phương để thống nhất về nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác THAHS bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Hai là: Tích cực phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định về quy trình thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; chế độ mặc và tư trang của phạm nhân; thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng; chế độ ăn, ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám, chữa bệnh, chi phí an táng đối với người chấp hành án trục xuất trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú; quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về thi hành án hình sự; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp tham mưu, đề xuất sớm ban hành các thông tư liên tịch giữa Bộ Công an với các bộ, ngành và triển khai các đề án bảo đảm cho việc triển khai thực hiện Luật THAHS thật sự nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả.

Ba là:  Tập trung kiện toàn công tác tổ chức và cán bộ của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp huyện, các trại giam, trại tạm giam và công an xã, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, dữ liệu, kinh phí... để bảo đảm thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự theo luật định và xây dựng lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại.

Bốn là: Tăng cường sự phối hợp  các cấp, các ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác thi hành án phạt tù; thi hành án tử hình; thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ; thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế; thi hành án phạt trục xuất; thi hành án phạt tước một số quyền công dân; thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; thi hành biện pháp tư pháp; kiểm sát thi hành án hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án hình sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Ðồng thời, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động kiểm sát, giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ đối với hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật, làm cho việc thi hành luật nghiêm minh, chặt chẽ, chính xác, hiệu lực và hiệu quả.

Năm là: Chủ động nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn triển khai thực hiện Luật THAHS để kịp thời đề xuất bổ sung những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc ban hành Luật THAHS là một thuận lợi rất lớn để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP từ Bộ Công an đến công an các đơn vị, địa phương, để luật được thực thi có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác THAHS phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và nâng cao ý thức làm việc theo hiến pháp, pháp luật, phối hợp  các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang CAND để đáp ứng yêu cầu thi hành Luật THAHS mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.