Quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính

ANTĐ - Tiếp tục phiên làm việc thứ 41, ngày 21-9, xem xét Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải rà soát, tổng kết lại thực tiễn để làm rõ những mặt hàng tạm nhập tái xuất dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
 

* Tạm nhập nhưng “quên” tái xuất 2 triệu tấn xăng dầu

Quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính ảnh 1Trong 4 năm, có số liệu cho thấy gần 2 triệu tấn xăng dầu đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất (Ảnh minh họa)
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí bổ sung quy định về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại nhằm phù hợp với Công ước Kyoto.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Với quy định về miễn thuế, dự thảo luật quy định tới 24 khoản thuộc các ngành, lĩnh vực đã được miễn thuế, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng phạm vi miễn thuế như vậy còn rộng và đề nghị cần rà soát để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành...

Tán thành với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ phải có tổng kết về việc miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập, quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế để trả lời được câu hỏi: Miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định? Dẫn ví dụ cụ thể: “Nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu, chúng tôi thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm, có số liệu cho thấy đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu”, bà Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra lại việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước hay không?

Nhấn mạnh quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị trong dự thảo luật này phải quy định rõ hơn về thuế suất, miễn thuế. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách thuế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nên trong điều kiện nước ta cần lưu ý đến tác động tới những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị đánh giá sâu hơn về tác động xã hội, đặc biệt với một số ngành yếu thế. Theo bà Trương Thị Mai, khi chính sách thuế nhập khẩu thay đổi, người tiêu dùng mua được nhiều mặt hàng với giá thấp hơn nhưng một số ngành sẽ rất khó khăn, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, khi hiện nay thịt gà Mỹ, thịt bò Úc… đã tràn vào cạnh tranh gay gắt khiến sản phẩm trong nước lép vế, nông dân điêu đứng. 

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị khi xây dựng dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) phải quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tán thành quan điểm phải quan tâm hơn lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp-thủy sản và cho biết, cơ bản các chính sách về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đóng tàu xuất khẩu..., thúc đẩy nội địa hoá đã được đưa vào luật.

Kiểm toán cần đổi mới phương thức để nâng cao chất lượng

Chiều 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước. Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề nghị trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán. Trong đó phải ưu tiên kiểm toán các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa kiểm toán trong năm 2015; tăng cường kiểm toán các khoản chi sự nghiệp kinh tế của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục chú trọng kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cân nhắc đưa vào kế hoạch kiểm toán một số tổ chức chính trị xã hội, một số hội có sử dụng ngân sách Nhà nước...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán trong năm 2016 rất khó thực hiện vì đây là năm diễn ra bầu cử HĐND các cấp, bầu cử Quốc hội, Đại hội Đảng toàn quốc và rất nhiều công việc quan trọng khác của đất nước. Các đại biểu cũng cho rằng cần đổi mới phương thức, phương pháp kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán Nhà nước.