Quy định chưa rõ, làm khó người trong cuộc

ANTĐ - Cho trẻ em làm con nuôi được xem là một giải pháp bảo vệ trẻ em, đem lại cho trẻ bất hạnh một mái ấm gia đình. Thời gian qua, mặc dù Luật Nuôi con nuôi đã góp phần hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền trẻ em, song những rắc rối liên quan đến vấn đề này cho thấy nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng…

Rắc rối, khó hiểu

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, ông Nguyễn Thành An, ở quận Hai Bà Trưng cho biết, năm 2010 ông đến UBND phường nơi mình cư trú đăng ký làm cha nuôi một cô bé 2 tuổi. Tại thời điểm đăng ký và xác lập quan hệ nuôi con nuôi, ông An đang ở trong tình trạng độc thân, do đó khi đăng ký khai sinh cho con nuôi, bản chính giấy khai sinh chỉ có tên cha, không ghi tên mẹ. Đến năm 2012, ông An kết hôn. Khi có giấy chứng nhận kết hôn, ông An đã đến UBND phường yêu cầu ghi tên người vợ mới cưới của mình vào giấy khai sinh của con nuôi để đứa trẻ có đầy đủ tên cha mẹ trong hồ sơ, giúp thuận lợi hơn trong cuộc sống sau này. Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương tra cứu các quy định pháp luật, họ đã trả lời ông An là do pháp luật hiện hành không quy định về trường hợp này nên không rõ trường hợp của ông có được giải quyết hay không. Chính vì vậy, cho đến nay, mong muốn trên của ông An vẫn chưa được đáp ứng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư TP Hà Nội, rắc rối từ trường hợp trên cho thấy, hiện trong một số trường hợp cụ thể, pháp luật chưa quy định rõ, cụ thể, đối với người độc thân khi xác lập quan hệ con nuôi với một đứa trẻ thì việc bổ sung thông tin vào hồ sơ khai sinh cũng chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn nếu người nhận con nuôi có thay đổi về mặt pháp lý. Mặt khác, khi người cha hoặc mẹ nuôi này kết hôn, và người vợ hoặc chồng của họ muốn làm cha hoặc mẹ nuôi của đứa trẻ đó bằng cách bổ sung thông tin còn lại về cha hoặc mẹ nuôi của đứa trẻ trong khai sinh thì pháp luật cần có quy định về vấn đề này để đảm bảo cho cơ quan có thẩm quyền có thể giải quyết hợp pháp, đề cao tính nhân đạo cho mọi trẻ em quyền có cha mẹ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hoà, trong trường hợp cha hoặc mẹ nuôi hoặc cha và mẹ nuôi muốn thay đổi thông tin trong khai sinh về họ tên của đứa trẻ thì pháp luật cần quy định rõ là dựa trên sự đồng ý của đứa trẻ mới tiến hành thủ tục. Đối với người độc thân xác lập quan hệ con nuôi với trẻ em bị bỏ rơi thì quan hệ này cũng được xác lập tương tự như vấn đề nhận con nuôi đối với trẻ em mồ côi của người độc thân, cũng thực hiện trên cơ sở tôn trọng ý kiến của người được nhận làm con nuôi.

Cần hoàn chỉnh, bổ sung các quy định

Bên cạnh những thủ tục liên quan đến vấn đề nhận con nuôi, hiện một số quy định về điều kiện của người nhận nuôi con nuôi cũng được cho là chưa cụ thể. Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Theo Tiến sỹ Lã Thị Bưởi, Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng thì quan hệ cha mẹ và con trong việc nuôi con nuôi không hẳn gắn với quy luật tự nhiên về mặt sinh học, mà nó được hình thành trên cơ sở ý chí, tình cảm của các bên. Người nhận nuôi phải đạt tới một độ tuổi tối thiểu nhất định thì mới có được kinh nghiệm, hiểu biết, điều kiện kinh tế phù hợp và quan trọng nhất là nhận thức rõ về nhu cầu nhận nuôi con nuôi của mình. Do đó, cần quy định độ tuổi tối thiểu của người nhận con nuôi một cách rõ ràng, cụ thể hơn, và có thể quy định độ tuổi đó là từ 25 tuổi trở lên.

Hiện nước ta có khoảng 1,7 triệu trẻ em thuộc 11 nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó khoảng 1,5 triệu trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi. Những năm qua hàng nghìn trẻ em được nhận làm con nuôi với hơn 30% trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài. Từ lâu, trẻ em đã được coi là một nhóm xã hội non nớt, dễ bị tổn thương nhất và được toàn thể cộng đồng các quốc gia và quốc tế quan tâm và bảo vệ. Luật Nuôi con nuôi 2010 khẳng định việc cho làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng khi mà đứa trẻ không thể được chăm sóc ở chính quốc gia của mình. Mục đích của việc nuôi con nuôi nước ngoài là đem lại cho trẻ em bất hạnh một mái ấm gia đình thay thế. Tuy nhiên, những quy định về lợi ích và quyền của trẻ em khi được nhận làm con nuôi hiện nay dẫn đến hiện tượng trục lợi, cò mồi phát sinh cùng quá trình giải quyết cho trẻ làm con nuôi nước ngoài trong việc giới thiệu trẻ hay không minh bạch trong các khoản hỗ trợ nhân đạo, nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động, có trường hợp lợi dụng để buôn bán trẻ em, xâm hại đến quyền và không bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Theo quy định của pháp luật, người nước ngoài nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.

Song theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, mặc dù lệ phí đăng ký con nuôi là hợp lý, nhưng còn về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi,… được cho là đi ngược lại yếu tố nhân đạo. Thời gian cấp giấy xác nhận người nhận con nuôi là từ 30-60 ngày, do đó, chi phí phát sinh trong khoảng thời gian trên đối với cơ sở nuôi dưỡng trẻ được nhận làm con nuôi tuy không lớn nhưng nếu người nhận nuôi trẻ phải đóng quá nhiều khoản phí sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của họ, đồng thời có thể hạn chế cơ hội của các em để có cuộc sống gia đình trọn vẹn. Do vậy, việc hoàn chỉnh quy định về thủ tục, thẩm quyền và giải quyết các phát sinh xảy ra trong quá trình nuôi con nuôi cần được quy định cụ thể, tạo điều kiện cho trẻ đảm bảo có cuộc sống ổn định để phát triển toàn diện.