Quen thói đổ lỗi...

ANTD.VN - Sáng nay bác lại làm mất lòng “cậu ấm” nhà mình đấy à? Vẫn mấy chuyện vặt vãnh như mọi khi thôi, chấp gì.

- Bác không chấp nhưng cứ như vậy thì hết đời người ta cũng không biết mình sai. Ban nãy ra đây ăn xôi còn lèm bèm, kêu sáng ra đã đen đủi, ở nhà thì vợ không gọi dậy nên đi muộn, đến cơ quan lại bị bảo vệ hoạnh họe chỗ đỗ xe.

- Hoạnh họe gì đâu, cậu ấy đỗ chình ình ngay giữa lối đi…

- Bác không nói em cũng thừa biết, còn lạ gì cái thói đổ lỗi của mấy cậu ấm cô chiêu trong đó. Dậy muộn là tại vợ, không hoàn thành chỉ tiêu là tại đồng nghiệp kém, cuối năm được thưởng ít là tại… chia không công bằng. Ra đây rót vào tai em hết.

- Cái thói đổ hết trách nhiệm cho người khác, còn mình không bao giờ có lỗi ấy ở đâu mà ra nhỉ?

- Có gì đâu, bác cứ để ý ngay trong nhà, ngoài ngõ là thấy. Đứa bé mới lên một tuổi tập đi, chẳng may vấp phải thứ gì ngã ra, ông bà, bố mẹ lập tức “đánh chừa” thứ đó. Từ bé đã được “dạy” rằng mình ngã là tại cái ghế, cái bàn, thì lớn lên đương nhiên không bao giờ nghĩ được vấp váp, thất bại là do lỗi của mình. Thế rồi trốn tránh trách nhiệm khi làm chuyện gì sai trái, kiểu như cái cậu lái xe gây tai nạn rồi dông thẳng ấy.

- Nghe mà hoang mang nhỉ. Bây giờ tôi vẫn thấy con dâu “đánh chừa” mỗi khi thằng cháu nội khóc, nghĩa là hết lớp này đến lớp nọ lớn lên sẽ vẫn thế à?

- Không phải ai cũng vậy đâu bác, nhiều người bây giờ tiếp thu được cách giáo dục của nước ngoài đã dạy con khác đi rồi. Hôm nọ em về quê mấy ngày, khi ra thấy hàng xóm đưa cho chiếc bóng đèn với tờ giấy xin lỗi. Hóa ra mấy cháu học sinh đá bóng ở vỉa hè không may làm vỡ bóng đèn ngoài hiên, không gặp được chủ nhà nên mua đền gửi nhà bên cạnh. Cứ dạy dần dần, sẽ thay đổi được, bác ạ.