- 81 vận động viên tranh tài tại Giải Dù lượn Năm Du lịch quốc gia 2018
- Mạo hiểm "đi trốn" bằng xe đạp
- Du lịch mạo hiểm Việt Nam thấy gì từ vụ giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan?
Hình ảnh nguy hiểm của một nhóm bạn trẻ chụp tại mỏm Đá Chồng
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND huyện Hoành Bồ cảnh báo, bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động du lịch mạo hiểm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người tại khu vực mỏm Đá Chồng. Đồng thời, lập phương án mời các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại đây và báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận là điểm du lịch khi đủ điều kiện.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Sở Du lịch Quảng Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh thông tin đến các doanh nghiệp du lịch, người dân và du khách về các mối nguy hiểm khi tự thực hiện các hoạt động du lịch tại khu vực trên.
Được biết, núi Đá Chồng có hình dáng độc nhất vô nhị ở Việt Nam với hàng chục phiến đá thiên tạo xếp chồng lên nhau, cheo leo ở độ cao hàng trăm mét, nhô hẳn ra ngoài bìa rừng, có những điểm tiếp xúc giữa hai phiến đá chỉ rộng chừng 1m2 tạo nên sự độc đáo, riêng có, thách thức độ “cứng” của những phượt thủ chuyên nghiệp muốn chinh phục đỉnh núi. Từ trên cao du khách có thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ Yên Lập được bao bọc bởi ngút ngàn rừng thông, với các đảo nổi giữa lòng hồ tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Do địa hình dốc và độ trơn trượt của các mỏm đá, việc du khách mạo hiểm trèo lên có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào
Một điểm độc đáo nữa đó là núi Đá Chồng gắn liền với những huyền tích, địa danh như: khe Mừng, khe Liêu, núi Phượng Hoàng... và cũng là ngọn núi thiêng của người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả.
Các cụ cao niên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người Dao Thanh Y nhiều đời nơi này đều truyền lại câu chuyện: thuở xa xưa có vị thiên tướng đưa quân qua vùng này, trải qua một quãng đường rất dài và không tìm được nước uống, đang mong mỏi thì tới đây vị thần bắt gặp khe nước trong vắt, ông mừng rỡ lệnh dừng quân.
Nhưng vì quân đông, khe nước lại nhỏ và dài, ông dùng tay bới rộng khe nước cho quân lính đủ nước uống. Mải việc, nước suối dâng cao ướt vạt áo, ông cởi áo giáp, vắt áo và lấy cây sào để gác qua hai đỉnh núi (là đá Dải và Đá Chồng) để phơi. Nhưng vì đỉnh Đá Chồng thấp hơn đỉnh đá Dải nên ông nhặt những tảng đá đặt lên đỉnh núi kê cho hai bên bằng nhau rồi gác sào phơi áo.
Người dân địa phương sau này gọi khe đó là Khe Mừng, lập miếu thờ ở chân núi khu vực đó để thờ Ông (hiện không còn phế tích), núi nơi ông gác sào phơi áo gọi là núi Chồng (núi Đá Chồng).
Trước khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản quản lý hoạt động du lịch tại khu vực mỏm Đá Chồng, nhiều du khách trẻ đã bất chấp nguy hiểm trèo lên mỏm đá để “check-in”, chụp ảnh.