Du lịch mạo hiểm Việt Nam thấy gì từ vụ giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan?

ANTD.VN - Nhìn từ vụ giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt trong hang động, du lịch mạo hiểm Việt Nam đã có đủ cảnh báo với du khách, công ty lữ hành, địa phương, hướng dẫn viên...

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II - năm 2018, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch mạo hiểm Việt Nam đã từng xảy ra nhiều vụ việc gây chấn động dư luận do những thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra với người tham gia trải nghiệm và gia đình các nạn nhân.

Gần đây nhất có thể kể đến vụ một phượt thủ đã mất mạng tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng (địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận). Ngay sau đó, 72 giờ nỗ lực đưa thi thể phượt thủ tử vong tại thác Lao Phào trở về với gia đình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nguời.  

Tuy nhiên, theo một đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam, không phải đến thời điểm này, du lịch Việt Nam mới chú trọng đưa ra những cảnh báo với người tham gia loại hình du lịch này. Trong nghị định 168 có quy định rõ ràng các biện pháp bảo đảm cho khách du lịch như: dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ, người hướng dẫn, Sở Văn hóa giám sát, người quản lý khu vực, công ty đưa người đến có trách nhiệm ra sao...

Do vậy, với sự việc xảy ra với đội bóng thiếu niên Thái Lan, du lịch mạo hiểm Việt Nam không đưa ra thêm các cảnh báo với du khách. 

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thêm, từ những sự việc đáng tiếc xảy ra ở loại hình du lịch mạo hiểm thời gian vừa qua cần đặt trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương, công ty du lịch, hướng dẫn viên, người tham gia... lên cao. Các tai nạn xảy ra với du khách trong quá trình khám phá du lịch mạo hiểm thường xảy ra ở các địa bàn giáp ranh, hoặc tại các địa phương còn lơ là trách nhiệm quản lý...

Trong khi đó, bà Yolanda Perdomo, Giám đốc Chương trình Hợp tác của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO Affliate Members Programme) khẳng định, du lịch mạo hiểm là một trong những xu hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm mới, ít nổi tiếng để khám phá, tìm những trải nghiệm mới lạ. Nhiều quốc gia đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này.

Du lịch mạo hiểm Việt Nam thấy gì từ vụ giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan? ảnh 2

Cũng theo bà Yolanda Perdomo, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình 3/4 là đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, và bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Đỉnh Fansipan, khu vực đỉnh Mã Pì Lèng, dãy Liang Biang là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi. Hệ thống hang động thu hút sự chú ý của những người ưa mạo hiểm trên khắp thế giới như tại Phong Nha – Kẻ Bàng với động Phong Nha – Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng.

Bờ biển dài và các hòn đảo đẹp là địa điểm thuận lợi cho nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm như lặn biển, đua thuyền buồm, lướt ván. Hệ thống sông và hồ dày đặc lại là tiềm năng cho các tour du lịch chèo thuyền, vượt thác… Ngoài lợi thế về địa hình, Việt Nam còn có lợi thế to lớn về văn hóa với 54 dân tộc, nhiều phong tục tập quán, lễ hội vẫn được duy trì và gìn giữ. Một số hoạt động du lịch mạo hiểm đã bắt đầu được thực hiện tại các địa điểm này đang được ưa chuộng trong thị trường khách quốc tế và nội địa.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam, theo đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, nghị định 168 ra đời đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu từ thực tế. Tuy nhiên, vấn đề chỉ là sự sát sao với công việc và trách nhiệm của nhiều đơn vị cùng tham gia vào lĩnh vực du lịch mạo hiểm.