Quản lý phố cổ theo lối cổ

(ANTĐ) - Vì vẫn chưa thống nhất được phương án bảo tồn, vẫn có những ứng xử thiếu văn hoá, thiếu tôn trọng pháp luật trong phố cổ khiến dư luận lo ngại về nguy cơ mất phố cổ, không còn kịp để cứu lấy phố cổ...

Quản lý phố cổ theo lối cổ

(ANTĐ) - Vì vẫn chưa thống nhất được phương án bảo tồn, vẫn có những ứng xử thiếu văn hoá, thiếu tôn trọng pháp luật trong phố cổ khiến dư luận lo ngại về nguy cơ mất phố cổ, không còn kịp để cứu lấy phố cổ...

 >>> Kỳ 1: “Ai đảm bảo điều kiện sống cho chúng tôi?”

>>>Ứng xử giao thông phố cổ Hà Nội

Giao thông phố cổ- còn nhiều chuyện phải bàn
Giao thông phố cổ- còn nhiều chuyện phải bàn

Giáo sư Phạm Huy Dũng - Đại học Thăng Long:

Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, tôi được nghe những câu chuyện về phố cổ, về lịch sử hình thành những con phố. Theo tôi mỗi con phố đều có lịch sử của nó. Cái cổ còn lại chính là cái lịch sử của phố đó. Phố cổ cũng chứng kiến những sự thay đổi của đất nước, chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử. Những con người của phố cổ, cùng lịch sử đất nước đã gắn vào nhau.

Mỗi phố cổ có một lịch sử riêng, mỗi một gia đình lại có câu chuyện gắn với lịch sử đó. Những ngôi nhà trong phố cổ đều chứa đựng lịch sử trong đó. Nhưng xã hội phát triển, những người đến ở ngày càng đông, con cháu đẻ ra ngày càng nhiều, phố cổ trở nên chật chội, trở nên quá tải. Trong khi đó, chúng ta lại không có một quy hoạch bảo vệ phố cổ, không có ý tưởng nào khả thi dành cho phố cổ. Rồi đến một lúc người ta mới chợt nhận ra rằng có một cái phố cổ thì nó đã đông quá rồi, không còn kịp để cứu lấy phố cổ.

Sự tăng dân số cơ học một cách nhanh chóng đã làm cho phố cổ Hà Nội ngày càng xuống cấp. Trong khi đó công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo phố cổ lại còn quá nhiều hạn chế. Ngoảnh đi, ngoảnh lại mới chỉ có vài ba ngôi nhà mẫu được bảo tồn.

Và hậu quả khi con người đông quá, nhiều di tích, nhiều ngôi nhà lịch sử, đáng lẽ nên giữ lại thì lại đập phá đi. Phố cổ cứ kệ nó,  ngày cành phình to, trong khi những người dân phố cổ không phải ai cũng có tiền để mua một mảnh đất khác nên phố cổ cứ đông lên mãi, phố cổ vì thế bị sa sút đi.

Ví như ở gần nơi tôi ở trong ngõ có một anh bị đuổi ra khỏi nhà. Mới đầu anh ra làm lều ở đầu ngõ, lâu dần anh ta xây thành nhà và đến nay  vẫn ở đó.

Hoặc trong phố cổ có đặc thù là nhiều đình chùa và di tích. Đáng lẽ ra phải nên giữ nó lại nhưng những người ở đây đã xâm chiếm và phá bỏ những di tích cũ đi để xây nhà mới, hay bán chỗ này ở chỗ kia. Chỗ đền thờ tự người ta xây nhà bán, ở, và làm lung tung đủ thứ. Nói chung là người ta đã làm mất đi cái giá trị lịch sử của những di tích,  làm cho nó không còn cổ nữa. Bây giờ, tôi vẫn nghe nói rằng cần phải bảo vệ, cần phải giữ phố cổ, quan tâm đến phố cổ nhưng dường như người ta cũng chỉ quan tâm bởi người ta thấy phải nói như thế, mà không nói không được. Còn thực sự có tâm huyết với những gì còn lại không, thì tôi chưa thấy.

TS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội

Từ năm 1992 đến nay, tức là từ khi có quy chế quản lý phố cổ của thành phố Hà Nội, đã có ít nhất 7 dự án lớn của các tổ chức nước ngoài đầu tư, hỗ trợ, phối hợp với chúng ta nghiên cứu và bảo tồn phố cổ như dự án của UNESCO, tổ chức SIDA – Thụy Điển, các tổ chức của New Zealand, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức...

Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chưa thành, hoặc thành rất ít. Vấn đề nằm ở chỗ, trong lúc đi tìm cách bảo tồn, chúng ta đã không thống nhất được những nội dung sau: Chân giá trị phố cổ là gì? Bảo tồn thì bảo tồn cái gì? Bảo tồn bằng cách nào? Giữ gìn phố cổ để khai thác sử dụng làm gì? Nguyên việc xác định thế nào là nhà cổ đã có sự chênh lệch giữa các bên tham gia nghiên cứu. Một tổ chức của úc cho rằng có 250 ngôi nhà cổ cần bảo tồn. Thành phố thì xác định chỉ có hơn trăm cái, cộng tổng thể các công trình kiến trúc khác vào là hơn 800. Nếu làm theo kiểu bảo tồn từng cái một như nhà ở 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào thì phải đến năm 2045 mới xong!

Hơn thế nữa, quá trình bảo tồn phố cổ hoàn toàn thiếu sự tham gia của người dân, của cộng đồng trong khi vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn là rất lớn. Ngành du lịch có tham gia vào song chỉ khai thác và hưởng thụ. Như phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân là một thất bại. Hiện nay, Hà Nội rất lúng túng trong việc quản lý phố cổ, lúc thì nhập vào quận Hoàn Kiếm, lúc lại tách ra, nâng lên thành một Ban quản lý di tích, giờ lại thuộc quận Hoàn Kiếm. Quản lý phố cổ theo lối cổ như vậy nên việc bảo tồn phố cổ vẫn dậm chân tại chỗ.

Nhà văn Băng Sơn

Lâu nay, người ta chỉ quan tâm để ý đến việc quản lý các giá trị vật thể của phố cổ còn giá trị phi vật thể thì đa số coi thường. Vật thể là cái hư hao, chỉ cái phi vật thể thì mới còn mãi. Mà giá trị của phố cổ chính là những cái phi vật thể, là lối sinh hoạt bình dân, cách mua bán, thương mại kiểu cổ xưa... 

Một mặt người ta quá chú trọng đến kiến trúc bằng việc xây cái nhà ở 87 Mã Mây - đó là một bảo tàng chết vì trong nhà không có hơi người, không có cái võng, cái nón, cái tã lót của con trẻ. Một mặt người ta lại để mặc cho người dân tự phá đi vốn quý của mình từ cách sửa nhà, cách bày hàng, cách ăn nói, cư xử, cách đặt tên cửa hiệu bằng tiếng Tây – nó thể hiện một tinh thần nô lệ đáng xấu hổ.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản văn hoá quốc gia, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Việt Nam:

Không phải ở đâu và không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hoà giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế. Không phải chỉ có ở nước nghèo mà ngay cả những nước phát triển thì sự “xung đột” đó vẫn thường xảy ra. Khi tiến hành công tác bảo tồn di sản văn hoá ở các khu đô thị cổ không nước nào không gặp những khó khăn. Khu phố cổ Hà Nội - một “phức hợp di sản sống” khi đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể không đơn giản.

Chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật; có Điều lệ quản lý xây dựng trong đó quy định rất cụ thể về phạm vi khu phố cổ và nguyên tắc bảo vệ; có Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát huy khu phố cổ Hà Nội, kể cả quy hoạch chi tiết do Công ty dự án hải ngoại Bang Victoria (úc) lập.

Nhận thức và lý luận về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ý tưởng về bảo tồn khu phố cổ Hà Nội chúng ta không thiếu, cái thiếu của chúng ta chính là việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án cụ thể, thiếu các biện pháp và cơ chế chính sách đặc thù cho một “phức hợp di sản sống” gắn liền với cuộc sống hàng vạn con người ở một trung tâm thương mại nổi tiếng trong và ngoài nước của Thủ đô. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc bảo tồn các khu phố cổ - “các di tích sống” như khu phố cổ Hà Nội sẽ không có mấy kết quả nếu không coi cư dân hiện sinh sống trong đó cũng là “đối tượng bảo tồn”. Chúng ta đã thành công và rút đúc được nhiều kinh nghiệm từ các dự án bảo tồn và phát huy ngôi nhà 38 Hàng Đào, ngôi nhà 87 Mã Mây...

Hãy nhân rộng bằng nhiều cách làm các dự án tương tự. Cơ quan Nhà nước có thể lập phương án thiết kế miễn phí, hướng dẫn, giám sát thi công và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ gia đình thực hiện việc bảo tồn một số ngôi nhà tiêu biểu. Những ngôi nhà đã biến dạng kiến trúc đặc trưng, chất lượng công trình xuống cấp thì có thể giữ lại mặt tiền và gian ngoài cùng theo phong cách  kiến trúc truyền thống còn khu vực bên trong cho cải tạo, bảo tồn thích nghi, khống chế chiều cao và diện mạo kiến trúc nhìn ra đường phố. Không để cho từng gia đình chỉnh trang mặt tiền mà cơ quan nhà nước phải lập dự án phục hồi và chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố tiêu biểu của khu phố cổ; các dự án bảo tồn di tích đình, chùa, đền, miếu trong khu phố cổ; dự án di chuyển một số cơ quan, đơn vị hành chính đang sử dụng các công trình kiến trúc tiêu biểu của khu phố cổ dành cho việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật về phố cổ, sản phẩm thủ công truyền thống của Thủ đô...

Chúng ta đã có báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo thí điểm một ô phố cổ Hà Nội (Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện). Chúng ta hãy làm rồi mới có kinh nghiệm. Hà Nội nên dựng ở nơi đông người qua lại một chiếc đồng hồ lớn lấy 2010 làm mốc để trừ lùi hàng ngày, chúng ta sẽ thấy quỹ thời gian đến ngày kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi đang đến sát sau lưng hàng ngày.

(Còn nữa)

Nhóm PV Văn hóa thực hiện