- Phương Mai xách 40kg hành lý đi du lịch bụi châu Âu
- 10 tháng, Hà Nội thu hơn 50.000 tỷ đồng từ du lịch
- Ý tưởng du lịch cũng bị "nhái"
Nhiều du khách phớt lờ các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia loại hình du lịch mạo hiểm
Nhiều nhưng thiếu chuyên nghiệp
Canyoning (leo, nhảy thác), leo núi, chèo thuyền kayak hay trekking… là những loại hình du lịch mạo hiểm đã trở nên quen thuộc đối với những bạn trẻ yêu thích cảm giác trải nghiệm, khám phá. Bản chất của các hoạt động này chính là các môn thể thao, vận động đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sức bền và kỹ năng xử lý tình huống.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, do nhu cầu ngày càng tăng nên nhiều công ty du lịch đã đưa các bộ môn này vào danh sách tour của mình nhằm thu hút khách hàng. Chỉ cần từ 500.000 - 800.000 đồng/người là du khách có thể mua một tour đu dây vượt thác, leo núi… Những tour như trekking thì có thể nhỉnh hơn với mức giá 1 triệu đồng/người.
Đáng nói, chỉ cần trải qua 10-15 phút hướng dẫn, du khách có thể tham gia một trò chơi nghe qua đã thấy rùng mình như đi dây xuống một thác nước cao 20m hay nhảy xuống một dòng nước xiết với độ cao 10m… Trong khi đó, du khách hầu như chỉ được trang bị một cách rất sơ sài như mũ bảo hiểm, đai bịt đầu gối… Những vật dụng này hoàn toàn không có tác dụng khi gặp phải những địa hình hiểm trở như nước xoáy hay ghềnh đá sắc nhọn…
Theo anh Đinh Quốc Hưng, Phó Chủ tịch CLB Kayak Hạ Long: “Kayak cũng như nhiều môn thể thao phổ biến khác như canyoning, đu dây vượt thác… là loại hình thể thao đặc thù, mang tính chất mạo hiểm. Bởi vậy, để tổ chức một cuộc đua thuyền chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ. Về địa điểm, chúng tôi thường chọn các khu vực hồ nước tự nhiên, hồ dự trữ nước ngọt… hay các vịnh kín, tránh các đập tràn, luồng, lạch nhiều tàu bè qua lại để tránh gây nguy hiểm cho người tham gia. Đối với kayak vượt thác là môn nguy hiểm nhất thì Việt Nam chưa có khả năng khai thác. Với loại hình này, người chơi phải đào tạo bài bản ở nước ngoài như Singapore, Australia… chứ không thể hướng dẫn vài phút là xong”.
Anh Đinh Quốc Hưng cho biết thêm, trước khi tổ chức cuộc đua thuyền kayak thì mỗi cá nhân, đơn vị tổ chức phải được phép của sở, ngành địa phương trước hết là trong phạm vi, khu vực chèo thuyền đã định sẵn. Bên cạnh đó, người tham gia luôn được giám sát bởi nhân viên cứu hộ có chứng chỉ đi cùng. Người chơi cũng phải được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như áo phao, còi cảnh báo…
“Rào” thưa dễ lọt?
Thực tế cho thấy, rất ít du khách chịu tìm hiểu các quy định cũng như các điều kiện liên quan đến tổ chức du lịch mạo hiểm trước khi quyết định tham gia vào bộ môn này. Không ít người vì muốn được trải nghiệm cảm giác mạnh nên tự tìm đến các công ty du lịch mà không quan tâm đến việc công ty đó có đủ các điều kiện và giấy phép khai thác du lịch mạo hiểm hay không. Điều này dẫn đến việc nhiều đơn vị vì thấy lợi nhuận cao nên sẵn sàng mở tour “chui”, tour kém chất lượng, đưa khách đến các khu vực nghèo nàn về cơ sở vật chất, hạ tầng… coi thường sự an toàn với du khách.
Một số công ty tự ý khai thác các điểm du lịch chưa được cấp phép để tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. Mặc dù đã từng có những bài học đắt giá, nhưng những vụ tai nạn thương tâm như tại thác Hang Cọp ngày 23-2 vẫn xảy ra. Đáng chú ý, cách đây 1 năm, tỉnh Lâm Đồng đã họp bàn và đưa ra những biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này nhưng dường như những động thái này mới dừng ở mức “chữa cháy”.
Cụ thể, sau khi có lệnh ngừng khai thác du lịch mạo hiểm ở thác Datanla - nơi xảy ra tai nạn khiến 3 du khách người Anh thiệt mạng tháng 2-2016 thì một số công ty du lịch đã lách luật bằng cách đưa khách đến các địa điểm khác. Mặt khác, việc giám sát, kiểm tra tại các điểm du lịch cũng đang rất lỏng lẻo, thường xuyên thiếu người ứng trực tại các địa điểm khi có sự cố. Nếu chỉ lắp vài cái biển cấm, kiểm tra để rồi bỏ đấy thì ai khẳng định các tour “chui” sẽ không tái diễn, ai khẳng định sẽ không có tai nạn nào xảy ra với một loại hình du lịch rủi ro cao?
Trả lời báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Tổng cục sẽ đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL xem xét, ban hành thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm, trong đó có du lịch thác nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, các công ty lữ hành phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, tuyệt đối không đưa du khách đến những vùng nguy hiểm, không có các điều kiện an toàn tối thiểu cho du khách. Bản thân du khách cũng phải coi tính mạng của mình là trên hết, không đặt niềm tin vào các công ty du lịch thiếu uy tín, không tự ý đến các điểm du lịch chưa được phép, tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.