Quận công Nguyễn Quý Cảnh

ANTĐ - Nguyễn Quý Cảnh thi Hương đỗ Hương cống. Năm sau thi hội, bạn cùng học nói:

Minh họa: Phạm Công Thành

- Ông nội huynh đậu Thám hoa, thân phụ của huynh đậu Hoàng giáp, chẳng lẽ huynh chỉ làm ông cống hay sao? Chí ít cũng phải giật lấy cái “Bảng nhãn” chứ!

Một người bạn khác tiếp lời:

- Hẳn là Quý Cảnh biết sức mình, thi sợ không đậu nên không chịu nộp quyển đó thôi!

Quý Cảnh cười:

- Huynh khích thế chứ khích nữa, đệ cũng ở nhà đọc sách thôi!

Một buổi, có quan ở Lễ Bộ về truyền dụ của Chúa Toàn Vương Trịnh Giang vào triều dạy học cho em Chúa là Ân Quốc Công Trịnh Doanh.

Ông làm bữa cơm mời bạn bè rồi lên kinh thành. Ông rất nghiêm. Trịnh Doanh cũng hiếu học. Do đó hai thầy trò rất quyến luyến.

Toàn Vương dùng Quận Hiệp Hoàng Công Phụ giúp dập việc triều chính. Phụ chuyên quyền làm nhiều điều càn rỡ. Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái được Võ Thái Phi gọi đến cùng mấy người thân tín nữa bàn cách trừng trị. Nhân Hoàng Công Phụ bận đi đánh dẹp, ông và Nguyễn Công Thái đến mời Trịnh Doanh, lúc đó là Nhiếp Chính Vương, khởi sự. Doanh còn chần chừ, Quý Cảnh thưa:

- Khải Quốc Công, đây là việc quốc gia đại sự, không còn là chuyện nhà nữa, xin Ngài hãy quyết đoán.

Trịnh Doanh đành nghe theo. Quý Cảnh cử người đến tâu việc với Vua Lê rồi rước Trịnh Doanh lên chính điện, Nguyễn Công Thái đọc sắc dụ, còn ông đứng bên Chúa, chống gươm uy phong khiến các quan đều im lặng. Sau đó, ông để Công Thái cùng các đại thần khác ở lại phò Chúa, còn mình đem quân dẹp các bè đảng của Quận Hiệp đang tìm cách liên hệ với nhau để chống lại.

Mười ngày sau đó, ông ở bên Chúa  cử người lo các việc trong Phủ Chúa, ông xin Chúa cho xuất lương thực phát cho dân ở những nơi thiên tai, hạn hán, bắt các nhà giàu phải cắt bớt ruộng chia cho các người xung quanh, người có công với nước. Ông sai các tướng giỏi đánh dẹp nơi kẻ xấu nổi loạn.

Trong mười ngày, triều cương đâu vào đấy. Chúa thăng chức Tham Tụng, Thượng Thư bộ Binh cho Quý Cảnh, tước Thống Quận Công…

Lính Thanh, Nghệ được dùng vào việc dẹp đám Quận Hiệp Hoàng Công Phụ, dẫu được thưởng bạc, ban lụa cho người có công nhiều…, vẫn không chịu. Chúng họp nhau kéo đến các nhà đại thần đòi hỏi, vây kín ở phía ngoài. Triều đình chưa ai dám ra tay.

Nguyễn Quý Cảnh cho người thân tín, ra ngoài, tìm tướng giỏi, đưa quân đến để dẹp. Bọn chúng bắt được, cho là ông chủ mưu, đến trước nhà reo hò ầm ĩ, đòi ông phải xuất hết vàng bạc, châu báu trong nhà ra cho chúng. Trịnh Doanh được tin, sai tướng đến dẹp, bắt được những tên cầm đầu đem hành quyết, chúng mới lui binh.

Khi quân nhà Chúa lui, đám kiêu binh lại kéo nhau đến phá nhà ông…

Ông phải tạm theo gia nhân trốn ra ngoài. Ân Vương mấy tháng sau dẹp được loạn kiêu binh cho người tìm đến nơi ông đang nương náu.

Người của Chúa đến nơi ông ở, thấy ông đang ngồi bên khóm cúc, cầm cào vun luống chăm hoa. Khách nói:
- Quân tể thần sao lại ngồi ở nơi thôn dã khi đất nước đang lúc cần người chèo lái!

Ông nói:

- Đây là sở thích từ lâu của tôi, nay mới được toại nguyện.

Viên Trung sứ nói:

- Chúa thượng khẩu dụ cho hạ quan vời bằng được đại nhân về chầu. Ngài định trái lệnh sao?

Nói đến thế thì Nguyễn Quý Cảnh đành mũ áo theo Trung sứ về kinh.

Hôm sau ra mắt. Chúa nghiêm sắc mặt bảo:

- Khanh định theo các bậc ẩn sĩ, trong khi ta rất cần khanh bên cạnh ư?

- Khải Chúa, thần có tội!

- Thôi được, đã về thì nhận chức về phủ ngay.

Rồi tuyên chiếu giữ nguyên tước Thống Quận Công, Tham Tụng chuyển làm Lại bộ Thượng Thư.

Ông lạy Chúa, từ tạ:

- Chức vụ Bộ Lại nặng nề, đã lâu thần không tham chính, e không kham nổi.

Chúa cười bảo:

- Có bao giờ chiếu đã ban, rút lại được không?

Ông làm rất năng nổ, cùng các chức Tham Tri xét các việc khiếu kiện, trừng trị hòa giải thỏa đáng. Có việc ở địa phương, thân cưỡi ngựa về, vào nhà dân hỏi han, khảo sát kỹ lưỡng rồi mới thăng đường phán xử.

Mùa đông năm Tân Dậu ông được cùng Thượng Công Tể đi chiêu mộ dân phiêu tán đến những vùng thưa dân, đất chưa khai phá để vỡ ruộng.

Ông cho dựng khu dân cư, đón dân về, tùy gia đình đông hay ít nhân khẩu mà ban cho nhà rộng hẹp khác nhau. Lại đón các thợ lò rèn về đánh cuốc xẻng, cày bừa phát cho các trai tráng, người có sức. Một năm sau, xóm làng lũy tre đã ấm bụi, chợ búa họp dần đông, dân được mùa nhà nào cũng có miếng ăn miếng để…

Khi Chúa triệu ông về kinh ban chức mới, dân vin kiệu khóc xin ông ở lại. Quân lính phải dẹp một quãng xa, kiệu mới đi nổi.

Ông tính cương trực, ghét đám xu nịnh, thường cất nhắc những người có đức có tài vào những chức vụ dưới quyền mình, do đó nhiều kẻ bị biếm, bị bãi chức ghen ghét, bới móc, sai nhỏ tố lên thành to, dâng tấu biểu khá nhiều lên Chúa.

Ông xin Chúa cho thôi giữ những chức trọng yếu…

Chúa lại phái ông ra làm quan ở vùng biên ải. Tránh được sự ghen ghét, oán trách nhưng việc tiễu phạt lại khá nguy hiểm và nặng nhọc, nhất là ở những miền đất lạ.

Song nhờ có những phụ tá hết lòng nên công việc ngày một yên ổn tốt lành. Khi ông có chút thì giờ được đi thăm các danh lam thắng cảnh ở nơi phiên trấn, Chúa lại vời về triều giữ chức Thượng Thư bộ Hộ, Tham Tụng, đứng đầu trăm quan.

Làm thêm mấy năm, năm nào ông cũng dâng sớ xin về trí sĩ. Chúa không giữ nổi, đành cho về, phong chức Đại Sư Mã làm Thái Tử Thái Phó.

Về quê, ông không bao giờ mặc quan phục, chỉ ăn vận như các phụ lão bình thường, lúc vui với bàn cờ, lúc cùng chủ trì một lễ hội sông nước, lúc khăn gói đến chơi với người bạn cũ, ngồi dạy học ở một làng xa…