Quá ít thói quen “xanh”

ANTĐ - Hôm qua, 22-4, người dân trên khắp hành tinh rộn ràng kỷ niệm Ngày Mẹ Trái đất. Ngay cả trang web tìm kiếm lớn nhất Google.com cũng đổi logo với hình ảnh xanh, mát toàn hoa và lá để hưởng ứng Ngày Mẹ Trái đất. Các hoạt động này đều hướng tới mục đích nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường sống trên hành tinh xanh.

Cũng trong những ngày này, người dân ven biển Đồ Sơn, Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) đang lao đao vì ngao chết trắng bãi. Cứ nơi nào nước biển ngả sang màu hồng đỏ thì ngao bắt đầu chết. Theo các chuyên gia, hiện tượng nước biển có váng màu hồng đỏ chính là sự xuất hiện của thủy triều đỏ. Gần một năm trở lại đây, đã có ít nhất 3 đợt bùng phát thủy triều đỏ tại các vùng ven biển Hải Phòng. Một tuần trước, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt bệnh viện lớn xả thải không qua xử lý đã đầu độc nghiêm trọng sông Tiền. Cách đây hai tuần, người dân Tịnh Phong, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cũng đau lòng vì cả cánh đồng lúa bị chết vì ngấm nước thải của một nhà máy gần đó... 

Trong hàng núi thông tin về môi trường được đăng tải mỗi ngày, tin tốt quá ít trong khi tin xấu lại quá nhiều. Chuyện phá rừng phòng hộ để lấy gỗ, làm nương rẫy; buôn bán động thực vật quý hiếm; vì lợi nhuận, xả nước thải không qua xử lý hạ độc sông ngòi; khu công nghiệp, nhà máy xi măng, xưởng dệt, nhuộm làm ô nhiễm không khí hay đơn giản nhất là vứt rác bừa bãi ra đường... đã trở thành “chuyện cơm bữa”. Từ các cá nhân, hộ gia đình tới các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước... đều “thản nhiên” xâm hại môi trường. Người ta quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận, tới giá nhà đất hay giá vàng, chứng khoán chứ hiếm khi để ý tới những vụ việc con người phải trả giá nặng nề vì có hành vi xâm hại môi trường.

Thay đổi thói quen là quá trình lâu dài, thậm chí, ngay cả thói quen tốt ban đầu sẽ là vấn đề gây tranh cãi và bị xem là xa lạ. Ít ngày gần đây, một nhóm bạn trẻ liên tục đứng ở các ngã tư đường với tấm biển đề nghị người đi xe máy hãy tắt máy trong khoảng thời gian đứng chờ đèn đỏ hay đơn giản là “Hà Nội... không vội được đâu”. Đừng nghĩ bảo vệ môi trường là phải làm gì to tát. Hãy bắt đầu từ những thói quen xanh rất nhỏ như tắt máy khi dừng đèn đỏ hay tiết kiệm nước lúc đánh răng.