Quá đà xã hội hóa

ANTĐ - Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được đặt trên bàn Hội nghị Trung ương 8, với yêu cầu là phải tạo được sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu. Đề án thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, chuyên viên, giáo sư có nhiều tâm huyết và tâm tư đối với sự nghiệp “trồng người” của đất nước. 

Mấy năm gần đây đã có khá nhiều hội nghị, hội thảo, bàn tròn thảo luận “mổ xẻ” về chương trình sách giáo khoa, chất lượng giáo dục, trong đó nổi lên vấn đề xã hội hóa giáo dục, “thương mại hóa” giáo dục, tập trung vào hệ thống trường công lập, từ tiểu học đến đại học. Đơn cử, Hà Nội đang thí điểm 15 trường công lập “chất lượng cao” với cái đích là đến năm 2015 sẽ có khoảng 30-35 trường. Như vậy, khi thu 3-4 triệu đồng/tháng/học sinh tiền học phí, các trường “chất lượng cao” này sẽ gạt những học sinh nhà nghèo, thu nhập thấp, lấy cơ sở vật chất được xây dựng từ tiền đóng thuế chung của người dân cũng như đầu tư của ngân sách Nhà nước hoặc địa phương để phục vụ riêng cho một thiểu số người khá giả.

Mô hình này cũng không khác gì các bệnh viện công đang nở rộ các dịch vụ khám chữa bệnh giá cao theo yêu cầu với những trang thiết bị hiện đại, tiên tiến được đầu tư từ xã hội hóa y tế và cũng sử dụng cơ sở vật chất được đầu tư từ tiền của Nhà nước, của dân. “Thương mại hóa” y tế và giáo dục còn biểu hiện “sinh động” khi các trường học kêu gọi phụ huynh ‘tự nguyện” đóng tiền mua sắm trang thiết bị đắt tiền hỗ trợ giảng dạy ở các lớp học. Hiện đang diễn ra tình trạng, cùng dưới một mái trường công, học sinh được ngồi trong lớp có máy lạnh, thiết bị hỗ trợ giảng dạy đắt tiền, trong khi nhiều học sinh không được hưởng vì cha mẹ không có tiền đóng góp. Hiện tượng này cũng diễn ra ở các phòng điều trị trong bệnh viện. Đương nhiên, một điều có thể thấy rõ là, với các lớp học, phòng bệnh giá cao, chất lượng cao thì đội ngũ bác sĩ, giáo viên cũng phải có chất lượng cao. Điều đó có nghĩa, những lớp học, phòng bệnh còn lại chất lượng không thể nào cao được. Vậy  là phần lớn học sinh cũng như người bệnh sẽ bị loại ra khỏi những nơi giá cao này và phải chấp nhận hưởng chất lượng giáo dục, y tế chất lượng… thấp. 

Từ những biến thái và biến tướng trong xã hội hóa y tế và giáo dục, một số giáo sư, tiến sỹ có uy tín cảnh báo, công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng thu nhập, song điều cốt tử là phải đảm bảo công bằng cơ hội cho tất cả mọi người. Lấy chuẩn thu nhập cao để lập ra trường, lớp hoặc dịch vụ y tế chất lượng cao, là tạo ra sự bất bình đẳng xã hội, là thương mại hóa và bóp méo chủ trương xã hội hóa.