Vị nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có lẽ, không có địa phương nào trên cả nước (và cũng chẳng có thành phố nào trên thế giới) lại có nhiều bài hát như Hà Nội. Thậm chí, rất nhiều nhạc sĩ đã viết các ca khúc về Thủ đô từ trước cách mạng, cho tới thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả khi đất nước hòa bình, thống nhất sau này…

Yêu âm nhạc từ thời niên thiếu

Nhạc sĩ Vĩnh Cát là người đã sáng tác khá nhiều bài hát về Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ, trải dài trong suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển của Thủ đô. Cũng có thể coi các tác phẩm của ông như một thiên niên sử Hà Nội bằng âm nhạc. Chỉ kể những ca khúc phổ biến qua đài phát thanh, đài truyền hình và trên sân khấu thì nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng đã có một chùm tác phẩm về Hà Nội.

Mở đầu từ năm 1950 là bài hát “Gửi bạn Thủ đô”. Lúc ấy ông còn nhỏ tuổi, là diễn viên của “Đoàn nghệ thuật thiếu nhi” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Khi biết trong đoàn đã có một số em biết sáng tác âm nhạc, đã viết được một số bài hát khá hay, nhưng lại cũng có tin đồn rằng chắc phải có người “gà bài”. Để rõ thực hư, bác sĩ Trần Duy Hưng - vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Thủ đô Hà Nội (lúc ấy đang công tác ở ATK Việt Bắc) đã triệu tập một số em vào ATK để thử tài mà không cho các nhạc sĩ phụ trách đi kèm.

Yêu cầu trong 1 ngày phải sáng tác xong bài hát gồm cả nhạc và lời về đề tài Hà Nội, bài hát “Gửi bạn Thủ đô” đã được chú bé Vĩnh Cát cho ra đời. Và ít lâu sau, bài hát ấy đã vang lên trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô kháng chiến: “Dưới gót quân thù loài thực dân tham tàn/ Vắng xa Bác Hồ, xa bóng cờ đỏ thắm/ Ngày ngày buồn đau, tủi nhục, căm hờn”. Âm nhạc dâng lên tưng bừng khi vào đoạn hai: “Ngày chiến thắng, ngày vinh quang sắp tới rồi/ Ngày tổng phản công tiến về Thủ đô/ Say ngắm bóng cờ vàng sao sáng ngời/ Ta cùng hát múa xung quanh Bác Hồ”. Và 4 năm sau, ngày 10-10-1954, Thủ đô đã được giải phóng đúng như lời ca mong ước.

Năm 1967, nhạc sĩ Vĩnh Cát sáng tác bài hát “Hà Nội Thủ đô ta đó” với lòng tự hào, lạc quan, phản ánh kịp thời những chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội của quân và dân Thủ đô: “Hà Nội đó! Sừng sững một pháo đài kiên cố/ Hà Nội đó! Bừng bừng lên chiến công rạng rỡ… / Trời Hà Nội dậy sấm sét căm thù lên đầu lũ xâm lược… / Và lại rộn ràng tiến ca khi giặc thù cút bay xa…/ Thành cũ lối xưa còn tươi thắm nét son/ Người Hà Nội càng chiến đấu ngoan cường nuôi dòng máu anh hùng…”.

Trường Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tại 32 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), nơi nhạc sĩ Vĩnh Cát theo học

Trường Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tại 32 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), nơi nhạc sĩ Vĩnh Cát theo học

Cha đẻ của giao hưởng Việt

Từ sau ngày cả nước được hòa bình thống nhất, hòa chung vào trào lưu nhạc trẻ trữ tình, riêng về đề tài Hà Nội, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã góp phần với bài hát: “Ngôi sao Hà Nội” (sáng tác năm 1986) và “Thủa ấy tình yêu” (sáng tác năm 1994). Cả 2 bài hát này đều có xuất xứ là viết cho sân khấu kịch hát và kịch nói, song thể hiện rõ quan điểm nhân sinh và tâm trạng của tác giả. Sau này, 2 bài đã thoát khỏi sân khấu trở thành ca khúc độc lập nổi tiếng một thời. Ở bài “Ngôi sao Hà Nội” có lời ca “Anh không làm sao Mai/ Anh chẳng làm sao Hôm/ Chỉ làm ngôi sao không tên/ Để gần nhau suốt đời…”.

Trong cuộc đời, ai cũng cố gắng học hành phấn đấu để có tên tuổi trong sự nghiệp, nhưng đi liền với đó thì ai cũng cảm thấy ít nhiều phải chịu mất mát, hy sinh. Và vì thế không phải ai cũng thích trở thành ngôi sao sáng chói. Bài “Thủa ấy tình yêu” viết về tình yêu của chính tác giả: “Mặc bom rơi đạn nổ/ Mặc đất trời sụp đổ/ Anh vẫn đi tìm em/ Thành phố tối ánh đèn/ Đường hoa sữa thơm hương/ Mặc khói bom còn vương…”. Rồi: “Qua mưa bom, đạn lửa/ Ngói gạch tan, nhà đổ/ Anh đã gặp em, tay xiết vòng tay/ Ngàn nụ hôn mê say…”.

Hà Nội bước sang thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã viết ca khúc “Hà Nội vào thu” năm 1995 (phổ thơ Băng Sơn) vừa ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên vào thu, vừa nói lên sự sôi động những công trình phát triển: “Gương sen trời soi tỏ/ Lá mềm cốm ủ thơm/ Chưa bay về sâm cầm/ Mặt hồ Tây sương phủ…/ Bạn xa ơi có nhớ/ Hoa lộc vừng đang ngủ/ Bình rượu tháp Hòa Phong/ Lược son cầu Thê Húc…”. Và tác giả như reo lên: “Hà Nội của mình đấy/Thăng Long ngàn tuổi trẻ/ Vàng ánh sao vào thu”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến chia vui với người thầy đáng kính - nhạc sĩ Vĩnh Cát - tại buổi live-concert

Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến chia vui với người thầy đáng kính - nhạc sĩ Vĩnh Cát - tại buổi live-concert

Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh ra ở Hưng Yên, nhưng từ nhỏ đã ở Hà Nội và đi theo con đường âm nhạc từ rất sớm. Trước khi được bác sỹ Trần Duy Hưng thử tài, từ năm 1948 ông đã có bài “Việt Bắc” và được phổ biến rộng rãi trong chiến khu ATK. Bản nhạc thính phòng đầu tiên ông sáng tác và được công diễn là tác phẩm Piano “Tiếng võng ru”. Tác phẩm được viết vào năm 1958 khi ông còn đang học khoa sáng tác đầu tiên ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), cùng lớp với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Huy Thục, Nguyễn Thành, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Long…

Tác phẩm giao hưởng Việt Nam đầu tiên đến với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam từ những ngày đầu thành lập là bản tổ khúc giao hưởng của ông viết cho kịch múa “Hái hoa dâng Bác”, được trình diễn tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1960).

Từ năm 1968 đến 1971, ông tu nghiệp sau đại học tại Nhạc viện Anma-Ata (Liên Xô cũ) với đề tài nghiên cứu “Giao hưởng hiện đại với ngôn ngữ âm nhạc phương Đông” dưới sự hướng dẫn của nhà soạn nhạc, Giáo sư Epghenhi Brusilopxki.

Mặc dù suốt gần 30 năm ông đảm nhiệm trọng trách ở Nhạc viện Hà Nội rồi ngành văn hóa thông tin Thủ đô, nhưng không lúc nào ông sao nhãng công việc sáng tác và không ngừng đóng góp vào sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.