Phục hồi nhanh “sức khỏe”

ANTĐ - Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2013, với những chỉ số vĩ mô khá “đẹp” đã nhen lên niềm hy vọng kinh tế sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ. Báo cáo nhận định nền kinh tế đang dần hồi phục, chỉ số GDP quý II ước đạt 5%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I. Riêng GDP tháng 6 ước đạt 4,9%, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Như vậy là kinh tế đã có đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. 

Năm nay, theo dự báo của giới chuyên gia, lạm phát không còn là nỗi lo lớn nữa, nhưng rủi ro lạm phát tăng cao trở lại thì vẫn hiện hữu. Tại cuộc hội thảo về lạm phát ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách và Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc vừa tổ chức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với sức ép thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, song không nên chờ đợi một gói kích thích kinh tế “khủng” trong thời gian trước mắt. Đang có hai quan điểm về chính sách điều hành kinh tế. Một là, cần duy trì những kết quả vĩ mô đã đạt được để đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Hai là, cần xem xét, cân nhắc một chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô vững chắc.

Quan điểm thứ hai xuất phát từ câu hỏi: “Nên hay không nên tung ra một gói giải pháp khoảng 100.000 hoặc 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ kinh tế sớm hồi phục?”. “Theo quan điểm của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và phát triển, mặc dù nửa đầu năm 2013 lạm phát ở mức rất thấp, nhưng con số này chỉ thấp so với “quá khứ” lạm phát của nước ta, chứ không thấp so với các nước xung quanh. Xu thế lạm phát giảm liên tục trong hai năm gần đây là do tổng cầu của nền kinh tế thu hẹp, điều này xuất phát từ điều tiết tổng cầu, trong đó có cả chính sách thắt chặt tiền tệ trong suốt thời gian qua.

Vì vậy, cùng với việc thực hiện mục tiêu cấp bách là khôi phục tổng cầu, rất cần quan tâm tới chính sách tiền tệ để tránh tình trạng lạm phát bùng phát trở lại. Một nguyên nhân luôn được coi là nghiêm trọng, thường xuyên ám ảnh nền kinh tế trong suốt hai năm qua là tổng cầu thấp, sức mua phục hồi chậm, trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ ì ạch lại chịu sức ép của hàng nhập khẩu, nhất là hàng nhập lậu “phong phú và đa dạng” từ Trung Quốc. Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu cũng bày tỏ mối lo ngại về lạm phát, nhưng không phải là lạm phát sẽ tăng cao mà là tiếp tục giảm sâu, bởi tổng cầu đang theo đà giảm thấp. Dự báo, giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động nên áp lực lạm phát năm nay không thể lớn được. 

Rõ ràng, mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 không khó đạt được trong 6 tháng cuối năm nay. Lạm phát có nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm ngoái, chỉ ở mức 5-6%. Bởi thế, đây là thời điểm cấp bách phục hồi “sức khỏe” nền kinh tế, phục hồi khả năng đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như sức mua, sức tiêu thụ của xã hội.