Phớt lờ nguy cơ cháy lớn từ những mớ “rác trời”

ANTĐ - Theo thống kê từ lực lượng cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, hàng năm có hàng trăm sự cố cháy chập điện ở địa bàn công cộng, trong đó đa số sự cố bắt nguồn từ những… mớ bòng bong dây điện, dây cáp, dây thông tin. 

Phớt lờ nguy cơ cháy lớn từ những mớ “rác trời” ảnh 1Những nguy cơ đã trở thành hỏa hoạn hiện hữu trên các cột điện

Cột lửa trên phố

Riêng ngày 31-3 vừa qua đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố chập cháy cột điện trên phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Hàng trăm người dân đi đường chứng kiến đã lắc đầu ngao ngán vì nơi xảy cháy là một mớ bòng bong các loại dây. Trước đó không lâu, trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa cũng xảy ra sự cố tương tự khiến toàn bộ hệ thống dây điện, cáp… bị thiêu rụi, trơ lõi đồng. Tình trạng “bỗng dưng phát hỏa” không còn là chuyện hy hữu, mà đã trở thành nguy cơ thường trực trên cột điện. Nguy cơ này sẽ hiện hữu hơn trong mùa hè nắng nóng. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố hỏa hoạn, song đối với các cột điện hiện nay, lý do chính là việc không tuân thủ các quy định về kỹ thuật đấu nối đường dây, an toàn phòng cháy. Theo Thượng tá  Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 (phụ trách địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa), trên những mớ bòng bong dây rợ đó, với hàng trăm mối nối thì xác suất chập cháy càng cao. Chưa kể mỗi đường dây, đơn vị sở hữu dây đính thêm mã tên bằng nhiều chất liệu, hình dáng khác nhau, do đó càng dễ phát hỏa, cháy lớn và cháy lan. Theo quy luật, mùa nóng, việc tiêu hao điện luôn lớn gấp nhiều lần mùa đông. Điện dùng quá tải, thời tiết nắng nóng cộng hưởng tạo nên môi trường sinh nhiệt nhanh, dễ nóng chảy vỏ bọc đường dây. Trong khi đó, việc kiểm tra định kỳ lộ điện, công tơ, mối nối… trên trụ điện gần như không được thực hiện nghiêm túc. 

Có một thực tế hiện nay, nhiệm vụ quản lý cột điện, cột chiếu sáng chỉ do một đơn vị thực hiện. Song vì nhu cầu, đã có hàng trăm đơn vị tham gia “quá giang” đường dây cáp, điện. Đó là lý do các cột điện ngày càng quá tải, tăng nguy cơ cháy. Hiện nay, thành phố đang triển khai ngầm hóa đường điện, dây thông tin trên nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đường dây, cột điện chưa được “sờ” đến; trong đó, đa phần là những đường dây bị hỏng, hoặc đã được thay thế dây mới nhưng không gỡ bỏ dây cũ. 

Trách nhiệm thuộc về… khách quan!

Số liệu thống kê từ lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, trong năm 2014 đã có gần 200 sự cố xảy ra. Hậu quả thiệt hại về kinh tế từ các vụ việc nói trên đã quá rõ. Song hệ lụy, thiệt hại vô hình lại không thể tính hết được. Nhưng lâu nay, trong những tình huống hỏa hoạn nêu trên, không thấy đích danh đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bởi nó luôn được  quy  về… sự cố. 

Thượng tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Sự cố hỏa hoạn thường xuất phát tại các điểm đấu nối không đúng quy định. Với hệ thống đường dây có thời gian sử dụng lâu đã xuống cấp, chất liệu bọc cách điện bị hỏng, trơ lõi đồng, sẽ chập cháy”. Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC số 2, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, cam kết với không chỉ riêng cơ quan điện lực mà còn phát tờ rơi đến tận tay người dân về đảm bảo an toàn PCCC và hướng dẫn, khuyến cáo việc sử dụng dụng cụ điện an toàn, đấu nối, kéo dây đúng quy định... Thế nhưng, việc thực hiện và giám sát các khâu lắp đặt, sửa chữa còn lỏng lẻo, và việc truy, xử lý trách nhiệm của đơn vị để xảy ra hậu quả chưa cụ thể, quyết liệt, nên số vụ hỏa hoạn liên quan đến các cột điện, đường dây luôn có chiều hướng gia tăng. 

Một cán bộ kiểm tra, hướng dẫn thuộc Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội phân tích: “Bước vào mùa hè nóng nực, nguy cơ xảy ra sự cố hỏa hoạn điện rất cao. Đơn giản nếu như hộp công tơ điện, cầu dao không được kiểm tra theo định kỳ, chỉ cần một công tơ chập cháy là cả hệ thống hộp công tơ có nguy cơ bị thiêu rụi”. 

Về vấn đề này, ông Mã Hoài Nam, Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa cho rằng: “Hiện trên cột điện có cả trăm loại đường dây chứ không của riêng ngành Điện lực. Chúng tôi cũng rất lo ngại sự cố hỏa hoạn tại những bó dây trên các cột. Và thực tế trong những năm qua, nhiều sự cố đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành điện và chính các đơn vị có đường dây”. Theo ông Nam, mặc dù đã có quy định, cam kết bảo vệ, và đặc biệt khi thay thế dây mới phải gỡ bỏ dây cũ và dây mới phải đưa lên cao hơn dây hiện có; nhưng việc thực hiện của nhiều đơn vị còn thiếu nghiêm túc, công tác kiểm soát, giám sát có lúc còn chưa chặt chẽ, nên thời điểm hiện tại, có lẽ buộc phải… chấp nhận nguy cơ hỏa hoạn đến từ những cây cột điện! 

Những ngày hè đang đến rất gần; sự chấp nhận thực trạng này, cuối cùng chỉ người dân “lĩnh đủ”.