Phóng viên du lịch "khổ" hay "sướng"?

ANTD.VN - “Thích nhỉ” - đó là từ cảm thán của nhiều người khi biết bạn là phóng viên theo dõi mảng du lịch. “Bề nổi” của một phóng viên du lịch tức là bạn sẽ được đi khắp nơi, đặt chân đến mọi vùng đất, được thưởng thức nhiều đặc sản vùng miền, ảnh đại diện trên mạng xã hội luôn ảo diệu… nhưng “bề chìm của tảng băng” tức là nỗi nhọc nhằn sau mỗi chuyến đi hoặc là “tai nạn nghề nghiệp” thì khó có ai thấu hiểu.

Nói theo từ thuần Việt là “Khảo sát du lịch”, nói theo tiếng Anh là “Famtrip”, dân du lịch thì nôm na gọi là “Đi Fam” - đó là một hoạt động khảo sát điểm đến với thành phần gồm có các nhà quản lý, các hãng lữ hành và báo chí. Mục đích như tên gọi, khảo sát để phát hiện những gì còn tiềm ẩn, góp ý với chính quyền địa phương, nếu có thể thì xây dựng tour - tuyến, các dịch vụ, cơ sở lưu trú, phục vụ đón khách du lịch. Tất nhiên, đi những chuyến này “sướng” hay “khổ” phần nhiều phụ thuộc điểm đến, tức là nếu điểm đến với cơ sở hạ tầng tương đối ổn định thì chuyến đi cơ bản nhàn nhã. Còn nếu đó là một nơi hoang sơ thì chuyến đi sẽ cực kỳ vất vả - tất nhiên phải có những người đi trước “mở đường” thì mới có quy hoạch, đầu tư, xây dựng hạ tầng du lịch.

Nhà báo Đỗ Vân Quế

Chuyến “hành quân” nhớ đời

Cách đây mấy năm, tôi tham gia một đoàn khảo sát du lịch tại mấy huyện miền núi thuộc một tỉnh ở Bắc Trung bộ. Chủ trương “làm” du lịch của chính quyền địa phương là rốt ráo lắm rồi. Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu ôn hòa mát mẻ, dân địa phương với phong tục tập quán đầy bản sắc - được đánh giá là thích hợp với các loại hình lưu trú kiểu “homestay”. Nói chung, khi đánh giá về điểm đến, dân làm lữ hành nói vui với nhau là gì cũng có, giờ chỉ thiếu mỗi du khách.

Một đoàn khảo sát du lịch được thành lập. “Hành quân” từ Hà Nội vào. Khó khăn đầu tiên phải vượt qua là chặng đường đồi núi nhỏ và hẹp. Xe ô tô không vào được, chỉ có xe máy làm phương tiện cơ động. Ô tô vừa đỗ, mấy chục chiếc xe máy, huy động từ dân địa phương đã chờ sẵn. 7km đường núi ngoằn ngoèo mới tới được địa điểm dự định sẽ nghỉ đêm.

Tôi chọn ngồi sau tay lái của một nữ xe ôm nghiệp dư, tức là đang nấu cơm thì được gọi đi chở khách. Mà đây cũng chỉ mới là lần thứ 2-3 chở khách vào bản. Vừa đi vừa kể chuyện gia đình, đồng áng, con đông vất vả. Đoạn nào tay yếu, không đi được thì cả lái xe lẫn khách xuống vừa đi vừa đẩy. Thế mà cũng hết con dốc. Một cuốc xe như thế, chị kiếm được mấy chục nghìn đồng - đó là khoản khá so với thu nhập của gia đình cả tháng. 

Căn nhà sàn mà đoàn nghỉ đêm cũng chính là chỗ ở của cả một gia đình, khi có khách thì chả biết chủ nhà sơ tán đi đâu (để nhường chỗ cho  khách). Hỏi khu vệ sinh đâu, chủ nhà nhiệt tình hồ hởi, chỉ ra phía cuối nhà sàn. Nhà tắm, nhà vệ sinh có cả, nhưng nói chung là có gì dùng nấy. Dự định đón khách cả Tây lẫn ta mà cũng chưa đầu tư gì nhiều. Hôm đó  là giữa mùa Đông lạnh giá.

Nước được lấy trực tiếp trên suối chảy thẳng vào bể. Dùng nước mà cảm tưởng như thò tay vào trong ngăn đá tủ lạnh. Chủ nhà gãi đầu gãi tai cười hiền lành bảo đã được tập huấn mấy tuần rồi, lại thêm cũng đi học tập kinh nghiệm ở Mai Châu, cũng đã hình dung ra được cách tổ chức du lịch nhưng mấy nữa mới có điều kiện sửa lại khu vệ sinh, xây thêm bể lọc, bể chứa thì mới có nước nóng. 

Ừ. Thôi. “Homestay” mà. Khách. Chủ. Cười xòa. Một điểm đến hoàn toàn mới, người dân cũng đang lần đầu tiếp cận với khái niệm du lịch nên các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách rồi cũng sẽ chỉnh sửa dần dần để phục vụ nhu cầu tối thiểu của khách.

Rồi thì đến “công đoạn” đi ngủ. Chăn, gối được bê ra, màn đã mắc xong nhưng ngặt nỗi, đêm ấy gió mùa về, mưa lạnh kinh khủng, gió tạt đầu hồi, mỗi khe cửa, khe vách nhà sàn đều trở thành nơi hút gió. Trùm chăn lên thì chăn gối để tủ lâu ngày không dùng đến có mùi rất khó thở. Thế là cả đêm vật lộn, trùm chăn lên rồi lại phải mở chăn ra để thở. Chưa kể, do tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương, chuồng bò được nuôi ngay phía đầu hồi nhà. Mưa, gió tạt, phía bên trên “lãnh đủ”.

Buổi đêm vất vả bao nhiêu thì buổi sáng được đền đáp bằng một view không có gì đã mắt hơn. Cửa sổ nhà sàn nhìn ra toàn núi là núi. Những bụi trạng nguyên nở đỏ khắp hàng rào quanh bản. Nhiệt tình góp ý chuyện chuồng bò ngay đầu hồi rồi cả chuyện chăn gối mốc với với lãnh đạo du lịch huyện. Lãnh đạo cười bảo: “Nhưng không thể chuyển chuồng bò đi được vì… Tây thích”.

Hóa ra là có sự hiểu nhầm tai hại, hiểu nhầm giữa việc gìn giữ tính nguyên bản - thiên nhiên hoang sơ kiến trúc truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng và vấn đề vệ sinh. Nghĩa là nhà sàn đấy, bản làng đấy, đồi núi đấy…phải giữ nguyên, nhưng nơi lưu trú của khách cũng phải đảm bảo sạch. Chỉ cần duy nhất một tiêu chí là “sạch” mà thôi.

Phóng viên du lịch "khổ" hay "sướng"? ảnh 2Phóng viên du lịch “khổ” hay “sướng”, đa số bảo “sướng” vì cảm thấy may mắn khi được sống với nghề và theo nghề

Ký ức du lịch mùa Covid-19

Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính là một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề du lịch, từng chứng kiến những lần thế giới “chao đảo”, ảnh hưởng đến du lịch nghiêm trọng như vụ khủng bố tấn công tòa tháp đôi ở Mỹ năm 2001, trước đó là khủng hoảng kinh tế châu Á hay dịch cúm H5N1 hoặc là đại dịch SARS…; nhưng chưa có bất cứ thứ gì kinh hoàng như Covid-19, nó vượt qua hiểu biết của tất cả những chuyên gia kinh nghiệm nhất. Tất cả các hãng hàng không gần như ngừng phục vụ. Các lệnh giãn cách xã hội được thiết lập với hầu hết các nước trên toàn thế giới. 

Việt Nam, với tính chủ động cao, việc khoanh vùng dập dịch cho tới thời điểm này đã cơ bản thành công. Gần 60 ngày nay, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các hoạt động du lịch nội địa đã bắt đầu được thiếp lập trở lại trong trạng thái bình thường mới. Du lịch là một trong những ngành nghề phải được cứu ngay lập tức. Những khẩu hiệu như “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” buộc phải nhường chỗ cho một khẩu hiệu mới, mang tính thời sự hơn là “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, dân làm du lịch thì đùa là “Người Việt cứu du lịch Việt”.

Các hoạt động kích cầu liên tục được tổ chức ở gần như tất cả các địa phương và phóng viên du lịch sau thời gian “nghỉ” giãn cách thì bắt đầu trở lại guồng quay của sự bận rộn. Ngày 22 - kích cầu du lịch Lào Cai, 26 - kích cầu du lịch Đông Bắc. Đầu tháng 6 là các hoạt động kích cầu du lịch các tỉnh Tây Bắc từ Hòa Bình tới Lai Châu, rồi Tây Nguyên, Tây Nam bộ… Vé thắng cảnh ở tất cả các điểm đến đồng loạt hạ giá, cáp treo giảm giá 60%, thậm chí có những nơi như Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn miễn phí vé vào cửa. Tuy nhiên, du lịch nội địa vẫn chỉ lấp phòng được khoảng 20-30% so với năng lực hiện có.

Tháng 6-2020, dọc biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), 1/2 nhà hàng khách sạn vẫn đóng cửa vì không có khách - đây là điều chưa từng có  ở thành phố đáng sống này. Cánh lái xe taxi khi được hỏi đều ước lượng rằng, lượng du khách đến Đà Nẵng lúc này chỉ đạt tầm 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tất nhiên dân làm du lịch hiểu rằng, chỉ khi nào khôi phục lại hoàn toàn các đường bay trong nước và quốc tế, thì lúc đó mới có thể gọi là phục hồi. Trong khi đó, dịch dã vẫn đặc biệt căng thẳng ở các thị trường du lịch lớn của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ… Chính vì thế, việc trông cậy vào du lịch nội địa lúc này chỉ là phương án cầm cự để vượt qua khó khăn trước mắt. Tuyên truyền tour, tuyến, điểm đến, các gói giảm giá hỗ trợ… cũng đương nhiên được coi là cách tiếp cận gần hơn với những người có nhu cầu du lịch nội địa. Còn hơn là ngồi im và không làm gì!

Chứng kiến một thời khắc khó khăn của ngành du lịch - phóng viên du lịch bận rộn hơn, đi nhiều hơn, hiểu ra được nhiều điều hơn. Nhiều lúc cảm động khi chứng kiến sự đoàn kết của các hãng lữ hành, các doanh nghiệp dịch vụ. Khó khăn là khó khăn chung, chẳng đoàn kết lúc này thì còn chờ lúc nào. Họ cùng ngồi lại với nhau, xây dựng tour tuyến, đưa ra các gói giảm giá đến mức không tưởng tượng nổi (giảm đến 60%) tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vẫn phải được đảm bảo.

Hỏi chính những đồng nghiệp trong nghề, rằng phóng viên du lịch “khổ” hay “sướng”, đa số bảo “sướng” vì cảm thấy may mắn khi được sống với nghề và theo nghề. Được đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, được thưởng thức những món ngon khắp vùng miền, thu được nhiều kiến thức cho bản thân, thậm chí được những trải nghiệp “nhớ đời” mà đôi khi các phóng viên mảng khác không có được, ví dụ như đêm gió mùa Đông Bắc một năm nào đó, nằm phía trên chuồng bò, nghe gió thổi qua từng vách núi - như đã kể phía trên. Phần thiếu thốn nhất của phóng viên du lịch là thời gian dành cho gia đình. Thôi thì chuyện “góc bếp, xó nhà” xin tản mạn vào một dịp khác. Còn bây giờ, nếu có ai còn hỏi phóng viên du lịch “sướng” hay “khổ”, xin đáp lại rằng: “Cứ xách balo lên là đi thôi”.