Phòng trước, chống sau

ANTĐ - Các công ty 100% vốn Nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hóa chiếm giữ nhiều nhà, đất ở những vị trí có giá trị thương mại cao nhưng sử dụng, khai thác kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp cho thuê kiếm lời, thậm chí nhà đất bị chiếm dụng hoặc bỏ hoang. Trong khi đó, sau hơn hai năm triển khai dự án nhà thu nhập thấp của Chính phủ, cả nước chỉ đạt 1% kế hoạch. Hà Nội chỉ mới có duy nhất một dự án đưa vào sử dụng với hơn 320 căn.

Hình minh hoạ. Ảnh: Internet

Năm nay thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các doanh nghiệp chưa thoát khỏi “cơn khát” vốn. Song, theo một thứ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường này sẽ có sự tái cấu trúc, có “gương mặt” mới, nguồn cung mới. Theo đó phân khúc nhà cao cấp sẽ phải kéo xuống và đẩy mạnh lượng nhà giá rẻ; tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu người dân, sẽ hạn chế tối đa không quá 20% nhà ở cao cấp. Đồng thời có thể cho phép các chủ đầu tư dự án điều chỉnh quy mô căn hộ theo hướng tăng số lượng các căn hộ vừa và nhỏ hợp với túi tiền của người thu nhập thấp.

Hiện tại, một số dự án thu nhập thấp lại bị chính người thu nhập thấp kêu ca là giá quá cao khiến họ khó có cơ hội “với” tới. Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng lý giải, ở Hà Nội tất cả các giá nhà đều là “tạm tính” và phải đợi quyết toán xong công trình mới có giá chính thức. Nói là tạm tính nhưng giá cũng phải có tính toán, cân nhắc. Những yếu tố cấu thành giá như thế nào, cái gì làm đội giá thành lên phải được công khai, minh bạch. Đang diễn ra tình trạng doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp cũng kêu ca, người mua nhà cũng lên tiếng, bản thân phía cơ quan, quản lý phải thừa nhận giá nhà dành cho người thu nhập thấp lại không hề thấp. Thử hỏi, với cái giá 12-13 triệu đồng mỗi mét vuông thì một căn hộ 70m2 đã mất đứt gần 1 tỷ đồng, với số tiền này người thu nhập thấp đến đời nào mua nổi? Chính vì thế, mới đây một đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đang “gõ cửa” từng căn hộ trong 6 dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Nội. Rà soát, thanh tra tập trung “soi xét” việc thực hiện chính sách pháp luật, đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp theo nghị quyết của Chính phủ.

Trọng tâm thanh tra là xem xét điều gì khiến cho giá nhà cao, từ đó đề xuất cơ chế chính sách để “kéo” giá nhà xuống thấp sao cho phù hợp. Cũng phải thừa nhận một thực tế là, các dự án nhà thu nhập thấp đang tắc đầu ra, không bán được hàng nên bí vốn làm tiếp dự án. Như vậy thời điểm thanh tra có thể làm khó thêm cho doanh nghiệp. Họ cũng phản ánh rằng, do cơ chế chính sách khi ban hành thì mô hình nhà thu nhập thấp chưa ra đời, cho nên chưa có chế tài. Hơn thế, cơ chế chính sách cũng “rơi rụng” dần cộng với doanh nghiệp không vay được vốn ưu đãi đã đẩy chương trình nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp, song quan điểm của Bộ Xây dựng là mặc dù nhiều dự án chưa hoàn thành thì vẫn phải thanh tra sâu vào từng dự án. Không phải chờ xong rồi mới thanh tra. Để hoàn thiện cơ chế chính sách phải thường xuyên thanh tra, không chỉ trong lĩnh vực xây nhà thu nhập thấp. Thanh tra chính là để tìm ra những “kẽ hở, lỗ hổng” để bổ sung, hoàn thiện chính sách tốt hơn.

Không chỉ thanh tra để tìm ra sai phạm, loại bỏ những “con sâu” trong đầu tư, đấu thầu, xây dựng, thanh tra để xem chính sách nhà thu nhập vì sao giá lại cao? Thanh tra là phải phòng trước, chống sau.