Phòng chống bạo lực gia đình: Không thể xuê xoa, cầu hòa, nín nhịn

ANTĐ - Tác động thay đổi niềm tin của nam giới về vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình, đồng thời, xóa bỏ các định kiến giới, các “lệ làng” là hai trong nhiều giải pháp được đặt ra trong Hội nghị phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ)  quốc gia được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-9. 
Phòng chống bạo lực gia đình: Không thể xuê xoa, cầu hòa, nín nhịn  ảnh 1

Ngứa mắt là đánh

Xưa nay, can thiệp phòng chống BLGĐ thường chỉ tác động đến nữ giới, trao quyền cho nữ giới, nhưng chị em vẫn không thể “tác động” lại ông chồng. Chính vì thế, nhiều can thiệp đã nhắm đến đối tượng là nam giới. Anh Bùi Văn H, 30 tuổi, dân tộc Mường (Hòa Bình) thường xuyên đánh vợ. Mỗi lần vợ con khóc lóc, đau đớn, anh ta vẫn không hối lỗi mà cho rằng “làm ngứa mắt thì tao đánh”. Theo anh H. nhiều nam giới trong làng xã cũng coi rằng việc đánh vợ là đương nhiên, bình thường. Nhưng sau khi tham dự CLB, anh đã hiểu rõ nỗi đau mình gây ra khi đánh vợ. “Trước đây tôi toàn uống rượu say xỉn, về nhà không làm chủ được mình. Giờ tôi chỉ uống vui dăm ba chén thôi, cũng đỡ hẳn việc gây gổ với vợ” - anh H. cho biết. 

Bà Mạc Thị Bưởi - chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu khoa học phụ nữ, giới, gia đình và vị thành niên (CSAGA) cho biết, CLB dành cho những người đàn ông gây BLGĐ chính là cầu nối thân thiện để kêu gọi nam giới hợp tác trong việc phòng chống BLGĐ. “Nam giới chủ yếu là người gây bạo lực, nếu chúng ta chỉ tác động vào phụ nữ, mà không làm cho nam giới hiểu thì chỉ nới rộng khoảng cách giữa hai vợ chồng, khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn” - bà Bưởi cho biết. 

Hòa giải nửa vời

Theo báo cáo đánh giá thực thi Luật Phòng chống BLGĐ của CSAGA tại 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, biện pháp chính mà chính quyền áp dụng khi can thiệp các vụ BLGĐ là hòa giải. 60% các vụ BLGĐ tại Hà Nam được chính quyền hòa giải, còn Hòa Bình là 30,7%. Hà Nam cũng xa lạ với các biện pháp cấm tiếp xúc, báo cáo thủ trưởng cơ quan và giáo dục tại cộng đồng, còn ở Hòa Bình cũng rất khiêm tốn với tỷ lệ lần lượt là 3,85%, 7,7%, 3,85%. Còn lại có tới gần 50% các vụ việc ở hai tỉnh này không báo chính quyền hoặc có biết, chính quyền cũng không tác động gì cả. 

Bà Nguyễn Thu Thúy (chuyên viên CSAGA) cho biết: Đội ngũ làm công tác hòa giải cũng chưa có đủ kiến thức kỹ năng. Họ thường mắc lỗi: xuê xoa, cầu hòa, kêu gọi phụ nữ nín nhịn, đổ lỗi cho người bị BLGĐ, đổ lỗi do rượu nên mới gây bạo lực. Hơn nữa, khi hòa giải xong thường không lập biên bản, yêu cầu người gây bạo lực ký và cam kết không tiếp tục gây bạo lực, nếu có, sẽ xử lý nặng hơn. Như vậy, người gây bạo lực thường nghĩ “lời nói gió bay”, càng không sợ. 

Vì thế, trong thời gian tới, theo bà Thúy, Nhà nước cần có những khóa đào tạo cán bộ hòa giải để họ có được kiến thức cũng như kỹ năng để có thể can thiệp phòng chống BLGĐ có hiệu quả hơn.

“Hòa giải càng nhiều, phụ nữ càng thấy ít được giúp đỡ hơn. Vì thế, việc hòa giải cần được xem xét kỹ lưỡng. Nếu không, hòa giải bằng cách xoa dịu mâu thuẫn sẽ khiến bạo lực không được chấm dứt mà chỉ “chìm xuồng” và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào”- bà Nguyễn Thu Thúy nói.