- Muôn kiểu cà phê Hà Nội
- Người đi trong phố cũ Hàng Trống
- Cột cờ Hà Nội - Kỳ đài cao nhất còn lại trong Hoàng thành Thăng Long
Chùa Lý Quốc Sư có lịch sử lâu đời, được xây dựng từ thời nhà Lý, năm 1131
Chùa Lý Quốc Sư - nơi thời 3 vị thiền sư nổi tiếng nhất thời Lý
Gọi là phố Lý Quốc Sư vì trên phố có một ngôi chùa cùng tên. Lý Quốc Sư là tên gọi theo quốc tính họ vua của một trong những thiền sư nổi tiếng nhất thời Lý - Nguyễn Minh Không. Nguyễn Minh Không (1065-1141) là một trong những nhà sư có công lớn với Phật giáo đương thời, là người đứng đầu tổ chức Phật giáo lúc đó. Ông là người lập rất nhiều chùa với hơn 500 ngôi trong đó có những ngôi chùa lớn, còn tồn tại đến bây giờ như Quỳnh Lâm, Non Nước, Bái Đính, Cổ Lễ…
Và nếu ai quan tâm đến Phật giáo Việt Nam và nghề đúc đồng thì còn nhớ, Nguyễn Minh Không còn được coi là ông tổ đúc đồng của nước Việt, được nhiều nơi thờ làm tổ nghề và ông chính là người có công tạo tác 2 trong 4 thứ được coi là “An nam tứ đại khí” bằng đồng, đó là tượng phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và tháp Báo Thiên ở Hà Nội.
Nhưng sự kiện khiến cho Nguyễn Minh Không nổi danh nhất và trở thành quốc sư triều Lý là ông đã chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông thoát khỏi kiếp hổ. Mà Lý Thần Tông theo huyền sử vốn là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh, người bạn tu hành thân thiết của Nguyễn Minh Không. Cũng chính từ việc chữa bệnh cho vua này, những huyền sử về ông và Từ Đạo Hạnh càng thêm sắc màu huyền thoại.
Điều thú vị là trong ngôi chùa Lý Quốc Sư thờ ông bây giờ, ở vị trí cao nhất là Nguyễn Minh Không và bên cạnh là hai người bạn thân thiết của mình: Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Nguyễn Giác Hải. Ba vị thiền sư nổi tiếng bậc nhất thời Lý được phối thờ trang trọng. Lý Quốc Sư trong phục trang áo vàng Phật giáo còn Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải được tạc trong những phù điêu đá được tô màu rất sinh động. Phù điêu Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải là 2 trong 4 phù điêu đá trong chùa Lý Quốc Sư có từ thế kỷ XVI và mô phỏng theo hình người thật chứ không phải mang tính tượng trưng như những pho tượng khác.
Chùa Lý Quốc Sư có lịch sử lâu đời, ban đầu được gọi là đền vì thờ chính Nguyễn Minh Không, về sau có vị trụ trì đưa thêm tượng Phật vào phối thờ từ đó mới gọi là chùa. Nguyên kiến trúc cũ được xây dựng từ thời nhà Lý, năm 1131 ngay cạnh chùa Báo Ân, vị trí ở khuôn viên Nhà Thờ lớn hiện tại, do biến động lịch sử mới được di dời đến chỗ bây giờ.
Trong chùa Lý Quốc Sư còn có một cột đá rất đáng chú ý mà hình như đã gần bị lãng quên, đó là cột đá “Long nữ thiên tài” cao 3m với những chạm khắc rất tinh tế hình hoa sen, hoa thị, lá đề và một nữ thần ở trên đỉnh.
Phố Lý Quốc Sư ngày nay vẫn còn những căn nhà cổ nằm trong một con hẻm nhỏ
Nhà in nổi tiếng nhất xứ Đông Dương
Thời hiện đại, ở số 24 phố Lý Quốc Sư vốn là nhà in của Ngô Tử Hạ, một trong những nhà in nổi tiếng nhất xứ Đông Dương và chủ nhà in cũng là một nhân vật có ảnh hưởng tới lịch sử đương thời.
Khi Cách mạng còn trong trứng nước, chính nhà in của Ngô Tử Hạ đã ủng hộ hàng tạ chì để in ấn những truyền đơn của Việt Minh. Và đặc biệt những đồng bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được in ở chính nơi này. Một sự kiện quan trọng nữa, Ngô Tử Hạ đã từng làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông nên chọn ngày nào làm Lễ Tuyên bố độc lập, Ngô Tử Hạ đã bảo nên chọn ngày 2-9 vì hôm đó là Chủ nhật.
Còn một câu chuyện nữa về tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngô Tử Hạ là vào một ngày giáp Tết, Ngô Tử Hạ đích thân đến gửi biếu Hồ Chủ tịch lọ mắm tép do vợ ông làm vì biết người bạn của mình rất thích món ăn dân dã này. Sau này, Ngô Tử Hạ còn hiến tặng Chính phủ hàng nghìn mét đất ở phố Lý Quốc Sư, Ngõ Huyện, Hàng Bông… Lúc cách mạng thành công ông là người đứng đầu Hội cứu tế, cứu đói của Chính phủ.
Ngô Tử Hạ (1882-1973) còn là một chính trị gia đáng ghi nhớ. Ông là thành viên cao tuổi nhất của Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội, là người chủ tọa đọc lời khai mạc và tuyên ngôn của Quốc hội. Và ông cũng là người có mối quan hệ thân giao với Vua Bảo Đại trong thời gian ở Huế và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm người để thương thuyết với Vua Bảo Đại về việc thoái vị.
Phở Lý Quốc Sư lúc nào cũng đông khách và phong cách phục vụ thì lịch sự, thân thiện
Phở Lý Quốc Sư nức tiếng Hà thành
Ngoài lịch sử lâu đời, phố Lý Quốc Sư từ lâu đã là một con phố nổi tiếng về những món ăn ngon và nhộn nhịp khách du lịch của Hà Nội. Và có lẽ hai hàng ăn nổi tiếng nhất con phố này là bánh gối gốc Đa và phở số 10 Lý Quốc Sư.
Bánh gối gốc đa chỉ là một cái quán mỏng dẹt tựa vào gốc đa ngay cạnh chùa Lý Quốc Sư nhưng có rất nhiều loại bánh làm vừa lòng những người thích ăn vặt và du khách. Những món bánh có tiếng ở nơi này là bánh gối, bánh tôm… được rán vàng ruộm, thơm phức. Khách đến ăn lúc nào cũng đông và vào những lúc cao điểm, kiếm được một chỗ ngồi cũng không phải dễ. Nhưng mặc thế, người Hà Nội đến nơi này đã thành thói quen và nhất là các bạn trẻ lại càng ưa chuộng.
Còn phở số 10 Lý Quốc Sư là một hàng phở ngon có tiếng từ lâu. Nếu các hàng phở nơi khác bình dân, nóng bức, phải xếp hàng thì hàng phở nơi đây hiện đại, mát mẻ. Hàng phở lúc nào cũng đông khách và phong cách thì lịch sự, thân thiện. Sự nổi danh của hàng ăn đến mức thương hiệu phở Lý Quốc Sư đã mở nhiều chi nhánh ở Hà Nội và các tỉnh và được sự tin cậy của giới sành ăn.
Phố Lý Quốc Sư, ở số nhà 43 cũng là nơi ở cuối cùng và lâu nhất của thi sĩ Hoàng Cầm, người con xứ Kinh Bắc với những tác phẩm tiêu biểu như kịch thơ “Kiều Loan”, các bài thơ “Lá diêu bông”; “Bên kia sông Đuống”… được phổ nhạc, đưa vào sách giáo khoa và được nhiều người thuộc. Trên phố, ngoài chùa Lý Quốc Sư thì còn có đền Phủ Ủng thờ Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão cũng là một nơi rất đáng để tham quan, tìm hiểu.