Phim điện ảnh "Nắng": Khóc, cười và tiếc!

ANTD.VN - 4 tháng sau khi lỡ hẹn, “Nắng” chính thức ra rạp. Bộ phim đầu tay của đạo diễn Đồng Đăng Giao được chờ đợi không phải bởi quy tụ dàn “sao” hài bậc nhất của màn ảnh rộng hiện nay, mà bởi ngay từ đoạn trailer quảng cáo được tung ra cách đây vài tháng đã khiến người xem rưng rưng xúc động.

Phim điện ảnh "Nắng": Khóc, cười và tiếc! ảnh 1“Nắng” là bộ phim xúc động về tình cảm mẹ con…

Không phải phim hài “nhảm” 

Hoài Linh, Thu Trang, Trấn Thành, cộng thêm sự xuất hiện của chồng Thu Trang - nam diễn viên Tiến Luật, chỉ ngần ấy cái tên “hot” cũng đủ để “Nắng” có được chỉ số an toàn về mặt doanh thu khi ra rạp. Tuy nhiên ngay khi xem đoạn trailer được tung ra để quảng cáo về bộ phim này, dù có tới cả dàn “sao” hài và tiết lộ một vài chi tiết gây cười song nhiều người tin rằng đây không phải phim hài, càng không lo hài “nhảm” mà ngược lại sẽ lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Điều này càng khiến người ta tò mò về “Nắng” và thấp thỏm chờ đến ngày phim công chiếu. Và quả thực, bộ phim của đạo diễn Đồng Đăng Giao đã khiến người xem phải khóc cười cùng nhân vật. 

“Nắng” mở đầu bằng cảnh bắt đầu một ngày mới của hai mẹ con Mưa và Nắng - mẹ Mưa bị thiểu năng nhưng tốt bụng và rất mực yêu con, cô con gái nhỏ tên Nắng láu lỉnh thông minh và rất đỗi thương mẹ. Cuộc sống thường ngày của hai mẹ con Mưa - Nắng là chia nhau đi bán vé số, nhặt ve chai ở khắp các ngõ ngách rồi trở về bên nhau sau một ngày dài, sống vui vẻ trong căn nhà hoang ven sông.

Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, phim đã làm người xem xúc động trước tình mẫu tử. Đó là cảnh cô con gái nhỏ tỏ ra già dặn khi vừa đi vừa giải thích với người mẹ thiểu năng: “mẹ là Mưa, con là Nắng, màu của mưa và nắng là màu hy vọng”. Đó còn là cảnh người mẹ reo lên đầy vui sướng khi nhặt được con thú bông bị bỏ rơi ngoài bãi rác - thứ mà chị tin chắc rằng con gái mình sẽ thích, cảnh Nắng lao vào che cho mẹ khi thấy mẹ mình bị lũ trẻ lớn hơn trêu đánh, cảnh hai mẹ con ngồi dưới hiên nhà trú mưa và vui vẻ chia nhau chiếc bánh mì ăn cho qua bữa… Có thể nói ở đoạn mở đầu, phim được xây dựng bình dị dựa trên những chi tiết rất đời kiểu như thế nên có sức thuyết phục và lấy được khá nhiều cảm xúc của người xem. 

Tiếc vì sự khiên cưỡng

Với một sự khởi đầu như thế, người ta chờ đợi càng về sau, phim sẽ càng xúc động với việc xuất hiện những chi tiết “đắt” với những nút thắt – mở bất ngờ. Có lẽ cũng bởi sự kỳ vọng ấy nên nhiều người cảm thấy chưa thỏa mãn với cách đặt vấn đề và xử lý câu chuyện trong phim.

Sự khiên cưỡng thể hiện ngay từ việc đẩy hai mẹ con Mưa - Nắng vào tình huống tự dưng “rước” hai người đàn ông lạ mặt về nhà “nuôi” - một định nhảy sông tự tử vì nghĩ mình bị HIV, một bị dân giang hồ truy đuổi vì dám động tay động chân với tên “trùm” của chúng. Cả hai đều sức dài vai rộng nhưng chấp nhận ngồi thu lu bó gối ở nhà, chỉ quanh quẩn hóng gió với nằm ngắm trăng để một người phụ nữ bị thiểu năng đi bán vé số kiếm tiền mua thức ăn về nuôi. Rồi sau đó, cả hai người đàn ông này từ chỗ không ưa nhau đến chỗ chung sống hòa bình và đều có người yêu, thậm chí còn dẫn bạn gái về căn nhà hoang để cùng nhau tổ chức bữa tiệc sinh nhật cho bé Nắng. 

Tuy nhiên đỉnh điểm của sự khiên cưỡng là khi người mẹ thiểu năng bất ngờ bị một tay giang hồ bỏ vài cọc ma túy vào chiếc xe nhặt ve chai và bị bắt. Sau đó, sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát điều tra phá án với những lần hỏi cung, chất vấn, rồi cảnh người mẹ bị tuyên án khi đứng trước vành móng ngựa… được dàn dựng hơi máy móc, khô khan và chưa thuyết phục.

Chưa kể, có những chi tiết gượng gạo đến khó tin như khi tay “trùm” giang hồ dù chẳng quen biết gì nhân vật Mưa nhưng vẫn vào tận nơi tạm giam để nói chuyện qua điện thoại mà không hề bị cơ quan cảnh sát điều tra nghi ngờ, nhất là khi tay này điềm nhiên kể cho người mẹ thiểu năng nghe câu chuyện về…. con chó mà đến người bình thường cũng phải tư duy lắm mới hiểu, đại loại là chó mẹ đã hy sinh để chó con được sống. Thế mà người mẹ thiểu năng này tỏ ra thông minh đột xuất, hiểu luôn ẩn ý đằng sau câu chuyện bóng gió mà tên “trùm” không quen kia kể và từ đó khăng khăng nhận mình có tội.

Đặc biệt, chi tiết nhân vật Mưa bị đưa ra pháp trường xử bắn trong hoàn cảnh người dân vây quanh xem và bàn tán, dù sau đó được giải thích là cách mà cơ quan cảnh sát điều tra “dụ” kẻ phạm tội ra đầu thú, nhưng vẫn bị cho là sai về mặt nghiệp vụ, rất phi lý và khó thuyết phục.