Phiêu lưu đến chốn của tộc người cổ dài ở Tam giác Vàng

ANTD.VN - Khi ở Chiang Mai, Thái Lan, tôi nhìn thấy rất nhiều đại lý du lịch đóng trụ sở ở phố đêm Night Bazaar. Tôi chú ý đến tour Tam giác Vàng. Xem giá cả thấy 1.000 bath cho một tour Chiang Rai - Tam giác Vàng - Cửa khẩu Mae Sai có kèm ăn trưa và xem làng người cổ dài, khởi hành 8h sáng, 8h tối về đến nơi, chúng tôi quyết định nhanh chóng mặc dù lịch trình này chưa có trong kế hoạch. 

Vùng Tam giác Vàng là biên giới của ba nước Lào - Thái Lan - Myanmar

Ba nước chung một khúc sông 

Tuy nhiên có một trở ngại là trong đoàn có nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tuổi cũng đã cao, không đi ăn tối ở Night Bazaar cùng chúng tôi mà ở lại khách sạn để đi ngủ sớm. Tôi ngại rằng không biết cô Nhàn có “bỏ phiếu” cho quyết định này và liệu sức cô có chịu nổi chuyến đi.

Cuối cùng chúng tôi nhất trí rằng Chiang Rai chỉ cách Chiang Mai có 150 cây số, không biết đến kiếp nào chúng tôi mới có cơ hội quay lại Chiang Mai để từ đó đi lên Tam giác Vàng. Mới nảy ra ý gian: Sáng mai xe đến, tất cả sẽ cùng lên xe và giữ im lặng. Cô Nhàn cũng sẽ chẳng biết xe đưa cô đến nơi nào. Nếu có hỏi, chúng tôi sẽ bảo đang đi chùa. Từ đầu đến cuối chương trình, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chẳng khi nào hỏi tôi rằng tôi đang đưa cô đi đâu. Lần này cũng sẽ như vậy. Đến Tam giác Vàng rồi hẵng hay.

Trên đường đi, chúng tôi tham quan một ngôi đền màu trắng mang tên Wat Rong Khun được đầu tư và xây dựng bởi họa sĩ đương đại, kiến trúc sư Chaloemchai Khositphiphat. Công trình này được trát bởi vữa trắng và gương nên dưới ánh mặt trời, ngôi đền sáng rực lên khác thường. Đây không đơn thuần là một công trình tôn giáo mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đương đại kỳ lạ.

Theo tục lệ của bộ lạc Kayan, các em bé gái bắt đầu được mẹ đeo vòng cổ cho từ lúc 5 tuổi. Số vòng xoắn tăng lên theo tuổi tác sẽ khiến cho xương cổ được kéo dài ra đến tận 30cm. Phụ nữ càng nhiều tuổi, vòng cổ càng nặng.

Được khởi công xây dựng năm 1996, chủ nhân Chaloemchai tuyên bố rằng công trình chỉ được hoàn thành 90 năm sau cái chết của ông. Cây cầu dẫn từ sân vào trong đền có dáng cong, bên dưới là mô phỏng địa ngục với hàng trăm bàn tay người đang khốn khổ với tay lên thành cầu, bên trong vẫn có tượng Phật. Trong khi tất cả các đền chùa ở Thái Lan đều sơn vàng, khảm vàng hoặc lấy màu vàng làm chủ đạo thì Chaloemchai sử dụng màu trắng với lý do: Vàng chỉ để dành cho những người có lòng tham của quỷ dữ. 

Khác với hình dung, khu Tam giác Vàng là một khúc sông Mê Kông yên bình và lặng lẽ. Lối xuống bến thuyền có tấm biển đề chữ “Golden Triangle” kèm theo bản đồ vùng Tam giác Vàng. Bờ bên này là Thái Lan, bờ bên kia là Lào, thuyền đi thêm vài trăm mét nữa là Myanmar. Ba nước chung một khúc sông.

Chúng tôi mua vé đáp thuyền sang Lào, một hòn đảo biên giới mang tên Donsao. Mất chừng 20.000 đồng tiền Việt để làm “visa”, là một mẩu giấy xấu xí mỏng tang in hình tam giác (vàng). Vậy là một lúc đi mấy nước. Như nhiều vùng biên giới khác ở Đông Nam Á, ngay rìa sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Myanmar có một casino (chủ lại là người Thái Lan), rìa sông trên lãnh thổ Lào có một casino khác (chủ là người Trung Quốc).

Luật pháp cả ba nước này đều không cho phép dân nội địa đánh bạc, người nước ngoài thì được phép. Còn Thái Lan thì thậm chí còn không được phép xây sòng bạc. Vì vậy nước nọ cứ bơi thuyền sang nước kia để đánh bạc. Lúc đứng trên lãnh địa nước Lào, tôi không nén nổi nỗi phấn khích. Tam giác Vàng, cái địa danh lừng lẫy khắp chân trời góc bể, giờ tôi đang điềm nhiên đứng trên đó. 

Những người phụ nữ Karen có một vẻ đẹp riêng

Tam giác Vàng: Xưa và nay

Chính ngọ, mặt sông nâu sẫm ánh gắt, phía bên kia lãnh thổ Myanmar, những rừng cây rậm rạp che kín bờ. Thập niên 1970, đây từng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Khi về kể chuyện Tam giác Vàng, ai cũng bảo cứ liều đi thế tụi Khunsa bắn cho bể sọ. Lạc hậu quá. Khunsa thì chết từ lâu rồi, mà các cánh đồng anh túc trước kia là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho toàn cầu giờ đã được thay thế bằng những cánh đồng trồng rau củ.

Tam giác Vàng đã biến thành những khu du lịch sinh thái từ lâu. Bản Therd Thai, cách Chiang Rai 40 cây số, trước đây là đại bản doanh của trùm Khunsa và đội quân của hắn, một lò chế tác thuốc phiện khổng lồ, cũng đã hóa thành một điểm du lịch. Trong lịch trình tour của tôi không có điểm này vì nghe nói đường đi đến sào huyệt của Khunsa cực kỳ hiểm trở. Đi từ Chiang Mai đến Chiang Rai, dù mắt nhắm từ đầu đến cuối, tôi cũng đủ biết đường sá hiểm trở thế nào nhờ những cơn xoáy mòng mòng trong dạ dày.

Rời Tam giác Vàng, chúng tôi ra cửa khẩu Mae Sai, biên giới giữa cực bắc Thái Lan và Myanmar. Hai nước được nối liền với nhau bởi một cây cầu ngắn. Chợ cửa khẩu chủ yếu bán các loại ngọc và đá quý. Dễ hiểu vì Myanmar là một quốc gia có mỏ ngọc rất lớn. Các công ty kim hoàn Trung Quốc, Thái Lan thường sang đây mua ngọc về để chế tác.

Cũng lại nghe nói, vài thập kỷ trước, cứ đến biên giới Mae Sai là lại như rơi vào phim hành động Mỹ, lúc nào cũng sợ súng nổ. Giờ Mae Sai chỉ là một huyện rực rỡ ánh nắng như bất kỳ thị trấn tỉnh lẻ nào ở Đông Nam Á. Tôi không mua ngọc, chỉ mua một nải chuối ngự vàng ươm và ngọt lịm có lẽ được trồng đâu đó trên những cánh đồng từng ươm mầm anh túc.

Những người cổ dài cũng trở thành “dịch vụ” 

Trên đường về chúng tôi ghé qua một ngôi làng có tộc người cổ dài di cư từ Myanmar sang. Nếu đi du lịch tự túc thì việc chụp ảnh với những phụ nữ cổ dài sẽ tiêu tốn chừng 20 USD, nhưng vì chúng tôi đã mua tour trọn gói nên được tham quan và chụp ảnh miễn phí.

Ngôi làng của bộ tộc Kayan (người cổ dài Karen) và bộ tộc Akha (một dân tộc thiếu số Thái Lan) đồng thời được coi là một khu du lịch với rất nhiều quầy lưu niệm bán khăn quàng và phù điêu người đàn bà cổ dài da ngăm. Khách vào tham quan khu vực bán hàng của người Akha bên ngoài thoải mái nhưng bước vào phân khu của người Karen thì phải mua vé. Tiền vé bán được sẽ dành để nuôi những người cổ dài trong bản. 

Người cổ dài bộ lạc Kayan thực chất là gốc Myanmar. Có lẽ do điều kiện kiếm sống eo hẹp, một bộ phận nhỏ di cư sang Thái Lan để tìm cách mưu sinh. Họ được những người Thái Lan đón nhận nhiệt tình, dồn vào một ngôi làng để quản lý và biến thành “human zoo” (một kiểu triển lãm trưng bày những tộc người thiểu số) chuyên nghiệp, và là một dịch vụ kinh doanh hút khách.

Đọc báo biết về người cổ dài đã lâu, thấy họ rất kỳ quái. Nhưng khi gặp trực tiếp thì lại thấy những người phụ nữ Karen có một vẻ đẹp riêng. Có lẽ mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Mỗi lần gặp khách, những người đàn bà cổ dài chỉ cười nhẹ rồi hơi gật đầu chào, dáng vẻ rất quý tộc, ấy là do cái vòng cổ chỉ cho phép họ gật đầu chào đến thế chứ không gật sâu hơn được nữa.

Cách gật đầu rất nhẹ của các đệ nhất phu nhân. Các cô gái cổ dài cũng rất xinh đẹp và tô son điểm phấn cầu kỳ, váy vóc chải chuốt, hoàn toàn không phải những thổ dân sống trong rừng sâu như tôi vẫn tưởng tượng. Họ ngồi trong những chòi lá để bán đồ lưu niệm và dệt vải. Những chiếc vòng cổ bằng đồng nặng 5kg không cho phép họ ngồi thẳng người một cách thoải mái, đặc biệt là những phụ nữ lớn tuổi.

Nhà văn Di Li

Họ đành phải lấy dây vải cột lưng vào cột để dây có thể giữ người cho thẳng. Cô gái hoa khôi của làng được phân ngồi ngay ki-ốt đầu tiên để đón khách. Thi thoảng cô lại lấy gương ra soi và trang điểm lại. Ngôi làng giống như một triển lãm thô sơ của bộ lạc Kayan, có ảnh chụp lúc những người phụ nữ cởi vòng ra để chứng minh cho những nghi ngờ thường thấy của khách thập phương rằng cứ hễ cởi vòng ra là họ sẽ bị gãy cổ.

Tuy nhiên họ cũng không mấy khi cởi vòng bởi nếu không có món trang sức nặng nề từ thời tổ mẫu, cổ họ trông nhẳng ra một cách kỳ khôi với những vết thâm, bợt do lâu ngày va chạm với kim loại mà lại không có ánh sáng mặt trời. Cũng có ảnh chụp người phụ nữ Karen lúc đi ngủ. Họ không thể nằm thẳng mà chỉ nằm nghiêng với chiếc vòng trên cổ. 

Trong làng còn có tộc người căng tai. Những người phụ nữ căng tai cho to tướng bằng những miếng gốm tròn xoe. Tất cả họ đều niềm nở và thân thiện với những nụ cười rất chuyên nghiệp khi chụp ảnh cùng du khách. Đến Thái Lan, mọi thứ đều quy vào dịch vụ, kể cả những người cổ dài.