"Phía sau vụ án" là những hy sinh lặng thầm

ANTĐ - Tối 15-7, Cụm thi đua số 2 (Công an TP Hà Nội) đã phối hợp cùng Đoàn kịch nói Nam Định tổ chức cho cán bộ chiến sỹ thưởng thức vở kịch nói “Phía sau vụ án”. Đêm diễn không chỉ mang lại những giây phút thư giãn mà còn mở ra cơ hội nâng cao bản lĩnh chính trị trong mỗi người chiến sỹ. 

"Phía sau vụ án" là những hy sinh lặng thầm ảnh 1Đạo diễn Trần Nhượng đã sử dụng kết hợp ngôn ngữ múa và ngôn ngữ sân khấu 

Trước mỗi chuyên án

Buổi công diễn vở kịch nói “Phía sau vụ án” diễn ra nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND (20-7-1962/20-7-2015), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 10 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ ANTQ. Đông đủ cán bộ chiến sỹ của cụm thi đua số 2 đã có mặt từ sớm để chờ đón giây phút khai màn.

Thượng tá Phạm Văn Hân - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 đã đại diện Cụm thi đua số 2 khai mạc đêm diễn và nhấn mạnh: “Thông qua việc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ xem vở kịch nói “Phía sau vụ án”, tác giả Vũ Xuân Cải, chúng tôi mong muốn mỗi người chiến sỹ sẽ không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong lối sống, nêu cao ý thức cảnh giác, tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ vững ANCT và TTATXH trên địa bàn Thủ đô”. 

Là một trong những tác phẩm được tuyển chọn tham gia liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III-2015, vở kịch xoay quanh cuộc đời của một chiến sỹ cảnh sát kinh tế. Anh đã từng phá hàng trăm vụ án thành công nhưng vụ án này lại liên quan đến tổ ấm của anh. Người vợ mà anh yêu thương hết mực đã bị thế lực đồng tiền lôi kéo, dụ dỗ, vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Với bản lĩnh chính trị của người chiến sỹ công an đã giúp anh vượt lên tình cảm cá nhân, cùng các đồng đội phá án. Cốt truyện của vở kịch không quá phức tạp và có thể đoán định được hồi kết, tuy vậy, sức hấp dẫn của vở diễn nằm ở việc đạo diễn - NSƯT Trần Nhượng đi sâu vào khai thác đời sống tình cảm của người chiến sỹ công an trước mỗi chuyên án. 

"Phía sau vụ án" là những hy sinh lặng thầm ảnh 2

Vợ anh cảnh sát Phương đã phản bội lại chồng mình

Cuộc đấu tranh nội tâm 

Nhiều tâm sự khó bộc bạch như sự hy sinh những giây phút gia đình quây quần, đầm ấm để lên đường làm nhiệm vụ, truy tìm manh mối vụ án đã là những mảng miếng trên sân khấu  lấy được sự xót xa, đồng cảm của khán giả. Chưa kể, ở vở diễn này, nhân vật chính là cảnh sát kinh tế Phương (diễn viên Lê Quốc Chín đảm nhận) còn phải đấu tranh với chính người vợ “đầu gối tay ấp” nên tác phẩm càng chồng chất những tâm sự.

 Điểm nhấn của vở kịch còn là cuộc trò chuyện của Phương và bố vợ, đồng thời là người lãnh đạo trực tiếp anh tại đơn vị, càng làm sáng tỏ tình cảm yêu thương anh dành cho người bạn đời. Nhưng trong cuộc chiến đấu chống lại cái ác, anh buộc lòng phải đưa vợ ra trước luật pháp. Để vở diễn bớt đi cảm giác nặng nề, đạo diễn Trần Nhượng đã kết hợp ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ múa hòa lẫn trong tiết tấu âm nhạc dồn dập. Hiệu quả thị giác, thính giác của việc kết hợp này đã hấp dẫn người xem đến với các tình tiết của vở kịch. 

Vụ án đã khép lại với sự thành công của một chuyên án. Phía sau vụ án là sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sỹ công an cho cuộc sống bình yên. Đằng sau mỗi chiến công luôn ẩn chứa những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người chiến sỹ. Anh cảnh sát kinh tế Phương đã ngã xuống ngay giữa thời bình, vợ anh đã phản bội chồng trước vòng xoáy của tiền bạc.

Thực tế cuộc sống và chiến đấu của các chiến sỹ công an đều được thể hiện đậm nét trong vở kịch. Thông điệp của vở diễn không lớn lao, chỉ là một lời tự sự của những người chiến sỹ: khi cái ác còn lẩn khuất đâu đấy thì ở đó sẽ luôn có những chiến sỹ công an sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để giữ cuộc sống yên bình.