Xung quanh tranh chấp bản quyền vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam:

Phía chủ đầu tư vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam nói gì?

ANTD.VN - Đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này đạo diễn Việt Tú cùng công ty DS của anh chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu để thanh lý hợp đồng và bàn giao sản phẩm, cụ thể là vở thực cảnh “Ngày xưa”.

Sau khi đạo diễn Việt Tú lên tiếng “khơi” lại vụ tranh chấp kéo dài chưa có hồi kết giữa anh và công ty Tuần Châu Hà Nội xung quanh quyền tác giả vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam – “Ngày xưa” (còn có tên khác là “Thuở ấy xứ Đoài”), phía Tuần Châu Hà Nội mới đây cũng chính thức có phản hồi về sự việc trên.

Theo đó, trao đổi cùng phóng viên Báo ANTĐ, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo –TAT Law Firm, đại diện pháp lý công ty Tuần Châu Hà Nội xác nhận, hiện nay Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang giải quyết vụ án Công ty Tuần Châu Hà Nội khởi kiện công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc. Trong vụ kiện này, công ty Tuần Châu Hà Nội được xác định là nguyên đơn, còn công ty DS của đạo diễn Việt Tú là bị đơn.

Đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết, lý do dẫn đến vụ kiện này là bởi giữa hai bên ký kết hợp đồng dịch vụ làm việc với nhau (cụ thể là xây dựng vở thực cảnh “Ngày xưa” – PV), trong quá trình thực hiện hợp đồng thì công ty DS không hoàn thành công việc đã ký kết dẫn đến việc công ty Tuần Châu Hà Nội phải mất thêm hàng tỷ đồng để thuê công ty khác thực hiện vở diễn mới thay thế.

Cũng theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, nhiều lần công ty Tuần Châu Hà Nội đề nghị công ty DS hoàn tất thủ tục nghiêm thu để thanh lý hơp đồng và bàn giao sản phẩm, tuy nhiên công ty DS đã trì hoãn việc này và cố tình chiếm hữu bất hợp pháp sản phẩm bằng cách tự ý đăng ký quyền sở hữu cho mình. Vụ việc này gây bức xúc cho công ty Tuần Châu Hà Nội khi đơn vị này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng và dốc tâm huyết để đầu tư toàn bộ vở diễn, sau đó đó còn mất thêm nhiều tỷ đồng để trả cho công ty khác thực hiện lại vở diễn mới.

Toàn cảnh sân khấu vở thực cảnh "Ngày xưa" khi mới ra mắt khán giả vào tháng 6-2017

Liên quan đến những hình ảnh so sánh giữa hai vở “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” được phía đạo diễn Việt Tú cùng công ty DS đưa ra mới đây và xem đó là chứng cứ cho thấy “Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng, kế thừa dựa trên nền tảng đã có trước đó của “Ngày xưa”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết, hiện chị chưa thấy những “chứng cứ” này nên chưa thể kết luận về tính hợp pháp của chúng.

Tuy nhiên, đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội chia sẻ, đạo diễn Việt Tú hoàn toàn có thể cung cấp cho tòa những gì anh xem là chứng cứ. Tuy nhiên, việc xác định chứng cứ đó có hợp pháp không, có giá trị pháp lý trong vụ kiện hay không sẽ do Tòa phán xét bằng một bản án có hiệu lực.

Về thông tin công ty Tuần Châu Hà Nội không chịu cung cấp video của hai vở thực cảnh “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” theo yêu cầu của Tòa để phục vụ cho việc giải quyết vụ kiện, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo khẳng định, cho đến thời điểm này phía Tuần Châu Hà Nội chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Tòa yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ nên việc đạo diễn Việt Tú đưa ra thông tin trên là không có cơ sở.

Cũng theo vị luật sư này, về nguyên tắc của Tòa án dân sự thì nguyên đơn (trong vụ kiện này là công ty Tuần Châu Hà Nội) có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình. Cụ thể, nghĩa vụ của nguyên đơn là tự chứng minh chứng cứ và Tòa án sẽ xem xét chứng cứ này có hợp pháp và có giá trị thuyết phục cho yêu cầu khởi kiện của mình hay không để Tòa án phân xử.

“Hiện nay tôi là đại diện theo ủy quyền của công ty Tuần Châu Hà Nội, tôi chưa nhận được thông báo nào từ Tòa về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ thì đạo diễn Việt Tú có cơ sở nào để nói?” – luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nói thêm.

Một cảnh trong vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" ra mắt vào tháng 10-2017

Bên cạnh đó, đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm xung quanh chia sẻ của phía đạo diễn Việt rằng “đã nhiều lần gửi email mời Tuần Châu Hà Nội hợp tác đăng ký quyền tác giả, trong đó Tuần Châu Hà Nội đứng tên chủ sở hữu tác phẩm, còn quyền tác giả thuộc về Việt Tú song không được hồi âm nên anh buộc phải đăng ký quyền sở hữu tác giả”. Cụ thể, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng, phía DS và công ty Tuần Châu Hà Nội không phải làm việc với nhau bằng trao đổi miệng mà bằng văn bản, cụ thể là hợp đồng và các tài liệu, chứng từ có liên quan. Vì thế, mọi việc đều phải tuân thủ dựa trên hợp đồng. Như lời đạo diễn Việt Tú nói thì đó chỉ là các trao đổi, chưa dẫn đến mối quan hệ ràng buộc bằng văn bản pháp luật, hợp đồng hay phụ lục kèm theo.

“Việc hai bên ký kết hợp đồng, sau đó có thể thay đổi, thêm bớt hoặc bổ sung là quyền của hai bên, điều quan trọng là có gì ràng buộc giá trị giữa hai bên hay không. Cho đến nay, tôi chưa thấy văn bản nào ràng buộc hiệu lực của hai bên về việc đó. Việc công ty Tuần Châu chưa thực hiện việc đăng ký sở hữu không có nghĩa là công ty DS sẽ tự đăng ký và cố tình chiếm hữu không hợp pháp quyền sở hữu của công ty Tuần Châu Hà Nội" – luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo khẳng định.

Về việc phía đạo diễn Việt Tú cho rằng kịch bản vở “Ngày xưa” được anh ấp ủ và sáng tạo trước thời điểm ký hợp đồng thực hiện với công ty Tuần Châu Hà Nội, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết, trong phạm trù sáng tạo nghệ thuật, rất khó xác định ai có ý tưởng trước, ai nghĩ ra trước. Việc xác định này phải dựa trên việc ý tưởng đó phải được đăng ký và xác nhận ở một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

“Ý tưởng thì trên thế giới có nhiều lắm, không riêng gì Việt Tú hay ai. Ví dụ, ý tưởng dàn dựng vở thực cảnh trên nước có từ hồi xưa rồi, gần đây nhất là ở Trung Quốc nên nói ý tưởng đó thuộc về ai thì chưa thể xác định được. Còn theo pháp luật Việt Nam, mọi vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ đều được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thì mới có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt” – đại diện pháp lý của công ty Tuần Châu Hà Nội chia sẻ.

Diễn biến vụ tranh chấp chưa có hồi kết giữa đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu Hà Nội liên quan đến bản quyền vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam:

- Tháng 6-2017, đạo diễn Việt Tú công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Thuở ấy xứ Đoài" tại Sài Sơn, chùa Thầy. Đây là vở diễn do công ty Tuần Châu Hà Nội làm đầu tư. Sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn đột ngột bị dừng lại.

- Tháng 10-2017, công ty Tuần Châu Hà Nội bất ngờ họp báo công bố ra mắt vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng và gọi đây là vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Vở diễn này cũng được dựng trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn, chùa Thầy Lý giải về sự thay đổi này, ngườ đứng đầu công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết buộc phải thay thế vở diễn do Việt Tú dàn dựng do “không chạm đến trái tim người xem”.

- Tháng 12-2017, công ty Tuần Châu Hà Nội nộp đơn kiện đạo diễn Việt Tú ra TAND TP Hà Nội, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu vở thực cảnh “Ngày xưa” khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn này. Đạo diễn Việt Tú đã phủ nhận những cáo buộc này. Hiện nay Toà án đang giải quyết vụ án.

- Tháng 4-2018, đạo diễn Hoàng Nhật Nam quyết định nộp đơn kiện đạo diễn Việt Tú. Lý do là đạo diễn Việt Tú đã phát ngôn trên truyền thông bày tỏ quan điểm cho rằng vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” là một tác phẩm “phái sinh”, “đạo, nhái”. Tuy nhiên TAND quận Bình Thạnh TP HCM đã từ chối thụ lý vụ kiện.

- Tháng 5-2018, TAND TP Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, kiện về việc “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”, trong đó yêu cầu công ty Tuần Châu Hà Nội và các bên liên quan chấm dứt mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh "Ngày xưa"

- Tháng 8-2018, TAND TP Hà Nội tiếp tục thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của công ty Tuần Châu Hà Nội và yêu cầu công ty Tuần Châu Hà Nội thừa nhận việc xây dựng tác phẩm trên nền tảng vở diễn "Ngày xưa" và bồi thường thiệt hại.