Phạt nặng cho thành ý thức

ANTĐ - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đang loay hoay trước bài toán quá nan giải: kẹt xe, tắc đường.

Đã và đang có nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông như phân làn xe, phân tuyến giao thông; hạn chế xe ô tô cá nhân, xe máy; điều chỉnh giờ học, giờ làm; rồi  giãn các trường đại học, công sở, bệnh viện ra ngoại ô; phát triển xe công cộng thu phí ô tô vào nội đô trong giờ cao điểm… Đây là những giải pháp căn cơ mang tính vĩ mô và đương nhiên phải thực hiện. Thực hiện giải pháp này sẽ cải thiện một phần nhất định, chứ không thể giải quyết một cách căn bản tình hình.

Hạ tầng giao thông quá kém + Quy hoạch thành phố quá tệ + Ý thức người dân tham gia giao thông vô cùng thấp = Tắc đường trầm trọng. Thực tế, mật độ người và phương tiện giao thông của Hà Nội so với Bangkok,

Singapore, Hồng Kông chưa phải nhiều. Nhưng giao thông ta lộn xộn do ý thức người tham gia giao thông không tốt: mạnh ai nấy đi, chen lấn, vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, chạy không đúng tốc độ… Một giải pháp cấp thiết phải làm ngay đó là nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Phải chấn chỉnh và tăng cường biện pháp giáo dục, để mọi người thực hiện tốt hơn Luật Giao thông. Nếu ai cũng thực hiện tốt Luật Giao thông, ắt sẽ giảm bớt tắc nghẽn.

Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa cao, hàng năm thu hút người đến rất đông, tình hình giao thông ngày càng nghiêm trọng là đương nhiên. Nhưng tại sao TP.HCM đã làm và đến nay việc phân làn xe đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt? Dù cũng vẫn là những cái khó chung, ví dụ như trong những đoạn đường phân làn, việc dừng đỗ ô tô bên phải đường, gây xung đột giao thông với xe máy thì ở đâu cũng thế. Việc ô tô hoặc xe máy khi đến điểm giao cắt cần rẽ, buộc phải sang làn đường của nhau thì ở đâu mà chẳng vậy. Song rõ ràng, nhờ có ý thức của người tham gia giao thông ở phía Nam tốt mà hiệu quả cũng tốt hơn.

Với Hà Nội, việc thí điểm phân làn phương tiện ô tô và xe máy không chỉ là “quá tam” mà là “bốn bận”. Ba lần trước (năm 2003, 2006 và 2009) đều thất bại. Đơn giản vì ý  thức tham gia giao thông của mỗi người dân. Nếu có sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dân, chúng ta cũng có thể làm tốt để đường sẽ thông thoáng.

Bên cạnh đó, cần có những chế tài đủ mạnh, buộc người tham gia giao thông chấp hành. Do vậy, phải có mức phạt tương xứng với hậu quả do những người vi phạm gây ra.

Nên biết rằng ý thức của người dân không thể có được nếu chỉ vận động, tuyên truyền hay giáo dục... mà nó có được từ việc buộc phải chấp hành luật pháp. Từ việc sợ bị phạt nên phải tuân thủ lâu ngày thành ý thức. Cần sửa luật và phạt thật nghiêm, ý thức sẽ được nâng lên.