Phát điện cạnh tranh: Khách hàng vẫn mua điện theo giá Nhà nước

(ANTĐ) - Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm đã chính thức được khởi động từ sáng qua, 1-7.
Phát điện cạnh tranh: Khách hàng vẫn mua điện theo giá Nhà nước ảnh 1
Thuỷ điện Hoà Bình sẽ không tham gia chào giá cạnh tranh

Phát biểu tại lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng của quá trình phát triển ngành điện Việt Nam, chuyển mô hình hoạt động vận hành truyền thống sang mô hình thị trường cạnh tranh, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), ông Đặng Huy Cường cho biết: “Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí (CBP) để đảm bảo các mục tiêu ổn định cung cấp điện, ổn định giá điện, tăng tính công khai minh bạch trong vận hành các khâu của ngành điện, tạo cơ chế thu hút đầu tư vào nguồn điện”. Hiện nay, trong giai đoạn thí điểm, giá điện vẫn do Nhà nước quản lý nên dù giá cả giao dịch giữa cơ sở phát điện với công ty mua bán điện như thế nào thì người tiêu dùng vẫn phải thanh toán tiền điện theo biểu giá do nhà nước quy định. Một chuyên gia ngành điện phân tích, về mặt lý thuyết thì việc hiện tại người dân được mua điện với giá do Nhà nước quy định có thể tạo tâm lý ổn định. Tuy nhiên, với giá bán ra được giữ cố định ở mức bình quân hơn 1.200 đồng/kWh, mà khâu phát điện lại được cạnh tranh có thể dẫn đến giá mua điện đầu vào thấp hơn và EVN hưởng lợi. Nhưng trên thực tế thời điểm này, mức giá bán lẻ điện hiện tại vẫn là mức lỗ, khâu phát điện lại chiếm đến 60% giá thành điện và EVN nắm giữ 55% nguồn phát nên EVN vẫn còn nhiều khó khăn. Có ý kiến cho rằng, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong khuôn khổ giá bán lẻ vẫn chưa được “thị trường”, các nhà máy điện phần lớn thuộc EVN thì tính độc lập trong phương án chào giá của từng nhà máy chưa cao. Ông Phạm Hồng Khánh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Than - Khoáng sản (Vinacomin) cho hay, khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực Vinacomin yếu hơn về kinh nghiệm và nhân lực. Mặt khác, do hầu hết các nhà máy có công suất nhỏ và mới đi vào vận hành nên khấu hao và lãi vay còn lớn, gây ảnh hưởng đến giá thành, từ đó có hạn chế hơn ở khâu chào giá so với các nhà máy điện lâu năm của EVN. Tuy nhiên, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Hiện nay, có một số nhà máy điện có lợi thế như thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Yaly… nhưng đây là nhà máy phát điện chiến lược, đa mục tiêu nên không tham gia thị trường. Còn lại các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí cùng sử dụng nguồn nhiên liệu giống nhau nên sự chênh lệch chào giá sẽ không có khoảng cách lớn”. Theo lộ trình đã được phê duyệt về thị trường điện lực tại Việt Nam thì giai đoạn 2015-2022, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ được vận hành. Sau năm 2022, thị trường bán lẻ cạnh tranh được vận hành. Khi ấy, người dân mới có thể được lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình với mức giá phù hợp.