Phát cuồng vì “thần tượng”

ANTĐ - Từ một học sinh giỏi, Nguyễn Thuỷ Tiên, học sinh một trường THPT ở quận Đống Đa, Hà Nội  bỗng học hành sa sút, thậm chí mắc chứng trầm cảm. Lý do là cô bé rất hâm mộ nam ca sỹ người Hàn Quốc và luôn ấp ủ ước mơ sẽ được làm người yêu của “anh ấy”… 

Vật vã, khóc lóc vì thần tượng

Đám đông bạn trẻ Việt chạy theo xe ô tô chở thần tượng bất chấp nguy hiểm

Trong khi Thuỷ Tiên còn chưa tìm ra cách để tiếp cận thần tượng thì hình ảnh nam ca sĩ tay trong tay với bạn gái đi dạo phố được đăng tải trên nhiều trang báo mạng đã khiến cô bé hụt hẫng. Thấy mình bị phản bội, Thuỷ Tiên không thiết học hành, suốt ngày khoá cửa trong phòng một mình khiến bố mẹ cô bé vô cùng lo lắng. Trong quá trình tư vấn cho bố mẹ của Thuỷ Tiên, TS. Hoàng Cẩm Tú - Trung tâm Tham vấn sức khoẻ tâm thần trẻ vị thành niên chia sẻ đã từng gặp nhiều “ca” bạn trẻ hâm mộ thần tượng tới mức mất ăn, mất ngủ. Thậm chí, nhiều em “phát cuồng” vì thần tượng dẫn đến hành động không suy nghĩ, mê muội, mất kiểm soát về cảm xúc và đánh mất chính mình. Từ hâm mộ, không ít bạn trẻ đã biến mình thành nô lệ của thần tượng đó...”.

Ngay từ đầu tháng 3, khi Đài KBS Hàn Quốc tiết lộ thông tin sẽ có hàng loạt các ngôi sao “hot” nhất làng nhạc kpop như Super Junior, CN Blue, Beast… sẽ đến Việt Nam để biểu diễn trong đại nhạc hội kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều bạn trẻ Việt đã sục sôi không khí đón chào thần tượng. Chầu chực hơn 10 tiếng đồng hồ tại sân bay Nội Bài, từ nửa đêm đến sáng, nhiều bạn trẻ khi không gặp được thần tượng thì suy sụp, hụt hẫng, vật vã khóc lóc biểu lộ sự thất vọng khi “đón hụt thần tượng” - ban nhạc Super Junior ngày 14-3 vừa qua.

Đây không phải là lần đầu tiên giới trẻ Việt “phát sốt” vì Super    Junior, bởi năm 2011 ban nhạc này cũng từng có chuyến lưu diễn tại Việt Nam. Kịch bản lặp lại như tại sân bay Tân Sơn Nhất, dù 4h chiều hôm sau Super Junior mới đến Việt Nam, nhưng từ 10 giờ đêm hôm trước, các “fan” Việt đã túc trực tại sân bay chỉ để được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt. Nước mắt chảy tràn trên gương mặt của hàng trăm bạn trẻ khi mong mỏi đó không thành hiện thực. Em Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận Thanh Xuân hể hả: “Để có được một tấm vé xem thần tượng, em đã phải ky cóp hàng năm trời từ tiền tiết kiệm ăn sáng, tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi, thậm chí cả đi vay mượn”. 

 Phản ứng bi lụy một cách thái quá của các “fan” Việt đã tạo nên làn sóng tranh luận trong cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, các bạn trẻ đã đi quá đà. Thậm chí, trên một diễn đàn chuyên dành cho giới trẻ, nickname có ten traitimmuathu bất bình: “Không thể hiểu nổi tại sao nhiều bạn lại phải... khóc lóc, suy sụp vì không được nhìn thấy thần tượng và được họ đáp lại tình cảm của mình như thế. Liệu những giọt nước mắt ấy có chảy xuống khi các bạn nhìn thấy những mảnh đời éo le, bất hạnh xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta…”. 

Thần tượng không xấu nhưng…

Gào thét, khóc, cười khi thấy thần tượng

Cũng theo bà Hoàng Cẩm Tú, việc bạn trẻ có thần tượng là quy luật tâm lý tự nhiên. Ở lứa tuổi này, các bạn thường lý tưởng hoá sự vật, hiện tượng, con người, có xu hướng nhìn cuộc đời lung linh, tích cực. Những gì đẹp dễ được các bạn chọn làm thần tượng. Trong đó thế giới showbiz là đối tượng dễ lọt vào tầm ngắm của bạn trẻ. Trước đây, nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A.Ostrovsky cũng đã trở thành thần tượng của nhiều thanh niên thời bấy giờ. Họ sẵn sàng đương đầu với cái chết mà không run sợ chỉ vì muốn sống theo lý tưởng của Paven. Thời nay, mỗi bạn có thể chọn cho mình thần tượng riêng, người yêu Bill Clinton, bạn thích Che Guevara, bạn yêu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng... Tuy nhiên, từ một hành vi mang tính “quy luật lứa tuổi” đến việc các em biểu hiện niềm đam mê, hâm mộ thế nào lại là một vấn đề cần giáo dục, là biểu hiện của bệnh lý. 

Chị Nguyễn Thuý Mai, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình tỏ ra lo lắng khi cô con gái đang học lớp 10 của mình thần tượng điên cuồng nhóm nhạc và diễn viên Hàn Quốc. Hình ảnh của các ngôi sao được con chị sưu tầm dán đầy phòng ngủ, trong tập sách, trên điện thoại. Mỗi lần có bạn bè gọi đến, cô bé lại say sưa “buôn” về các “thần tượng” của mình, từ chuyện ăn mặc, chuyện tình yêu cho đến những chuyện tưởng chừng không liên quan như thông tin về cảnh quay, lịch đóng quảng cáo, hay những chi tiết nhỏ nhặt nhất về đặc điểm riêng trên cơ thể thần tượng… Bị mẹ bắt bóc hết tranh ảnh của thần tượng trong phòng, cô bé đã tỏ thái độ chống đối: “Nếu mẹ cấm, con sẽ bỏ nhà đi bụi…!”. 

Hâm mộ thần tượng bằng những việc làm ý nghĩa rất đáng được khích lệ. Khi trẻ “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Cha mẹ nên kịp thời theo sát, khi thấy con có những hành vi quá đà cần kịp thời điều chỉnh, giúp các em hiểu rằng, thần tượng không phải là tất cả cuộc sống của chính các em.