Phần đời còn lại

ANTD.VN - Có hai người lớn cùng đợi đón một đứa bé tan trường. Người đàn ông thoáng nhìn có vóc dáng cao lớn, nhưng nhìn kỹ hơn một chút, đó chỉ là một khung xương ọp ẹp. Gương mặt khá đẹp với những góc cạnh đầy vẻ mệt mỏi. Chẳng thèm đưa tay che miệng mỗi lần ngáp vặt, anh ta sốt ruột nhìn về phía cổng trường.

Thiếu phụ sững lại chút ít khi phát hiện bóng dáng “người ấy”. Nàng dắt xe sang đường, tìm nơi có thể vừa quan sát “người ấy”, vừa có thể nhìn thấy đứa con gái bé bỏng, hàng ngày vẫn nhớn nhác tìm mẹ. Nàng không hiểu “người ấy” đến đây làm gì. Chẳng lẽ anh ta thèm gặp con thế? mà từ nhà anh ta đang ở đến nhà mẹ con nàng đâu có xa xôi gì? Con bé vẫn thỉnh thoảng được phép mẹ sang thăm ông bà nội.

Những lần ấy, anh ta có gặp con? Nàng băn khoăn khi theo dõi thấy cảnh hai bố con gặp nhau. Không biết người bố nói gì, nhưng chỉ thấy đứa bé giậm chân, lắc đầu nguây nguẩy. Đến khi người bố cao giọng thì đứa bé khóc toáng lên. Nàng có mặt. “Mẹ, con ứ chơi với bố nữa, sao mẹ đón con chậm”.

Đứa bé tức tưởi. “Thôi, con ngoan, nín đi nào, có chuyện gì, nói với mẹ”. “Bố hỏi con có mang tiền theo không. Con nói đóng cho cô rồi. Bố lại hỏi lợn con nuôi có lớn không. Con nói con cho lợn ăn thường xuyên, bà ngoại cho con tiền để nuôi lợn. Bố bảo để bố đưa về rồi con mang lợn ra cho bố mổ, bố lấy tiền mua quà cho con. Con không đồng ý, thế là bố trợn mắt quát con. Mẹ ơi, mẹ cho con về đi”.

Nàng run người vì giận, ném về phía anh ta một cái nhìn thương hại. Nhưng trước mặt con, nàng không muốn to chuyện. Nàng chỉ nói: “Anh cần tiền đến thế sao. Nếu thiếu quá, sao không hỏi tôi mà định lừa cả con. Mà hình như anh vẫn chưa cai nghiện”. Gã ấp úng rồi bỗng lên giọng: “Tôi cần tiền, nhưng không thèm ngửa tay xin cô. Con tôi, tôi có quyền”. Nàng muốn hét vào mặt gã, nhưng thấy đứa con gái tội nghiệp đang run rẩy nép bên mẹ, nàng bấm ngón tay cái vào ngón tay trỏ đến bật máu. Suốt cả đoạn đường về, hai mẹ con chẳng còn ríu rít chuyện trò như mọi bữa.

Ngày ấy, Phượng là một trong những cô gái xinh có tiếng của khoa Văn. Thân hình thon thả, mềm mại, mái tóc đen, dày, và “đôi mắt biết nói” của Phượng hút hồn bao chàng trai trong trường. Phượng ở ngoại trú nên mỗi buổi học về có đến dăm chàng đạp xe lẽo đẽo theo Phượng. Phượng chỉ thấy thích chứ chưa đem lòng yêu ai. Thực tình, trong tâm trí, “thần tượng” của Phượng phải khác, và Phượng chờ đợi.

Trong nhà, Phượng là người được bố quý nhất. Khi ông vào chiến trường Tây - Nam, Phượng vừa đầy tuổi tôi. Trong túi áo bên trái, ngoài tấm thẻ Đảng, là bức ảnh Phượng vừa biết lẫy. Ông giữ nó như một kỷ vật và chỉ ngắm bức ảnh sau mỗi trận đánh. Đứa con gái bé bỏng như tiếp thêm cho ông sinh lực.

Trong tiểu đội ông, có một tay cũng đã được làm bố. Hắn nói như đinh đóng cột khi đưa hai tấm ảnh đứa con trai 4 tuổi của hắn và con gái ông ra so sánh: “Đẹp đôi lắm đây. Tôi với ông chả biết sống chết thế nào, thôi bây giờ tôi cứ giấm trước con gái ông cho con tôi. 15, 20 năm nữa thế nào ta chả là thông gia”. Cả tiểu đội nhảy lên vỗ tay hưởng ứng. Ông chỉ cười, coi đó là một trò đùa vui của lính.

Chiến tranh kết thúc. Ông tiếp tục theo nghiệp binh đao, lên được đến hàm Trung tá thì về hưu. Căn nhà cấp 4 ngay sát mặt đường, ngày trước phân cho ai cũng bị chê ỉ chê eo. Ông không chê, và bây giờ bỗng nhiên có giá. Ông bán đi một nửa, được ba chục cây vàng. Xây mới ngôi nhà, tầng 1 để bán hàng. Có đồng ra đồng vào. Với ông, thế là toại nguyện lắm.

Một hôm, đang bán hàng, ông không để ý khi thấy chiếc xe con đỗ xịch trước cửa. Hàng hóa ông bán thuộc loại xịn nên ông không lạ trước những khách hàng sang trọng. Chỉ đến khi người đàn ông trên xe bước xuống, ông mới giật mình khi nhận ra cái dáng hơi gù của Tùng - gã lính có con trai 4 tuổi cùng tiểu đội với ông ngày nào. Tùng cũng ngớ ra một phút khi nhìn thấy ông. Rồi cả hai nhào vào nhau.

Tùng nhấc bổng ông, quay một vòng. Còn ông, mắt đỏ hoe, tay vỗ vỗ vào tấm lưng gù của Tùng. Ông kéo Tùng vào nhà, khi cả hai đã hàn huyên đủ thứ chuyện, Tùng mới hỏi: “Này thế đứa con gái đầy tuổi tôi của ông ngày nào đâu rồi. Con trai tôi đã 24 tuổi rồi. Con gái ông 21, đúng không nào. Ông còn nhớ lời giao ước giữa tôi với ông không? Đừng có cười, thế nó đã có đứa nào chưa? Chưa hả, thế thì tốt, con trai tôi vẫn “phòng không”, tuy nó cũng có léng phéng với vài đứa. Nhưng cho qua, con trai mà”.

Giữa lúc ấy Phượng về. Ông Tùng bật dậy: “Ồ, con dâu tôi đây rồi. Khá lắm, cháu với thằng Cường nhà bác chắc hợp nhau đây. Hẳn là cái duyên trời xe rồi”.

Phượng đỏ bừng mặt, lí nhí chào ông Tùng rồi vào nhà.

Chủ nhật tuần ấy. Ông Tùng dẫn con trai đến chơi. Cường, con trai ông là một thanh niên cao lớn, gương mặt thanh thoát. Khi ra chào, Phượng bất chợt sững người khi bắt gặp ánh mắt Cường. Một ánh mắt dịu dàng mà chiếm đoạt. Phượng hoàn toàn bị tê liệt trước ánh mắt ấy.

Sau vài tháng tìm hiểu, một đám cưới linh đình được tổ chức, ông Tùng là Giám đốc một Công ty xây dựng có tiếng nên khá đông bạn bè, quan khách. Nhưng vui nhất vẫn là đám bạn lính ngày nào. Họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, rưng rưng nhắc lại những chuyện chiến trường, những ai còn ai mất và hân hoan trước niềm vui của hai người lính già.

Phượng như trôi đi trong niềm hạnh phúc, cô là tâm điểm của bữa tiệc, nụ cười e ấp kín đáo khiến gương mặt cô tỏa ra vẻ đẹp thánh thiện. Cường cũng như mê trong niềm hạnh phúc quá lớn này, anh nâng ly với tất cả những người có mặt trong bữa tiệc.

Bốn năm đầu, họ sống bên nhau như một “cặp đôi hoàn hảo”. Phượng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm và về làm giáo viên ở một trường THPT gần nhà, cô đã sinh cho Cường một cô con gái. Đứa bé được thừa hưởng nét đẹp của cả bố và mẹ, đẹp như thiên thần. Cường đi làm về là nhào đến với con. Nấu nướng trong bếp, nhìn hai bố con nô đùa, con bé cười như nắc nẻ, trong Phượng dâng lên đầy cảm xúc. Cô thầm cảm ơn số phận đã cho cô một cuộc sống khá đủ về vật chất, một mái ấm gia đình mà ở đó có những người cô hằng yêu thương.

Minh họa: Trần Đỗ Nghĩa

Nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ. Khi mà hôm ấy, hết giờ làm, vừa dắt xe khỏi cổng, Cường bỗng thấy ai đó ào tới nắm chặt tay anh và lắc: “Cường, Phú đây, Phú cùng lớp đại học với ông, nhớ ra chưa. Rồi hả. Tôi chờ ông ở đây gần một tiếng rồi. Ừ, nhiều chuyện lắm. Thôi ta kiếm quán nào kha khá vào uống với nhau một chầu không say không về. Ngần ngừ gì nữa, nhớ vợ đẹp con khôn à. Cho qua đi, đàn ông mà cứ quấn lấy vợ con thì còn gì là đàn ông. Nào đi!”. 

Gã bạn tên Phú kéo Cường vào một nhà hàng sang trọng, rượu ngon, mồi nhậu ngon, thêm việc gặp bạn cũ, Cường uống hết ly này đến ly khác. Tàn bữa ăn cũng là lúc ngấm hơi men. Anh đứng dậy, chuếnh choáng say và nói với Phú đã đến lúc phải về. Phú vẫn tỉnh như sáo: “Về làm gì, tôi đưa ông đi thử món này cho biết. Không, gái gú gì, thứ này đã mê thì còn hơn mê gái. Để xe của ông lại nhà hàng, tôi chở ông đi”.

Phú chở Cường loanh quanh qua một vài con phố, đến một ngõ nhỏ phố H.B, Phú dừng xe, tắt máy, phăm phăm dắt xe đi trước, Cường cố giữ tỉnh táo để không bước vào mấy vũng nước bẩn trong cái ngõ nhỏ tối tăm ấy. Đến cuối ngõ, dừng lại trước căn nhà hai tầng xinh xắn, Phú e hèm mấy tiếng, trong nhà có người ra mở cửa, đấy là một người đàn ông trung tuổi, gầy gò nhưng nhanh nhẹn. Nhìn thấy Phú, ông ta không nói năng gì, vội ra dắt xe máy của Phú vào nhà. Kéo cửa sắt, khóa cửa chắc chắn, ông ta dẫn hai người lên gác hai.

Căn phòng khá rộng trên gác được ngăn làm nhiều ô nhỏ. Mỗi ô có thể chứa được bốn, năm người, Cường thấy vài ô phía ngoài đã kín người, nhưng không thấy tiếng nói chuyện. Họ đánh bạc hay sao? đánh bạc thì cũng không thể giữ mồm được. Đang tự đặt câu hỏi thì anh đã nghe tiếng Phú nói với người đàn ông: “Cho phòng cũ, rượu à, cho một chai Chivas 21, rượu ấy mới hợp”. Gã đàn ông vâng dạ rối rít làm theo yêu cầu của Phú. Hai người vào phòng, rượu được rót ra hai chiếc ly lớn, thơm lừng, gã đàn ông đem vào một chiếc cóng nhỏ, được bịt bạc khá bắt mắt, cùng với đó là mấy gói nhỏ được để trong túi nilon.

Phú nâng ly: 

- Nào, uống cho sự hội ngộ thân tình này. Uống cho sự vào đời của một con nhà lành. Còn việc của tôi nhờ bố ông cho trúng thầu một công trình là chuyện nhỏ. Ông giúp cũng được, không giúp được cũng không sao. Uống đã rồi tôi đưa ông vào đời.

Cường chạm ly với Phú. Vừa uống whisky ở nhà hàng, giờ uống Chivas nên khá dễ chịu. Anh tợp một ngụm lớn, khoan khoái để dòng rượu trôi xuống. Trong khi Cường nhâm nhi thì Phú lấy một gói nhỏ trong túi nilon ra, anh ta khéo léo mở rồi dốc một thứ bột màu trắng vào cóng và bật lửa rít một hơi dài. Thả mình vào chiếc nệm, với tay lấy cốc rượu, Phú uống cạn một nửa, rồi khà một tiếng sung sướng:

- Giờ đến lượt ông, để tôi tiêm cho. Từ từ, đừng nhả khói, rượu đây, làm một ngụm đi, rồi lim dim mắt, mơ màng, ông sẽ lên tiên ngay.

Cường làm theo, khói thuốc chẳng có mùi vị gì, nhưng sao thế này: bồng bềnh, bồng bềnh, như trôi trong mây, cảm giác đê mê xâm chiếm toàn cơ thể.

Bữa ấy, Cường “bắn” đến 3 “bi”, vẫn là cảm giác lâng lâng khó tả, cho đến khi về đến nhà, thấy Phượng đang nằm trên giường đọc sách, chờ đợi, Cường chỉ kịp tháo giày chui vào màn, khác hẳn sự vồ vập hàng đêm với Phượng. Cường lịm đi đến sáng trong một giấc ngủ đầy ảo giác.

Sáng hôm sau, Cường đến cơ quan trong một tâm trạng phấn chấn. Công việc có hiệu quả. Nhưng đến tầm 4 giờ chiều, Cường thấy nhạt mồm, lôi trong tủ ra chai rượu uống dở, nhấp từng ngụm. Rượu nặng, sao hôm nay thấy nhạt thếch, tu hết nửa chai rượu, mồm miệng vẫn nhạt. Cường bỗng thấy nhớ một thứ gì đó. Phải rồi, đó là thứ khói thuốc không mùi không vị mà Phú đã cho Cường “vào đời” tối hôm qua.

Nhớ đến nó, con tì con vị nôn nao, làm qua quýt mấy việc, Cường nhấc máy điện thoại gọi cho Phú, đầu dây bên kia không có tiếng trả lời. Ngần ngừ một lúc, gọi lại cho Phú vẫn không được, Cường quyết định một mình đi đến căn nhà bí mật ở ngõ H.B.

 “Bắn” 2 “bi”' cho đã và một ly rượu tầm tầm, Cường phải trả cho chủ nhà 500 nghìn đồng. “Được lên tiên mà chỉ mất có 500 nghìn đồng là quá rẻ” Cường vươn vai đứng dậy, dắt xe khỏi ngõ.

Nhưng hôm sau rồi hôm sau nữa, cứ đúng tầm 4 giờ chiều là Cường bải hoải tâm trí, chân tay rã rời không muốn đụng vào việc gì nữa, vừa tu rượu, vừa chờ hết giờ làm, ra khỏi cơ quan là Cường tạt vào căn nhà bí mật.

Mấy hôm thấy chồng về muộn, nhưng Phượng không hỏi, cô cho là chồng có việc làm thêm ở cơ quan, vả lại những ngày ấy khi vợ chồng “quan hệ”, cô thấy Cường dai sức hơn, bạo liệt hơn nên cũng cảm thấy thích và làm theo mọi yêu cầu của Cường.

Tháng ấy, không thấy Cường đưa tiền lương, Phượng không hỏi, không bao giờ cô nhắc chồng chuyện ấy vì bao giờ Cường cũng chủ động đưa tiền cho vợ. Chỉ đến tháng thứ ba, khi Cường vẫn không có ý đưa tiền, Phượng mới ngập ngừng:

- Bé Diễm Trang phải đóng thêm tiền học đàn, nhà chỉ còn một ít, anh có tiền giúp em đóng cho con nhé!

- Tiền, tiền, lúc nào cũng chỉ tiền, tháng lương này tôi cho thằng Trung cùng phòng vay rồi. Tiền đâu nữa mà hỏi - Cường vùng vằng.

- Đã bao giờ em hỏi tiền anh đâu, chẳng qua độ này túng quá, mà 3 tháng rồi anh đã đưa cho em đồng nào đâu?

- Cô có nhớ nhầm không đấy. Thiếu tiền đóng học cho con thì sang xin ông bà nội. Ông bà ấy thiếu gì tiền.

- Bà đã cho Diễm Trang tiền mấy khoản đóng góp rồi, giờ chẳng nhẽ lại xin. Mà anh không biết bố cũng đang rất cần tiền đấy à. Em nghe mẹ nói công ty bố đang rất khó khăn, mấy dự án bất động sản cái xây xong nhà thì không có ai mua, cái thì đắp chiếu nằm đấy vì nhà thầu không đủ năng lực tài chính, bố đang ngày đêm chạy tiền để trả nợ ngân hàng.

Cường ớ người, hình như việc này đã có lần Phú bóng gió nói đến trong một bữa hút, Phú bảo dự án mà công ty của gã trúng thầu do có sự giúp sức của Cường giờ đang khó khăn trong việc vay vốn, tiền nợ ngân hàng chồng chất, Phú không biết xoay đằng nào, mà hút thì vẫn phải hàng ngày, đến lúc Phú phải nhờ Cường cho hút ké rồi.

Đến tháng thứ năm thì Cường đã không thể cho Phú hút ké, bản thân lo cho mình không xong, không chỉ không mang đồng nào về cho vợ, Cường còn mò đến xin tiền mẹ.

Biết tin Cường nghiện ma túy qua lời của cô con dâu, bà và chồng bà - ông Tùng rụng rời chân tay. Ông bỏ cơm đến mấy bữa, bà phải khéo léo dỗ dành ông ăn để còn có sức khỏe, để còn lo việc công ty, chứ lúc này mà ốm ra đấy thì biết làm thế nào?

Ông Tùng gượng gạo đến gặp ông bạn thông gia, hai người lính già im lặng nhìn nhau, họ ngồi với nhau cả nửa ngày nhưng không nói câu gì, họ cảm nhận và chia sẻ nỗi đau trong sự im lặng.

Cuối buổi, ông Tùng bảo: Thôi, còn nước còn tát, tôi sẽ cho thằng Cường sang nhà tôi ở, cho nó lánh xa đám bạn xấu, tôi sẽ xích nó lại, xem nó có còn đi hút chích được không?

Đúng là Cường đã không còn tiền để hút nên đã phải chuyển sang chích sái heroin vào thẳng tĩnh mạch. Chích cái thứ nước sái lờ lờ ấy vào người cũng qua cơn vật, nhưng nước sái thì cũng cả trăm nghìn đồng một liều, tiền đâu ra, bán đi chiếc xe máy rồi nói rằng mất trộm, Cường xin tiền mẹ mua chiếc xe mới, được nửa tháng, xe mới lại bán, không còn xin tiền mẹ được nữa, Cường rình mò lúc vợ đi vắng, lẻn về, lục lọi, bán đi những thứ quý giá nhất. Được một cục tiền to, Cường gọi Phú đến đập phá một trận tơi bời, hai gã nằm bẹp cả một buổi chiều, hút hít và uống rượu cho bõ những ngày tiêm sái thuốc.

Ba tháng Cường và Phượng ly thân là ba tháng Cường về ở với bố mẹ. Cơ quan Cường biết Cường nghiện nên đã cho anh nghỉ việc, tuy vậy, ông Giám đốc là cán bộ Công an chuyển ngành vẫn cho Cường một cơ hội:

- Tôi biết cậu là người tốt, có năng lực, nhưng đã trót nghiện rồi thì phải cai nghiện. Khi nào cai được, khỏe mạnh trở lại, cứ đến đây, vẫn còn việc cho cậu làm. Có điều cai khó đấy, thuốc men là cần thiết, nhưng cái chính là nghị lực.

“Cái chính là nghị lực”. Cường ghi nhớ câu nói của ông Giám đốc nhân hậu. Và, nhớ hơn cả, đau đớn hơn cả, là tiếng khóc của bé Diễm Trang, cái nhìn thương hại của Phượng khi những ngày đầu về nhà bố mẹ, Cường vẫn lần lữa chưa chịu cai, không có tiền, Cường đã phải tính đến đoạn lừa cả con gái. Nhục nhã quá. Không thể chần chừ thêm nữa.

Mua một đoạn xích sắt và một ổ khóa Việt - Tiệp, chiều hôm ấy vào căn phòng dành riêng cho mình, sau khi cột một đầu xích sắt vào chân giường, đầu kia Cường cho chân mình vào, khóa lại. Anh ngần ngừ khi cầm chiếc chìa khóa: ném nó qua cửa sổ! nhưng nhỡ có việc gì phải mở khóa thì làm sao? Cuối cùng anh quyết định ném nó vào góc tường.

Những ngày cai nghiện là cả một cực hình đối với Cường, khi lên cơn vật thuốc, mồm miệng sùi bọt trắng, Cường thấy như có cả trăm nghìn con giòi đục trong xương tủy, cơ thể lúc nóng như lửa đốt, lúc lạnh như ngâm trong bể nước đá. Chỉ đến lúc không chịu nổi, lịm đi, Cường mới thấy thoát.

Lần nào chứng kiến cơn vật thuốc của Cường, bà Hiền - mẹ Cường cũng khóc. Sao lại có thứ Trời hành thế này hả con? Bà mua chim câu về nấu cháo, mua sữa về cho Cường, nhưng chỉ húp được vài thìa, Cường đã xua tay gạt đi, mồm miệng đắng ngắt không nuốt nổi.

Có một lần, trong cơn vật, không chịu nổi, Cường đã nhích người đến góc tường, nơi chiếc chìa khóa được anh vứt vào đấy. Tìm được chìa khóa, đút chìa vào ổ, xoay một vòng rồi ra làm một “liều”, muốn ra sao thì ra. Nhưng chút tỉnh táo còn lại đã giúp Cường dừng tay. Không thể thế được, mình còn bố mẹ già, còn vợ, còn cô con gái dễ thương đến thế. Đời mình mới ngoài 30 tuổi, còn dài lắm, mình đã làm được gì cho mọi người đâu, mà chỉ gây ra những nỗi đau cho họ. 

Cường cắn răng đến bật máu, gồng người lên chịu đựng, thở sâu, thở sâu, cái chính là cần nghị lực.

... Đưa con đến thăm ông bà nội, khe khẽ đẩy cửa phòng nơi Cường tự cai, Phượng giật mình sững sờ khi nhận ra người đàn ông đang nằm thiêm thiếp trên tấm nệm kia là Cường: một thân thể móp méo, dặt dẹo, một nước da xanh mét. Kìm những giọt nước mắt đang chực rơi xuống, cô định quay ra thì Diễm Trang ào vào, con bé mặc mẹ giơ tay ngăn lại, nó vẫn chạy đến bên giường, ôm chầm lấy bố, con bé nức nở:

- Bố, bố Cường, sao bố lại thế này, sao ông bà lại khóa chân bố cháu, sao ông bà không cho bố cháu đi bệnh viện?

Con bé vừa gào vừa khóc, Cường xoay người lại, ôm chặt con gái, nước mắt anh trào ra. Dòng nước mắt của hai bố con hòa vào nhau, mặn chát.

Ông Tùng ngồi ngoài bàn nước, chờ Phượng ngồi, bà Hiền đến ngồi bên cạnh. Ông Tùng bảo:

- Bố mẹ đã tính kỹ rồi, phải cho Cường vào trại cai nghiện thôi, con ạ, cai ở nhà không ổn. Anh Tuấn, Cảnh sát khu vực bảo, với cái thứ heroin ấy thì chỉ cần thử một lần là nghiện, muốn cai được thì phải vào trại cai nghiện, ở đấy mới đủ điều kiện để cai, có phác đồ điều trị với đội ngũ cán bộ y tế tận tụy, thương người, có lao động, có không gian tốt, có sinh hoạt tập thể. Nếu có nghị lực, thì chỉ một năm là có thể cai được.

- Con cũng đã tìm hiểu kỹ về việc này, con đồng ý với bố mẹ. Con và cháu Diễm Trang không... không muốn mất anh ấy - Phượng nấc lên.

Nằm trong phòng, ôm bé Diễm Trang lúc này đã ngừng khóc, rúc đầu vào ngực bố, Cường vẫn nghe hết những lời mọi người nói với nhau. Anh lặng người khi nghe Phượng nói. Phượng vẫn yêu mình, dù khổ đau Phượng vẫn tha thứ cho mình, mọi người cần có mình và mình cần có mọi người biết bao. Ngày mai, mình sẽ đi trại, sẽ cai được. Phần đời còn lại của mình sẽ khác.

“Cái chính là nghị lực và tình thương”, Cường ạ!