Phải đặt pháp luật lên hàng đầu

ANTĐ - Mai tôi với bác cầm tấm biển ghi hàng chữ xin tăng lương hưu đứng ở ngã tư để lấy tiền đi du lịch nhé.

- Sao tự nhiên bác lại có ý tưởng đó. Ai người ta làm theo yêu cầu của tôi với bác?

- Thế bác không biết chuyện có cậu thanh niên cầm tờ giấy ghi mấy chữ xin việc làm lấy tiền mua sữa cho con, nuôi vợ sao. Rồi chuyện một sinh viên thi đợt vừa rồi được 26,5 điểm mà vẫn trượt đại học cũng làm thế để xin học, đã được Bộ trưởng Bộ    GD-ĐT giúp đỡ đấy thôi.

- Người ta xin tiền, xin thức ăn, cho thì không sao, nhưng giúp đỡ một cá nhân mà không đúng quy định chung, thì chưa chắc đã tốt.

- Nhưng nhiều khi cũng phải có ngoại lệ chứ.

- Không nên như vậy. Kể cả trong trường hợp có bất hợp lý thì chúng ta cần khẩn trương tìm cách thay đổi chính sách cho hợp lý. Tôi hỏi bác, thế nhỡ  hàng nghìn người có hoàn cảnh tương tự cũng cầm biển ra nơi công cộng thì cũng được đặc cách hết sao?

- Nhưng tôi thấy dư luận xã hội ủng hộ, có ai phản đối đâu.

- Đấy là tâm lý và tình cảm chung đối với mỗi việc làm tốt thôi. Với quản lý xã hội thì không được cảm tính, phải đặt lý tính và pháp luật lên hàng đầu.

- Vậy theo bác, thế nào mới hợp lẽ?

- Theo tôi, đổi mới giáo dục phải làm sao để người dân tâm phục khẩu phục về các quy định, chính sách thi tuyển thực công bằng, sao cho ai cũng được học hành, lao động theo đúng năng lực của mình. Bác hiểu ý tôi chưa?