Phải chấn chỉnh lại

ANTĐ - Sau vài năm sôi động đi xuất khẩu thì một vài năm trở lại đây, lao động Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc đã trầm lắng. Thậm chí, có những thời điểm gần như bế tắc về đầu ra, còn một vài thị trường truyền thống cũng bị ảnh hưởng bởi “cò mồi” đẩy chi phí cao, rồi lao động bỏ trốn. Theo ngành LĐ-TB&XH nhận định, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đang gặp khó trong những tháng đầu năm. Đặc biệt ở thị trường trọng điểm Hàn Quốc mà lý do chính là tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam vẫn không ngừng tăng. 

Khi thị trường Hàn Quốc gặp khó khăn thì cánh cửa ở nhiều thị trường khác đang mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người lao động, đặc biệt là Malaysia và một số nước ở khu vực Trung Đông. Hiện 6 quốc gia Trung Đông như Kuwait, Bahrain, Arab Saudi, Oman, Qatar, UAE đang có nhu cầu tiếp nhận lao động trở lại.  Tuy nhiên để đưa lao động sang những thị trường này, các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo và định hướng cho người lao động về kỷ luật lao động và văn hóa của nước sở tại. Đó là lối thoát cho xuất khẩu lao động Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội cũng đang e dè tuyển lựa cầm chừng nhân lực thì việc xuất khẩu lao động là một giải pháp cho việc giảm tỷ lệ thiếu việc, thất nghiệp. 

Thế nhưng, làm thế nào để người lao động không bị lợi dụng bởi “cò mồi”, không phải đóng phí cao hơn so với quy định khiến họ phải bỏ trốn vì làm không đủ trả nợ đang là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp và ngành xuất khẩu lao động tồn tại từ nhiều năm nay. Đặc biệt là công tác giáo dục định hướng, tuyển lựa lao động trước khi đi ra nước ngoài làm việc cần phải chấn chỉnh lại. Bởi, nếu không giải quyết được vấn đề này, thì “điểm số” tại các thị trường mới cũng sẽ giảm, ảnh hưởng đến thương hiệu của lao động Việt Nam.