Petrolimex ung dung lãi "khủng"

ANTĐ - Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), 2 quý đầu năm 2015, Tập đoàn này đạt lợi nhuận gần 1.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Lãi hơn nghìn tỷ đồng, trong khi giá xăng dầu lại giảm thấp hơn kỳ vọng khiến nhiều người dân thấy chưa thuyết phục.
Petrolimex ung dung lãi "khủng"  ảnh 1

Thu lãi 1.586 tỷ đồng không quá khó khăn

Chỉ tính riêng quý II-2015, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đã đạt 1.125 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với mức hơn 414 tỷ đồng của năm ngoái. Lũy kế đến hết quý II-2015, lợi nhuận sau thuế đạt 1.586 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh có lãi là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, so với tổng vốn sở hữu của tập đoàn lớn thì khoản lợi nhuận này cũng không phải quá “khủng”. Nhưng Petrolimex đạt lợi nhuận gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh, chi phí tài chính tăng lên thì lại là điều đáng chú ý. 

Theo báo cáo của Petrolimex, quý II năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Petrolimex đạt hơn 46.888 tỷ đồng, giảm hơn 10.407 tỷ đồng so với quý II-2014. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý II, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn này chỉ đạt hơn 86.285 tỷ đồng, giảm 22.828 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần của Tập đoàn trong quý II chỉ đạt hơn 43.565 tỷ đồng, giảm 12.359 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 6-2015, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh tới 24.912 tỷ đồng.

Doanh thu giảm phần lớn do giá dầu giảm. Về chi phí tài chính, quý II đã tăng thêm hơn 286.058 tỷ đồng so với quý II-2014 và tăng gấp hơn 2 lần trong 6 tháng đầu năm. Giải trình bản báo cáo này, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, có 3 nguyên nhân giúp Petrolimex lãi hơn nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Một là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt trên 6%, các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động tăng trưởng trở lại, giúp các đơn vị thành viên Petrolimex cũng tăng trưởng.

Hai là liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu đúng định hướng cơ chế thị trường theo nghị định 83/2014. Ba là sản lượng xuất bán xăng dầu quý II của Petrolimex tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2014, giúp quy mô lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1-11-2014, chi phí định mức trên mỗi lít xăng được tăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít. Dầu tăng từ 860 đồng lên 950 đồng/lít và dầu mazut từ 500 đồng lên 600 đồng/kg. Quỹ bình ổn giá được trích lập thường xuyên, chi sử dụng khá nhịp nhàng và hợp lý. Báo cáo tài chính của Petrolimex cũng cho biết, giá vốn bán hàng đã giảm rất mạnh.

Quý II, phí giá vốn bán hàng chỉ có 39.893 tỷ đồng, giảm tới 25,4% so với cùng kỳ 2014. Trong 6 tháng, giá vốn của Petrolimex chỉ có 75.048 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ 2014. Thêm vào đó, lượng xuất bán xăng dầu tăng đến 12% nên Petrolimex có thêm lợi nhuận. Theo tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, theo Nghị định 83, chu kỳ điều hành giá xăng tính trên giá cơ sở 15 ngày, trong khi dự trữ tồn kho 30 ngày nên có những thời điểm doanh nghiệp được hưởng lợi. 

Người dân thấy thiếu thuyết phục

Lợi nhuận của Petrolimex được công bố chỉ trước thời điểm giảm giá xăng dầu 1 ngày đã khiến người dân thấy thiếu thuyết phục. Một số ý kiến cho rằng, chi phí định mức 1.050 đồng/lít xăng là quá cao. Thêm vào đó, lợi nhuận định mức 300 đồng trên mỗi lít là chưa hợp lý. Giá xăng có thể giảm sâu hơn nếu các khoản nêu trên được tính toán hợp lý hơn. 

Theo một chuyên gia kinh tế, lợi nhuận định mức có trong cơ cấu giá, nhưng doanh nghiệp chỉ được hưởng khi giá bán cao hơn chi phí hạch toán thực tế.

Bên cạnh đó, về lý thuyết, mọi loại hàng hóa đều có chi phí định mức. Doanh nghiệp tính toán tốt, tiết kiệm, nếu chi phí thấp hơn định mức thì được hưởng lợi. Ngược lại, nếu thiếu doanh nghiệp phải bù thêm và giảm bớt lãi. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát tốt các khoản khai chi phí của doanh nghiệp. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ cấu doanh thu và chi phí cần được cụ thể hơn nữa.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, PGS.TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, về lâu dài, để tạo mặt hàng xăng dầu và điện theo thị trường thì cần minh bạch chi phí. “Để người dân tin tưởng thì cần minh bạch chi phí. Hiện nay, với mặt hàng điện và xăng dầu, chi phí của doanh nghiệp khó tính hợp lý. Những người làm công tác chuyên môn, thậm chí cả kiểm toán còn khó hiểu, huống hồ người dân” - ông Nguyễn Đức Độ nói.