Đừng trông chờ được "bảo hộ" tỷ giá

ANTĐ - Trước tác động bất lợi từ quốc tế, tỷ giá VND/USD liên tiếp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động điều chỉnh nhằm tạo sự ổn định cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần chủ động biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá. 
Đừng trông chờ được "bảo hộ" tỷ giá ảnh 1

Doanh nghiệp cần chủ động có biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Người cười kẻ mếu

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Thông Tấn cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá trong những ngày qua khiến doanh nghiệp xuất khẩu rất phấn khởi. “Nông sản, thực phẩm của chúng tôi xuất đi Mỹ, Hàn Quốc và các nước Đông Âu, tất cả đều được thanh toán bằng USD nên tỷ giá tăng khiến xuất khẩu được lợi. Chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu là lo lắng”, ông Nguyễn Văn Tấn nói. 

Vị đại diện doanh nghiệp này ước tính, việc điều chỉnh tỷ giá đã khiến giá trị xuất khẩu lợi thêm khoảng 5% so với trước đây. Bên cạnh đó, do lượng hàng xuất khẩu tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nên doanh nghiệp rất yên tâm.

Trái ngược với niềm vui của các doanh nghiệp xuất khẩu, các công ty phải nhập khẩu lại thiệt đơn, thiệt kép. Theo ông Trịnh Sỹ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tràng An, giá trị nguyên nhập khẩu bằng USD của công ty đang chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm bánh kẹo. Khi tỷ giá được nới biên độ thành 3% thì chi phí giá thành sẽ tăng thêm 0,3%. “5% doanh thu của công ty có được nhờ các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhân dân tệ giảm giá khiến doanh nghiệp thiệt thêm lần nữa. Ước tính hao hụt do điều chỉnh tỷ giá của công ty chiếm khoảng 0,3-0,5% giá thành”, ông Trịnh Sỹ nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cổ phần Tràng An cũng cho rằng, giá dầu giảm trong tháng 8-2015 lại “động viên” doanh nghiệp. “Giá dầu giảm khiến chi phí vận tải, máy phát điện giảm, dẫn đến giá thành giảm. Mặc dù lợi từ giá dầu chỉ bằng 1/4 mức hao hụt do điều chỉnh tỷ giá, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chi phí giảm được bao nhiêu cũng quý”, ông Sỹ chia sẻ.

Thông tin từ 2 doanh nghiệp trên cho thấy những tác động tức thì từ việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN tới chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. NHNN đã áp dụng cơ chế tỷ giá theo hướng sẵn sàng điều chỉnh chủ động, linh hoạt hơn, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản, đưa ra biện pháp nhằm chủ động ứng phó với biến động của tỷ giá. 

Cần giải pháp phòng thân

Theo các chuyên gia, thực tế từ đợt biến động tỷ giá vừa qua cho thấy, những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất đẩy Nhân dân tệ giảm giá. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam và đòi hỏi chúng ta phải có những bước điều chỉnh linh hoạt. 

Mặc dù cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn đang được NHNN áp dụng, nhưng theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu sử dụng hình thức mua bán ngoại tệ giao ngay để thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ của mình. 

“Nhiều ngân hàng đã chào hàng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá. Khách hàng nên sử dụng các sản phẩm phái sinh này”, ông Phạm Thanh Hà khuyến cáo.

Chung quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng: “Ngay khi thị trường ổn định trở lại, các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai”.

Cùng với những tác động do biến động tỷ giá, các doanh nghiệp cũng đang lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng: “Việc điều chỉnh tỷ giá tác động không mạnh đến lạm phát. Hiện lạm phát đang ở mức rất thấp nên không tác động đến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay”. “Về lý thuyết, ngân hàng Trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó, về nguyên tắc, lãi suất sẽ giảm chứ không tăng”, TS Lê Xuân Nghĩa phân tích.