Nuôi dưỡng hay vắt kiệt

ANTD.VN - Hiện nay chính sách thuế thu nhập cá nhân của các nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản áp mức thấp nhất 1% và cao nhất 37%. Họ chia thuế làm 3 và 4 bậc, rất dễ hiểu, dễ áp dụng và hợp lý. 

Số thu chủ yếu dồn vào đánh thuế người có thu nhập cao, tức là một chính sách khoan thư sức dân, khuyến khích, động viên người làm công ăn lương. Trong khi đó, ở Việt Nam, cán bộ, công chức, hàng triệu người làm công ăn lương đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân vừa nhiều vừa cao.

Nhìn vào mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân ở nước ta, dễ dàng nhận thấy là quá cao, quá dày, trong khi chi phí giảm trừ gia cảnh như “muối bỏ bể” khiến sắc thuế này thực sự là gánh nặng đè lên vai người làm công ăn lương và nhiều gia đình. Sau khi trừ đi chi phí nuôi con, sinh hoạt, khám chữa bệnh... thì khoản tiết kiệm gần như không còn là bao. Thuế được chia tới 7 bậc, khoảng cách thu nhập giữa các bậc quá dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau. Vì thế không khuyến khích những người nộp thuế ở bậc 6, bậc 7 làm việc, cống hiến. 

Mức thuế cao vô hình trung trở thành rào cản các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức cũng như nhà quản lý giỏi hăng say làm việc. Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, ở các nước đánh thuế rất thấp, thu nhập đến 2.000USD mới phải nộp, ở bậc thấp 5-10% mức thu không đáng kể, với mức 37% là đánh thuế người có thu nhập cao. 

Thế nhưng, cách đánh thuế của Việt Nam hiện nay dường như chỉ chọn chỗ dễ thu nhưng ít tiền, thay vì đi vào chỗ khó, thu được nhiều tiền. Có thể “điểm mặt” một loạt tập đoàn xuyên quốc gia, công ty danh tiếng đang hoạt động ở Việt Nam không nộp thuế hoặc chỉ nộp tượng trưng nhưng không bị ngành thuế “sờ gáy”. 

Trong khi đó, chính sách thuế vẫn điều tiết theo kiểu tận thu như hiện nay thì chẳng bao lâu người dân sẽ kiệt sức. Kể từ năm 1999 đến 2016, nếu như thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh giảm từ mức 32% xuống còn 20% thì thuế thu nhập cá nhân tăng vọt. Cụ thể, thuế suất trước thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời năm 2009 thì đối với người thu nhập trung bình hầu như không đáng kể. Đến nay, mức thuế được “chẻ ra” làm 7 bậc, với thuế suất cao nhất lên tới 35%.

Thực tế cho thấy, trong khi các doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế 20%, các ngôi sao giải trí, ca sỹ chạy sô mỗi đêm bỏ túi hàng chục triệu đồng mà hầu như không nộp đồng thuế nào, còn hầu hết người làm công ăn lương bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân không chỉ tiền lương mà cả tiền thưởng Tết. Thử hỏi chính sách thuế thu nhập cá nhân như vậy làm sao nuôi dưỡng, chứ chưa nói tới khích lệ, động viên người ta lao động, sáng tạo? Câu hỏi nuôi dưỡng hay vắt kiệt sức đang đặt ra và cần được giải đáp.