Uyển chuyển điều hành giá

ANTD.VN - Giá xăng dầu trong nước cũng như tỷ giá USD/VND lên xuống theo “nhịp đập” của thị trường thế giới là một quy luật mà người dân và doanh nghiệp phải quen dần và chấp nhận. 

Song, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng tăng lên từng ngày thì rất cần bàn tay điều hành linh hoạt, uyển chuyển của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh những cú sốc về giá trên thị trường, hơn thế còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Theo ý kiến của một số hiệp hội, giải pháp tốt nhất ở thời điểm này là không nên tăng giá xăng dầu. Bởi nếu tăng, chắc chắn sẽ đẩy giá cả các mặt hàng lên theo, nhất là hàng hóa thiết yếu, thịt cá, rau củ quả, thậm chí có thể lập mặt bằng giá mới. Vậy, kiềm giữ giá xăng dầu đến khi nào? Giới chuyên gia và nhà quản lý đề xuất nên giữ ổn định giá đầu vào quan trọng này qua Tết, rồi điều chỉnh cũng chưa muộn. Như vậy sẽ mang lại “lợi kép”, vừa giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, vừa ổn định giá thị trường có lợi cho người tiêu dùng. 

Cơ chế điều hành giá cả theo thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước chính là chiếc van giảm áp lực căng thẳng cho thị trường ở thời điểm nhạy cảm này. Cơ quan quản lý có nhiều giải pháp có thể áp dụng để giữ giá xăng dầu như giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm chiết khấu cho đại lý…

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, giá xăng dầu trong nước đã theo sát diễn biến giá thế giới. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phương án điều hành giá xăng dầu sẽ đảm bảo có sự điều tiết hài hòa của Nhà nước thông qua công cụ thuế, quỹ bình ổn. 

Theo dự báo, trong năm 2017, có nhiều yếu tố bất lợi tạo sức ép lên giá cả, trong đó không thể bỏ qua khả năng tăng giá xăng dầu. Mấy năm gần đây, việc điều hành giá cả đã trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Cụ thể, không đồng loạt tăng giá xăng dầu, giá điện trước Tết.

Nhiều địa phương chủ động không tăng viện phí, học phí vào cuối năm hoặc khai giảng năm học mới… Với mức giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, việc xả mạnh quỹ bình ổn rõ ràng cần tiếp tục tính đến để giảm áp lực tăng giá bán lẻ trong nước và giảm gánh nặng đè lên giá hàng hóa tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.

Giá cả hay tỷ giá lên xuống theo “hơi thở” của thị trường không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, “ép giá” theo ý muốn chủ quan. Tuy vậy, không có nghĩa là thả nổi giá cả để mặc cho doanh nghiệp và người dân tự xoay xở. Uyển chuyển, linh hoạt điều hành giá hoàn toàn tùy thuộc vào sự chèo lái của các cơ quan quản lý. Thực tế cho thấy, trong năm 2016, sự điều hành tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt, được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.