Nước về Định Công Thượng

ANTĐ - Bạn đi Hà Giang về khoe bộ ảnh mới chụp. Bạn dừng lại ở những tấm ảnh người dân đi bộ nhiều cây số vào hẻm núi gùi từng can nước. Những mạch nước nhỏ từng giọt. Những dãy can xếp dài chờ đợi. Những đứa trẻ cạy đá tìm nguồn nước. Những người Mông chắt chiu từng ca nước để nấu ăn. Những bức ảnh “biết nói” làm đắng lòng bất cứ ai, dù được đến và yêu quý vùng cao hay sinh ra đã dùng nước máy, nước đóng chai.

Bạn than thở về một cuộc sống nơi người làm bạn với đá từ muôn đời.

Tôi chia sẻ với bạn vì tôi cũng đã đặt chân đến những vùng cao Tây Bắc. Nhưng bạn có biết không, chỉ cách Bờ Hồ dăm cây số, mấy chục năm qua vẫn tồn tại vài chục nghìn hộ dân vẫn chưa có nước sạch để dùng. Xa hơn chút nữa, thì có hàng trăm nghìn người Hà Nội cũng phải chắt chiu từng chút nước sạch. Xa thêm chút nữa, lên những vùng đất mới của Hà Nội, cư dân nông nghiệp vẫn phải chờ vào những dòng nước từ trên khe trên suối, rồi dòng đường ống tới vài cây số dẫn nước về nhà.

Bạn lắc đầu không tin. Vì bạn vốn sống trong khu phố cũ của Hà Nội, từ mấy chục năm nay. Họ hàng, bạn bè cũng quanh quanh phố cổ. Tôi dẫn bạn về nhà. Định Công Thượng - cái tên này bạn mới nghe, thoáng giật mình vì nghĩ nó là vùng đất mới, trên mạn mấy xã trước kia là của Hòa Bình. Nhưng khi bảo, chỉ cách hồ Gươm 7km, bạn tròn mắt ngạc nhiên. Nghe đã lạ. Nghe đã xa. Ừ, nghe thì thế. Nhưng đi thì hóa ra lại gần.

Qua cầu vượt đường Giải Phóng một đoạn, rẽ phải là gặp phố Định Công. Nhà cửa thấp dần, với những lán quán tạm bợ lụp xụp, chợ cóc lấn hết vỉa hè chờm cả ra đường. Còn đường sá nhiều đoạn xấu kinh hoàng, bởi phương tiện quá đông, lại mới bị đào bới để đặt đường ống dẫn “nước sông Đà”. Thêm chừng cây số nữa, đã rõ hơn một ngôi làng cũ, với gốc đa rễ um tùm phủ rợp. Cũng phải thôi, vì để phân biệt với khu đô thị Định Công, người ta vẫn gọi chỗ tôi ở là "làng Định Công" mà bạn. Nhưng nếu nói chỉ cách Ngã Tư Sở 2,5km, bạn còn khó tin hơn nữa, vì không ngờ một nơi gần như vậy mà lại có vẻ "nhà quê" như vậy. Có lẽ, đó cũng là lí do tại sao đơn vị kinh doanh nước sạch “bỏ quên” nơi này lâu đến vậy.

Đến đây, bạn có thể gặp "thủ phủ" của nước giếng khoan. Thời còn đi học, tôi cũng từng trọ ở nhiều nơi chưa có (hoặc chủ nhà tiết kiệm mà không cho dùng) nước máy. Song, chưa có nơi nào giếng khoan khủng khiếp như ở đây. Nhà nhà dùng nước giếng khoan, đơn giản vì không có sự lựa chọn nào khác. Nhìn trên nóc nhà nào cũng thấy bể nước, thấy thùng tôn đã vàng khè, cáu bẩn, cỏ mọc xanh rì. Nước bơm lên vàng đục, mùi tanh nồng, được lọc qua ba, bốn lần cát, than, sỏi cuội.

Có thể bạn không biết, nhưng báo chí và các nhà khoa học đã phản ánh, đã nghiên cứu rất nhiều lần, ấy là mức độ nhiễm độc arsen (thạch tín) ở trong nước của khu Định Công cao nhất Hà Nội. Độc đến nỗi gây ung thư, biến đổi gen, chết dần chết mòn trong người. Mấy chục năm qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi nước sạch. Cũng chẳng vì thế mà dân cư thưa thớt, bởi với nhiều người, có nhà cách trung tâm 6 - 7km là quá lý tưởng rồi. Đất được xẻ ngang xẻ dọc để bán, giá tăng vùn vụt. Người bán được thì chia con chia cháu, sửa cửa xây lầu. Người mua được thì hớn hở thầm nghĩ chậm chân một chút đã phải đi xa cả chục cây số. Cư dân mới đến ở vừa tặc lưỡi vừa chép miệng: cứ mua đi, cứ ở đi, thế nào rồi cũng có nước sạch. Biết nguy hiểm, biết độc hại mà vẫn phải ở, vẫn phải sinh hoạt bằng nguồn nước giếng khoan độc hại nơi này.

Cuối cùng, nước về Định Công Thượng, khi Thăng Long đã ở giữa mùa thu thứ 1001.

Nhà có hộ khẩu thì được miễn phí. Còn ai mới mua nhà, ai mới chuyển đến ở “xin mời” nộp 1,5 triệu đồng. Nhiều người cũng thấy phi lý, nhưng nghĩ đến “có nước máy” lại tặc lưỡi, bảo với nhau thôi coi như nhịn ăn vài bữa. Vậy là thôi.

Bạn biết không, mất hơn nửa năm trời ống kéo về nằm chờ dưới lổn nhổn gạch đá, nước mới được thông, đường sá mới được "hàn" lại một cách vụng về.

Nước về kéo theo bao nhiêu niềm vui, nhưng cũng bao nhiêu nỗi buồn. Nhà lắp trước, nhà lắp sau, chèn vào đường đi, luồn qua ngõ ngách nhà nhau liền xảy ra to tiếng, thậm chí có cụ là “công dân già nhất xóm” còn mang dao ra dọa, khi thấy mình ở đây lâu nhất mà lại không được lắp, trong khi những người ở tận đâu mới chuyển đến nước máy đã chảy trong veo rửa sân tưới vườn.

Nước về sẽ mang lại cho Định Công Thượng một khuôn mặt mới, có thể tươi tắn hơn, đỡ âu lo sầu muộn vì những chất độc hại có trong giếng khoan, đỡ phải định kỳ tuần một lần trèo lên tầng thượng súc rửa bể lọc. Cuộc sống của cư dân nơi đây bắt đầu bớt phần "khác biệt", song vẫn còn đó nỗi lo của những cụ già, những em bé, những người đã phải uống thứ nước không đủ tiêu chuẩn đã quá lâu rồi.

Và Hà Nội, còn nhiều nơi khác người dân đang mỏi mòn chờ nước sạch về…