Nước sông Hồng xuống mức kỷ lục

(ANTĐ) - Dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng nhiều ngày qua, mực nước sông Hồng đã liên tiếp xuống thấp. Đặc biệt, khu vực Long Biên đến cầu Thanh Trì, nhiều đoạn sông chỉ còn như một con lạch nhỏ.

Nước sông Hồng xuống mức kỷ lục

(ANTĐ) - Dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng nhiều ngày qua, mực nước sông Hồng đã liên tiếp xuống thấp. Đặc biệt, khu vực Long Biên đến cầu Thanh Trì, nhiều đoạn sông chỉ còn như một con lạch nhỏ.

Giao thông tê liệt

Số liệu quan trắc trung bình nhiều năm (TBNN) mực nước các sông Bắc bộ cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3, miền Bắc mới chính thức bước vào cao điểm mùa khô, thiếu nước. Tuy nhiên năm nay, dù mới bắt đầu mùa khô nhưng lượng nước đổ về sông Hồng đã bị thiếu hụt rất nhiều. Ngay từ đầu tháng 11, mực nước sông Hồng đã xuống mức dưới 1m, cụ thể, vào ngày 3-11, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đoạn qua Long Biên chỉ còn 0,76m (năm 2008, mực nước sông Hồng xuống mức 0,8m, mức thấp nhất trong vòng 200 năm qua).

Tàu thuyền công suất lớn đã không thể lưu thông trên lưu vực này. Ông Trần Văn Cừu, Phó Cục trưởng Cục Đường sông, Bộ GTVT cho biết, từ đầu tháng 11, đoạn sông từ Bắc Biên đến khu vực cầu Thanh Trì nước đã xuống rất thấp, tàu thuyền trọng tải từ 120-150 tấn (loại nhỏ - PV) mới có thể đi qua. Tàu tự hành trọng tải lớn không thể lưu thông được. “Mực nước thiết kế đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông bình thường là 2,15m, trong khi đó, có những ngày nước xuống dưới 1m, không đủ độ sâu để chạy tàu, gây ùn tắc. Nhiều trường hợp tàu trọng tải lớn bị mắc cạn, phải nằm chờ đến lúc nước lên mới thoát ra được”, ông Cừu nói.

“Mùa khô năm nay, nước sông Hồng sẽ xuống mức 0,7m, mức thấp nhất trong vòng vài trăm năm qua. Chắc chắn, miền Bắc cùng nhiều khu vực khác trên cả nước sẽ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trên diện rộng”.

Ông Cừu cho biết, hàng năm Cục Đường sông đều tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, song năm nay tình hình đã khó khăn hơn rất nhiều. Bởi, nước sông Hồng lên xuống thất thường, dẫn đến thay đổi luồng lạch, nếu cứ tiến hành nạo vét như mọi năm chỉ gây lãng phí mà hiệu quả không cao. Ông Cừu cho biết, mặc dù vào đầu mùa nước cạn, Cục Đường sông cũng đã tổ chức cắm phao báo hiệu, hướng dẫn luồng lạch, song do mực nước sông xuống quá thấp, nên Cục Đường sông cũng chưa tìm ra biện pháp nào khả quan hơn.

Ghi nhận của phóng viên ANTĐ vào chiều 1-12 cho thấy, khu vực từ cầu Long Biên tới cầu Thanh Trì nhiều đoạn sông Hồng chỉ còn như một con lạch nhỏ. Đặc biệt, khu vực cầu Long Biên, nhiều doi cát lớn trồi lên, trẻ em có thể bơi ra tắm nắng ngay giữa lòng sông Hồng. Khu vực cầu Vĩnh Tuy, sông Hồng chỉ còn như một cái ao nhỏ, bãi cát trồi lên như sa mạc.

Đoạn Long Biên - Chương Dương giờ như một cái đầm
Đoạn Long Biên - Chương Dương giờ như một cái đầm

Mực nước sẽ tiếp tục xuống

Trong khi đó, quan trắc của Phòng Thủy văn Bắc bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho thấy, nhiều tháng qua tại miền Bắc không có mưa lớn, lượng mưa thiếu hụt so với TBNN ở mức cao, khiến mực nước sông Hồng đã xuống mức kỷ lục ngay từ đầu tháng 11. Ông Đặng Ngọc Tĩnh, Trưởng phòng Thủy văn Bắc bộ cho biết: “Do miền Bắc trong một thời gian dài không có mưa, nên nước trên các sông đều thiếu hụt nghiêm trọng. Những đợt không khí lạnh tăng cường vừa qua chỉ gây mưa rất nhỏ, không đáng kể. Trong khi đó, hiện tại, miền Bắc mới bắt đầu vào mùa khô, trong những tháng tới, tình hình thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn, trên diện rộng, đặc biệt vào tháng 2 và tháng 3-2010”.

Theo ông Tĩnh, dù mới vào đầu tháng 12, song lưu lượng nước về sông Hồng thiếu hụt rất lớn so với TBNN. Tháng 11, lưu lượng nước về sông Hồng thiếu hụt 57% và dự báo, trong tháng 12 này, con số thiếu hụt sẽ tăng lên trên 60%. “Mùa khô năm nay, nước sông Hồng sẽ xuống mức 0,7m, mức thấp nhất trong vòng vài trăm năm qua. Chắc chắn, miền Bắc cùng nhiều khu vực khác trên cả nước sẽ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trên diện rộng”, ông Tĩnh khẳng định.

Lượng mưa ít, trong khi đó lượng nước ở các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang cũng thấp hơn mức thiết kế tương đối lớn. Hiện tại, hồ Hòa Bình đạt mức lớn nhất là 94% dung tích thiết kết, 2 hồ Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 61% dung tích thiết kế. Còn lại, các hồ thủy lợi vừa và nhỏ, phần lớn mực nước đều thấp hơn từ 1-6m so với thiết kế.

Theo nhận định của các chuyên gia KTTV, mực nước sông Hồng sẽ ngày một hạ thấp do việc khai thác quá tải, cùng với rừng nguyên sinh ngày một thu hẹp.

Ngân Tuyền