Diễn viên Quang Tèo cùng các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa
Mồ hôi rơi lõm… gạch
Gặp Quang Tèo ngay trước cổng Nhà hát kịch Quân đội, ngồi xếp chân bằng tròn trên cái ghế gỗ ở một quán "cóc" vỉa hè, tôi chỉ thấy một Quang Tèo có cái dáng vẻ anh nông dân đặc sệt, chứ không thấy cái vóc dáng của một Thượng tá quân đội. Rồi lại còn cái giọng kể rủ rỉ rù rì...
Quang Tèo kể rằng, quê anh ở chính cái làng Vòng nổi tiếng với nghề làm cốm. Ngày xưa (cái ngày xưa còn chưa xa) dân làng anh khấm khá được là nhờ làm cốm. Có thể nói, tất cả công to việc lớn như cưới xin, ma chay, cất nhà... đều nhờ vào hạt cốm. Nhưng làm cốm vất vả lắm lắm. Mỗi nhà phải dậy từ sớm tinh mơ, để ra gặt lúa ngoài đồng, mang về. Công việc đều ở ngoài sân, nên tranh thủ làm khi nắng còn chưa gay gắt. Đầu tiên là nhặt lá, suốt lúa, sàng hạt. Rồi vò. Rồi đãi. Hạt ráo nước thì cho vào chảo gang, to như cái chảo quân dụng, rang trên lò đốt bằng củi. Khi rang phải đảo liên tục, hai tay đỏ rực như phải bỏng. Đến lúc giã mới thật vất vả, cực nhọc. Chân giã không được rời khỏi chân cối. Bàn tay giơ cao, nắm chặt vào cái dây "ròng rọc" phía trên, tập trung sinh lực tới mức mồ hôi thánh thót từ cánh tay rỏ xuống đất. Quang Tèo kể rằng, mồ hôi rỏ xuống đến mức gạch nền nhà lõm thành cái lỗ to bằng quả táo ta. Cứ nhìn vệt lõm ấy, là đủ hình dung sự vất vả, cực nhọc của người dân làng Vòng làm cốm đến mức nào. Chính từ cái "nôi" cốm Vòng này, đã giúp cho Quang Tèo có một nghị lực dẻo dai theo đuổi bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Và cũng vì sinh ra từ một gia đình nông dân thuần túy, mà những vai diễn ấn tượng nhất của Quang Tèo, đều là vai những người nông dân chân đất.
Tình cờ vai kịch thành tên
Cái hồi chập chững theo đuổi nghề diễn viên, thì nhà Quang Tèo nghèo lắm. Cũng vì lòng ham mê, mà Quang Tèo quyết tâm theo đuổi. Để nhờ các thầy hướng dẫn vào vai, Quang phải xin mẹ từng hào, tích cóp lại để mua lấy mươi điếu thuốc lá, gói vào một tờ giấy, rồi mời các thầy xơi thuốc. Cảm động trước tấm lòng của trò, các thầy tận tâm dạy bảo. Và thế là Quang đỗ vào trường nghệ thuật của quân đội. Tiểu phẩm ra mắt, mà anh em nói vui là tiểu phẩm "trả bài" học kỳ đầu tiên, anh đóng một vai có tên Tèo. Vai này - cái gã Tèo - giả cách khèo tay, láu tôm láu cá, đi buôn lậu lừa được cả công an, thuế vụ. Không ngờ vai diễn thành công, gây ấn tượng mạnh. Và thế là từ đó, diễn viên Quang bỗng được “đeo” thêm cái tên Tèo. Cái biệt danh Quang Tèo có từ đó.
Nhưng như lời anh kể, bấy giờ còn mù mờ lắm, chỉ trong khu văn công biết thôi. Phải đến khi có chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của Đạo diễn Khải Hưng, cái tên Quang Tèo mới “nét”, được nhiều người biết đến. Quang Tèo tâm sự, chính vì trưởng thành từ “cái nôi” quân đội, nên dù đi đâu, làm gì, cũng luôn ý thức mình là một sĩ quan quân đội. Anh yêu bộ quần áo lính và nguyện gắn bó với nó suốt đời.
Khi tôi hỏi, anh diễn cùng nghệ sĩ Văn Hiệp lần cuối cùng vào thời điểm nào, thì Quang Tèo lặng đi một lúc. Anh không trả lời ngay vào câu hỏi của tôi, mà tâm sự : “Em coi Văn Hiệp như một người anh, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Văn Hiệp đúng là người nghệ sĩ của nhân dân!”. Phải một lúc sau, Quang Tèo mới sực nhớ câu hỏi của tôi. Giọng anh vẫn rủ rỉ: “Có một vai diễn nhất thiết phải là Văn Hiệp, thì đúng lúc anh Văn Hiệp bị ngã gãy tay. Vậy mà anh ấy vẫn nhận lời. Thuê taxi tốn tiền, xót ruột, anh Văn Hiệp tự đi xe máy đến nơi diễn, bằng cái tay bó bột, đeo lủng lẳng ở trước ngực. Có vẻ rất đau nhưng cố gượng. Lúc diễn phải bố trí để che cánh tay đi. Hình ảnh này đã gây một ấn tượng mạnh trong em. Một tấm gương về sự tận tâm với nghề cho em học tập. Đó chính là lần cuối cùng em diễn cùng anh Văn Hiệp...”.
Xấu trai nên phải diễn hài
Có một điều khá bất ngờ đối với tôi, là những ngày đầu đến với kịch, Quang Tèo lại là diễn viên chính kịch. “Chỉ vì xấu giai, ngoại hình kém, khi đóng mất nhiều thì giờ hóa trang, nên sau này em thưa đóng những vai chính kịch” - Quang Tèo tâm sự. Anh kể rằng, ở những vở kịch có vai “bi”, anh thường tận dụng triệt để các chi tiết, tình huống hài, vừa bớt căng thẳng người xem, lại vừa tạo ra “điểm nhấn” cho nhân vật. Cái hài giúp cho nhân vật “bi” sâu sắc hơn, ấn tượng hơn.
Sau này, khi anh em diễn gặp nhau và cùng tham gia sân chơi “Gặp nhau cuối tuần” thì Quang Tèo mới rõ nét hơn với các vai hài. Bây giờ người xem, dù sân khấu hay truyền hình, đều chỉ nhớ đến một Quang Tèo hài. Và nhất là cái giọng cười rất... Quang Tèo.