NSƯT Đăng Dương "trẻ hóa" nhạc đỏ trong liveshow "Tổ quốc gọi tên mình"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liveshow "Tổ quốc gọi tên mình" của NSƯT Đăng Dương vừa diễn ra vào tối qua 26-8 tại Hà Nội đánh dấu cột mốc 30 năm ca hát của nam nghệ sĩ.

Đêm liveshow được bố cục chặt chẽ trong 3 chương: chương I - "Tổ Quốc gọi tên mình", chương II - "Đất nước" và chương III - "Đường chúng ta đi". Xuyên suốt thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra chương trình, NSƯT Đăng Dương đã thể hiện gần 30 ca khúc, ví như một cuộc "hành quân" về với dòng chảy âm nhạc Cách mạng. Ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai được chọn là chủ đề và cũng là bài hát khai màn đêm diễn. Ngay sau màn trình diễn mở đầu này, NSƯT Đăng Dương xúc động chia sẻ, đây là liveshow thứ 2 mà anh từng thực hiện nhưng dường như cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên anh đứng trên sân khấu đêm nhạc của riêng mình. Dù trước giờ diễn ra chương trình, trời đổ mưa lớn nhưng khán giả vẫn ùn ùn đến và đến rất đúng giờ. Điều này khiến anh vô cùng cảm động.

Một trong những điều thú vị của liveshow lần này là làm sống lại nhiều ca khúc Cách mạng bất hủ nhưng với một tinh thần mới, bản phối mới, sự xâu chuỗi gắn kết mới mang phong cách rất trẻ trung và hiện đại. "Mashup" - thuật ngữ chỉ sự pha trộn các ca khúc lại với nhau vốn quen thuộc với các ca khúc nhạc trẻ, nhạc tình nhưng chưa được áp dụng nhiều trong dòng nhạc truyền thống. NSƯT Đăng Dương bày tỏ, anh và và êkíp đã rất cẩn trọng khi lắp ghép các ca khúc nhạc đỏ vào với nhau.

Như bản "mashup" giữa 2 sáng tác "Anh vẫn hành quân" với "Chào em cô gái Lam Hồng" có sự xuất hiện thêm của cây đàn Accordeon - một nhạc cụ rất phổ biến thời chiến, lần này được nghệ sĩ Đào Kiên - người bạn cùng trường Nhạc viện với NSƯT Đăng Dương - thể hiện khiến nhiều khán giả bất ngờ. Hay như bản "mashup" loạt 4 ca khúc "Tình đồng chí - Cây đàn guitar của đại đội ba - Hành khúc ngày và đêm - Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" mang hơi thở trẻ trung, có phần tinh nghịch khi được NSƯT Đăng Dương thể hiện trên sân khấu cùng các chàng trai trẻ của nhóm nhạc Oplus. Đặc biệt, góp phần làm nên thành công của bản phối này là ghệ sĩ trẻ Sò Duy Anh, một chàng trai mới 19 tuổi.

Cũng trong đêm nhạc, lần đầu tiên 3 ca khúc cùng tên "Làng tôi" của 3 nhạc sĩ Văn Cao, Hồ Bắc và Chung Quân được kết hợp cùng nhau qua sự thể hiện của NSƯT Đăng Dương, Võ Hạ Trâm và Đào Tố Loan. Tiết mục như một bức tranh với những mảng màu đối lập nhưng lại rất ăn ý.

Điểm nhấn tiếp theo của đêm livewshow là sự xuất hiện của tiếng đàn bầu ở chương 2, tiếng đàn đã dẫn dắt NSƯT Đăng Dương tới giảng đường âm nhạc. Tiếng đàn bầu được thể hiện xuyên suốt trong các ca khúc ở chương này, đặc biệt ca khúc "Dáng đứng Bến Tre" là màn độc tấu đàn bầu gây bất ngờ của chính NSƯT Đăng Dương.

NSND Thanh Tâm - giảng viên bộ môn đàn bầu Nhạc viện Việt Nam, cô giáo của NSƯT Đăng Dương cho biết, nam nghệ sĩ đã có hơn 10 năm chăm chỉ theo học bộ môn đàn bầu trước khi chuyển qua theo học thanh nhạc và trình độ đàn bầu của anh ở ở mức nghệ sĩ biểu diễn chứ không vừa. Tiếng đàn bầu không chỉ minh hoạ chuẩn xác cho ca khúc "Đất nước" mà còn khiến liveshow của Đăng Dương thêm độc đáo, có sự kết hợp truyền thống hiện đại một cách duyên dáng, khẳng định tình yêu chung thuỷ suốt 30 năm sự nghiệp của anh đối với âm nhạc Cách mạng đã được khởi nguồn từ tiếng đàn bầu Việt Nam như thế nào. Như Đăng Dương đã nói, đó là tình yêu “ăn vào máu, vào tim”.

Ngoài các bản "mashup" cùng nghệ sĩ khách mời, Đăng Dương còn trình diễn riêng 15 ca khúc khoe giọng hát đang lúc chín muồi, càng hát càng thăng hoa. Chủ nhân của liveshow "Tổ quốc gọi tên mình" sở hữu chất giọng cao, dày dặn nhưng cũng rất ngọt ngào và giàu cảm xúc. Màu sắc cổ điển rõ nét thiên về chính ca, chuyên đảm nhận các quãng cao, quãng giọng rộng, dày ấm nam tính. Giọng hát Đăng Dương vốn có chất sử thi, hùng tráng, mạnh mẽ do sở hữu sự chắc khỏe, vững chãi nay lại có có những bước chuyển để hát ấm hơn, ngọt hơn, trữ tình mềm mại phù hợp thời đại mới và đối tượng khán giả trẻ. Hát những ca khúc đã là sở trường nhưng anh vẫn nỗ lực làm mới không ngừng nghỉ. Nam nghệ sĩ tâm sự, suốt thời gian, qua anh dồn sức tập luyện ngày đêm cho chương trình, trước đêm liveshow này vẫn thức tập hát đến tận 2h sáng.

Liveshow cũng một lần nữa cho thấy tình yêu bền bỉ và sâu đậm của NSƯT Đăng Dương qua 30 năm ca hát dàn cho dòng nhạc Cách mạng. Sân khấu đêm nhạc không cần trang trí lộng lẫy, cũng không có những màn trình diễn múa phụ hoạ, nhưng vẫn rất giản dị và sang trọng, như tiếng hát và con người của chính nam nghệ sĩ này. Trên sân khấu Đăng Dương cũng không biết nói lời hoa mỹ, anh không chia sẻ nhiều về cuộc đời mình mà dùng chính tiếng hát để nói lên tất cả tình yêu của mình với nhạc đỏ.

Năm 2017, Đăng Dương từng có liveshow thành công rực rỡ mang tên “Mặt trời của tôi” tổ chức ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, được ghi nhận từ cả công chúng, giới chuyên môn với giải thưởng âm nhạc "Cống hiến" ở hạng mục "Chương trình của năm". So với “Mặt trời của tôi" thì liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” mang tinh thần mới. Nếu “Mặt trời của tôi” là chương trình khẳng định sự nghiệp hát thính phòng của NSƯT Đăng Dương, mang phong vị cổ điển với những chuẩn mực học thuật thế giới vốn là thế mạnh nổi trội của anh thì “Tổ quốc gọi tên mình” thông qua những ca khúc bất hủ, mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đẹp trong lòng khán giả bằng sự thay đổi cách hát để dung hòa với lớp trẻ, vượt qua khoảng cách tuổi tác, thế hệ, và phù hợp với mục đích đem đến một liveshow nhạc đỏ nhưng tươi mới, tràn ngập tinh thần tiếp nối thế hệ.

NSƯT Đăng Dương và vợ chào và cảm ơn khán giả đến ủng hộ đêm liveshow
NSƯT Đăng Dương và vợ chào và cảm ơn khán giả đến ủng hộ đêm liveshow

Chính vì thế, có thể nói, so với “Mặt trời của tôi”, “Tổ quốc gọi tên mình” còn mang đến nhiều thử thách hơn cho Đăng Dương, cho thấy sự dũng cảm đổi mới vượt vùng an toàn để mở rộng biên độ khán giả.