- Phim điện ảnh do Lý Nhã Kỳ sản xuất ấn định lịch ra rạp sớm
- Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh bận rộn "ngày 5 bản tin" để phục vụ SEA Games
- MC Thảo Vân thừa nhận "khá áp lực" khi thay thế nhà báo Lại Văn Sâm
Cuốn sách “nợ đời” mà NSND Trần Hiếu vừa ra mắt có tựa đề “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam”. Nói về lý do đang ca hát mà nghĩ đến chuyện viết lách, mà lại là viết sách, NSND Trần Hiếu thật thà tâm sự, đó là kết quả của một quá trình không nằm trong trí não của ông lúc ban đầu.
Theo đó, thời trẻ ông từng có cơ hội học hát với các thầy người Nga. Lúc mới ở trường ra đi hát, ông bị bảo là hát như người Nga hát tiếng Việt. Có lần về Na Sầm hát, một bà mẹ gọi ông lại bảo: “Con ơi, sao con hát như bò nó kêu, bò nó rống thế hả con?”. Rồi một anh đứng ở cạnh sân khấu, sau khi xem ông biểu diễn xong thì bảo: “Dáng Hiếu nên đi làm võ sĩ thì hơn”. Xâu chuỗi lại thì lúc bấy giờ chẳng có ai động viên ông nên đi hát cả. Ông bắt đầu nhận ra lý do của những lời nhận xét này không hẳn là sai, cái sai cũng không phải ở ông, mà có lẽ do ông chưa đi đúng đường mà thôi, thành thử ra học với các thầy người Nga xong thì hát như người Nga hát.
Rồi sau đó một thời gian, một NSƯT người Nga sang Việt Nam giao lưu biểu diễn và hát bài dân ca quan họ “Cây trúc xinh”. Hát xong, nghệ sĩ này thắc mắc với Trần Hiếu rằng: “mọi người cứ cười tôi, không hiểu tôi hát sai ở chỗ nào”. Ông đã cố gắng giải thích để người này hiểu lý do là bởi họ hát cả phụ âm khi ra sân khấu nên khiến mọi người không nhịn được cười. Lúc đó, Trần Hiếu mới là nghệ sĩ “quèn” ở trường nhạc, chưa có tên tuổi gì cả, song ông bắt đầu giật mình khi nhận ra, cái lỗi hát này và nhiều lỗi ngôn ngữ khác khi hát, chính mình nhiều khi cũng mắc phải. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng nghiên cứu về tiếng hát Việt Nam.
Năm 1968 khi Trần Hiếu sang Pháp, sau khi nghe ông trình diễn bài “Con voi” của nhạc sĩ Xuân Khoát, nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc cổ truyền dân tộc Trần Văn Khê khi ấy đã là Tiến sĩ liền mời Trần Hiếu về nhà chơi. Dù không biết người mời mình là Tiến sĩ, và cũng chẳng biết mình được mời đến chơi nhà ở đâu, Trần Hiếu vẫn hào hứng nhận lời ngay với suy nghĩ đơn giản “có người nhiệt tình dẫn mình về nhà thì mình về chơi”. Trong cuộc trò chuyện về âm nhạc với ông, TS Trần Văn Khê khuyên ông thử viết sách ghi lại những tìm tòi, nghiên cứu về ngôn ngữ âm nhạc. Đến khoảng gần chục năm sau, ông gặp lại TS Trần Văn Khê khi về Việt Nam tham dự hội nghị lớn quy tụ các nhạc sĩ trong Nam. Lần này, Trần Hiếu tìm gặp TS Trần Văn Khê để ngỏ ý báo cáo những nghiên cứu của mình.
Đận đó, nghe ông nói xong, TS Trần Văn Khê gợi ý Trần Hiếu viết công trình này bằng tiếng Pháp, lấy bằng Tiến sĩ ở Pháp. Dù rất tự tin có thể làm được điều này song Trần Hiếu đành phải từ bỏ ý định bởi đúng lúc đó thì vợ ông bị bạo bệnh, chưa kể chi phí đi lại rồi hoàn thành luận án ở nước ngoài lên tới cả chục nghìn USD. Vậy nên ông quyết định không nghĩ đến gợi ý trên nữa, có điều vẫn miệt mài lặng lẽ viết.
Cũng theo lời kể của NSND Trần Hiếu, khi ông mang những trang viết đầu tiên đến Viện ngôn ngữ học, phía Viện còn muốn cấp bằng ngôn ngữ học cho ông nhưng ông từ chối với lý do: “Tôi có học hành gì đâu, có thi thì tôi thi, chứ tôi không nhận”. Tuy nhiên sau đó Viện vẫn gửi cho ông bằng chứng nhận, ông giữ nhưng không bao giờ đem ra khoe với ai bao giờ. Những điều đó cứ dần thôi thúc ông tạo ra cuốn sách như ngày hôm nay, xuất phát từ trăn trở: “Tiếng Việt là thứ tiếng đặc biệt trên thế giới, hát mà không biết thì nguy hiểm lắm”.
NSND Trần Hiếu nhớ lại, thời đó hễ ông ra sân khấu hát bài gì vui vui là ở phía dưới có những ông bạn có “danh” rất to hẳn hoi chứ không phải bình thường bảo: “Ê chúng mày ơi, thằng hề của sân khấu ca nhạc sắp đến với chúng ta kìa”. Nghe xong, ông chỉ cười hề hề rồi bảo: “Vâng em là thằng hề, các anh không làm được thì để em”.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngà (bên trái ngoài cùng) - vợ NSND Trần Hiếu |
Quá trình thực hiện sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” của NSND Trần Hiếu cũng nhiều lận đận. Cận kề tuổi 90, những năm gần đây sức khỏe của Trần Hiếu không ổn định, vì vậy ông không thể tự tay chắp bút trên từng trang bản thảo. Song, được sự động viên và sát cánh của người bạn đời – bà Nguyễn Thị Minh Ngà, ông đã dần biến mong muốn của mình thành hiện thực.
Bà Minh Ngà chia sẻ, toàn bộ các phần, chương, mục đã nằm trong suy nghĩ của nam nghệ sĩ từ lâu. Bà chỉ cần mẫn ghi chép lại, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của một người cháu ruột, cùng các học trò của ông, mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng, cuốn sách chuyển sang khâu tiếp theo của quá trình xuất bản. NSND Trần Hiếu đã tin tưởng giao cho nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, anh cũng là một cựu học trò thanh nhạc của NSND Trần Hiếu chịu trách nhiệm hiệu đính. Và sau khoảng gần 2 năm thực hiện, cuốn sách đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, giới thiệu đến công chúng.
Cũng theo người bạn đời của Trần Hiếu, năm 2021 khi ông bị tai nạn giao thông, sức khỏe rất yếu, bà chỉ lo ông ra đi. Khi dọn dẹp giá sách của ông, bà thấy có một tập tài liệu được cất kỹ. Vì cũng hoạt động ít nhiều trong ngành nghệ thuật nên bà hiểu giá trị của tập tài liệu này. Bà nghĩ đến việc nếu như không may ông mất thì sẽ gửi nó vào thư viện của Nhạc viện. Lúc đó, bà cũng nghĩ lại, nhớ ra suốt gần 20 năm qua thấy ông có những lúc chỉ cặm cụi ngồi trong không gian riêng rồi hì hụi viết. Thấy ông say mê viết, bà chỉ biết tạo không gian riêng nho nhỏ để ông tập trung, không làm phiền. Thời điểm sau khi sự cố tai nạn xảy ra khiến, bà hỏi ông: “bây giờ anh có gì cần viết thì anh bảo em, để em viết lại cho”. Rồi bà tìm gặp NSND Quốc Hưng – người học trò thân thiết mà NSND Trần Hiếu xem như con ruột – để kể về tập bản thảo. NSND Quốc Hưng đã quyết định cùng với một vài người bạn giúp sức để in tập bản thảo giá trị trên thành sách. Có những trang bản thảo được Trần Hiếu viết tay hàng chục năm, chữ vừa mờ vừa khó nhìn, vợ chồng NSND Quốc Hưng lại phải căng mắt soi đi soi lại vì không luận được, phải nhờ người thầy của mình giải thích rồi chép lại.
“Người Việt Nam thích nghe gì ở ca hát? say mê những loại hình ca khúc nào? Đó là một câu hỏi cứ đi theo tôi suốt một đời ca hát. Không hiểu rõ được điều đóthì làm sao đi vào lòng người được. Không thể lấy tiêu chuẩn thưởng thức ca hát của một số người hay một cộngđồng người làm chuẩn mực để đánh giá một bài hát. Phải xét qua sự đánh giá củanhiều đối tượng, nhiều cộng đồng khác nhau. Sức sống của một bài hát chính là ởtrong tấm lòng những khán thính giả. Bài hát nào có thể sống tươi xanh ở mọi nẻo đường đất nước, sống bền bỉ qua nhiều giai đoạn biến chuyển của xã hội. Chính làbài hát đi cùng năm tháng” - NSND Trần Hiếu