NSND Ngọc Giàu: Lửa nghề vẫn cháy

ANTĐ - Thế hệ sau này thường chỉ biết một NSND Ngọc Giàu trên sân khấu kịch, mà nhiều hơn nữa là kịch hài với những mảng miếng duyên dáng nhịp nhàng. Nhưng thật ra, gốc của NSND Ngọc Giàu là dân cải lương chính hiệu, giọng ca ấy từng một thời lừng lẫy bên cạnh những cái tên nổi tiếng như Tấn Tài, Hùng Cường, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Nga… Dù ở sân khấu nào, bà cũng khiến người xem phải trầm trồ thán phục không chỉ vì sự hết mình với vai diễn, mà còn vì những giá trị nghệ thuật, giải trí đặc sắc mà bà đã dày công mang đến.

NSND Ngọc Giàu cùng diễn viên Anh Vũ trong một tiểu phẩm hài

Tinh hoa dồn vào giọng hát

NSND Ngọc Giàu lớn lên trong một gia đình nghèo. Ký ức tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày bần hàn, cơ cực, nhưng lại rất mê ca hát. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi bà thường học hát qua đài. Không lâu sau, bà được nhận vào đoàn Kim Phụng để vừa làm vừa học nghề. 12 tuổi, bà được nhận vào gánh hát Mai Lan Phương - Ngọc Chiểu và chỉ làm tỳ nữ, rồi ngâm thơ hậu trường. Đến khi về đoàn Ngọc Kiều của Hoàng Kinh - Ngọc Đáng (năm bà tròn 13 tuổi) thì được đóng những vai đào nhì, sau 2 tháng được nâng lên đào chính. Một lần cùng đoàn đi diễn, trong số khán giả đến xem đêm diễn có “bà bầu” của đoàn Kim Chưởng nên bà đã được mời về làm diễn viên của đoàn Kim Chưởng.

Sau hơn một năm cùng đoàn đi lưu diễn khắp các tỉnh từ miền Trung đến miền Tây. Năm 1958, về đến Sài Gòn, Ngọc Giàu được chủ rạp hát Hưng Đạo mời dự lễ khai trương, đồng thời tham gia vai đào chính trong vở “Hai cánh én đầu xuân”, đóng cặp cùng nam diễn viên tài danh Minh Chí. Hai năm sau, bà được soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng ở đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga mời về đoàn. Từ đó tên tuổi của Ngọc Giàu ngày càng được đông đảo khán giả ở khắp các tỉnh, thành miền Nam mến mộ. Với những thành công qua nhiều vai diễn, đặc biệt là vai đào chính Điêu Thuyền, bà được trao giải Thanh Tâm vào đầu năm 1960. Năm 1967, thêm một lần vinh dự đón nhận giải thưởng Thanh Tâm.

Ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Ngọc Giàu có cơ hội hóa thân vào nhiều vai diễn từ đào mùi, đào mụ, đào lẳng, đào võ, đến những vai giả lão, giả trai, và cả những vai... trẻ con, bà già.  Không được số phận ưu ái về sắc vóc, dường như tất cả những tinh hoa của bà đều được dồn vào giọng hát. Cất tiếng hát, người ta nhận ra ngay đó là Ngọc Giàu, hơn nửa thế kỷ làm nghề, chưa có người thứ hai nào có được làn hơi đặc sắc ấy. 

Vai nào cũng diễn

Một điểm nổi bật nữa của NSND Ngọc Giàu là khả năng hóa thân đa dạng và luôn làm tròn vai dù ở vị trí nào. Bà có thể là một cô Nhung trong “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, một phụ nữ lăng loàn, vì nhân tình mà phản bội chồng con đến khi gần cuối cuộc đời mới nhận ra sai lầm của bản thân. Bà cũng có thể là một Mỹ Tiên đanh đá, luôn đấu tranh và giành giật những thứ mình thích mà bất chấp tất cả trong “Sân khấu về khuya”. Bà cũng có thể là một Dương Vân Nga trẻ trung nhưng oai phong lẫm liệt với khí phách của một hoàng hậu chấp chính trong vở tuồng lịch sử cùng tên. Và bà cũng có thể là một A Châu bất hạnh trong đoạn ca lẻ kinh điển “Kiều Phong - A Châu” với lối hát nỉ non, tràn đầy yêu thương.

Và dù là một đào hát lừng lẫy như vậy, nhưng NSND Ngọc Giàu cũng sẵn sàng hóa thân thành một cô Bảy cán vá trong “Đời cô Lựu”, một vai diễn không thể “phụ” hơn trong vở tuồng kinh điển của sân khấu cải lương. Dẫu vai ngắn, nhỏ, không nhiều cá tính và cũng không quá ảnh hưởng đến mạch chính của vở, nhưng với cái tâm của người làm nghề, NSND Ngọc Giàu đã biến cô Bảy cán vá thành một mẫu hình chuẩn mực, là một điểm sáng khác mà khi khán giả nhớ về “Đời cô Lựu” là phải nhớ đến bà. Và có lẽ, từ mối duyên này mà NSND Ngọc Giàu đã nhẹ nhàng bước sang một trang mới trong cuộc đời nghệ thuật của mình.

Bước sang sân khấu kịch, NSND Ngọc Giàu đã để lại nhiều ấn tượng với hình ảnh bà má Nam bộ. Tham gia rất nhiều phim nhưng vai diễn mà NSND Ngọc Giàu tâm đắc nhất chính là vai bà Tư trong phim truyền hình nhiều tập “Lẵng hoa tình yêu”, bởi tính chân thật, đôn hậu của nhân vật. Bà cười hạnh phúc khi tâm sự vì quá yêu nghề nên bà sẽ không từ chối bất kỳ vai diễn nào miễn sao nó không phải là những vai phản cảm, vi phạm đạo đức. Đối với bà, mỗi vai diễn là một thành quả quý báu đóng góp vào gia tài diễn xuất của mình.
Gần đây, với những nỗ lực hồi sinh nền nghệ thuật cải lương, NSND Ngọc Giàu cũng đã trở lại sân khấu trong những trích đoạn ngắn để khán giả nhớ về một thời hoàng kim và bà cũng là một tấm gương vượt thời gian cho các thế hệ sau. Dù sức khỏe, sắc vóc đã không còn như trước nhưng dễ nhận thấy ngọn lửa nghề trong bà vẫn cháy như thuở nào.