Nóng bỏng cuộc chiến chống quấy rối tình dục ở Maroc

ANTD.VN - Ghizlane Ahblain - một phụ nữ Maroc 30 tuổi, sống ở Marrakesh cho biết, nhiều phụ nữ Maroc đang trở thành nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Vì nhiều lý do khác nhau, họ chọn giải pháp im lặng thay vì tố cáo với các cơ quan chức năng. Trong khi đó, hệ thống luật pháp còn thiếu những chế tài đủ mạnh để trừng trị đối tượng này.

Nóng bỏng cuộc chiến chống quấy rối tình dục ở Maroc ảnh 1Nạn quấy rối tình dục phụ nữ ở Maroc đang ở mức báo động 

Những người phụ nữ tiên phong

Ghizlane Ahblain, một nhân viên khách sạn cho biết, không ít phụ nữ bị lăng mạ khi xuất hiện trên đường phố. “Ở đây, tất cả mọi thứ bạn làm, dù rất đơn giản cũng bị cánh đàn ông gọi là con điếm. Ngay cả khi bạn đánh son hay đeo khăn trùm đầu, bạn cũng bị coi bằng những từ ngữ thô tục”, Ghizlane Ahblain nói với tâm trạng thất vọng về những gì mà cô và phụ nữ ở quốc gia này đang phải đối mặt. 

Ghizlane Ahblain cho biết thêm, cô đã bắt đầu kêu gọi chiến dịch chống quấy rối tình dục phụ nữ từ vài năm trước. “Tôi kêu gọi phụ nữ lên tiếng chống lại hành động quấy rối tình dục cả về thể chất và lời nói. Phụ nữ cần phải mạnh mẽ, cùng đoàn kết để chống lại hành vi này. Không biết khi nào thì đàn ông ở đất nước tôi chấm dứt những hành động xấu xa lại”, Ghizlane Ahblain nói. 

Với tấm bằng thạc sĩ và ăn mặc khá thời thượng, Ghizlane thừa nhận, cô không phải là người phụ nữ Maroc theo “kiểu truyền thống”. Trong cuộc chiến chống quấy rối tình dục, Ghizlane không hề đơn độc. Mo - một phụ nữ khác sống ở Thủ đô Rabat cũng được biết đến là người lên tiếng mạnh mẽ trong cuộc chiến chống quấy rối tình dục phụ nữ. 

“Tôi mong muốn, tất cả phụ nữ Maroc đều biết cách làm thế nào để ngăn chặn nạn quấy rối tình dục. Tôi đã cố gắng mở một lớp học dạy phụ nữ cách tự vệ khi bị tấn công tình dục trên đường phố. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản vì gặp không ít rào cản và phản ứng trái chiều của cộng đồng”, Mo nói.

Nhiều rào cản

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ Maroc bị quấy rối tình dục tràn lan là do hệ thống pháp luật còn thiếu những quy định cụ thể. Dự thảo Luật Chống quấy rối tình dục quy định hình phạt tù từ 1 đến 6 tháng hoặc phạt tiền từ 250 USD đến 1.200 USD hiện vẫn chưa được thông qua. 

“Vấn đề quấy rối tình dục phụ nữ ở Maroc đang ở mức báo động”, Stephanie Willman Bordat, một người Mỹ đã làm việc 21 năm cho Văn phòng bảo vệ quyền phụ nữ ở Rabat cho biết. “Ngay cả khi dự thảo Luật Chống quấy rối tình dục được thông qua, nó cũng chỉ là sự thay đổi nhỏ. Vấn đề thực sự đáng quan tâm là phụ nữ bị quấy rối tình dục không báo cáo, cảnh sát không điều tra và công tố viên không khởi tố vụ án”, Stephanie Willman Bordat cho biết thêm. 

Stephanie Willman Bordat dẫn chứng bằng câu chuyện xảy ra năm 2015 ở Inezgane, phía Tây Nam Maroc. Sau khi bị một nhóm đàn ông quấy rối tình dục, 2 người phụ nữ tìm cách lánh nạn tại một cửa hàng gần đó để chờ đợi sự trợ giúp của cảnh sát. Khi các nhân viên cảnh sát đến, thay vì bảo vệ 2 người phụ nữ, họ nói rằng, 2 cô bị tấn công tình dục vì mặc “váy quá ngắn”. 

Stephanie Willman Bordat cho hay, một thực tế đang tồn tại ở quốc gia này là phụ nữ bị quấy rối thường im lặng, không dám lên tiếng tố cáo những kẻ đồi bại. Chính điều này đang cản trở cuộc đấu tranh chống quấy rối tình dục ở Maroc. Stephanie Willman Bordat cho rằng, muốn thay đổi vấn đề này cần có thời gian, trong đó công tác tuyên truyền phải được hết sức chú trọng.

Hồi tháng 8-2016, vận động viên quyền Anh người Maroc - Hassan Saada (22 tuổi) bị bắt vì quấy rối tình dục 2 nữ phục vụ phòng gây rúng động giới hâm mộ thể thao trên toàn thế giới. Hassan Saada bị bắt và tước quyền tham dự Olympic.