Nỗi oan Quinvaxem

ANTĐ - Cơn sốt vaccine dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim lên tới đỉnh điểm ở Hà Nội, TP.HCM vừa qua xuất phát từ nỗi sợ vaccine Quinvaxem do một số vụ tai biến sau khi tiêm loại vaccine này. Thực tế, Quinvaxem đã bị oan. So với những loại vaccine phổ biến trên thế giới, mức độ an toàn của Quinvaxem không hề thua kém. 

Quyết chờ vaccine dịch vụ

Lý giải về câu chuyện “sốt” vaccine, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Tâm lý các bậc phụ huynh lo lắng cho con em mình là điều dễ hiểu, nhất là trong hoàn cảnh đang nhiễu thông tin sau khi nhiều tờ báo đưa tin không chính xác về các ca phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem. Trên thực tế, vaccine dịch vụ Pentaxim cũng gây phản ứng với mức độ tương đương, nhưng hiện tại số lượng trẻ tiêm vaccine này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với Quinvaxem nên nhiều người lầm tưởng rằng Pentaxim an toàn 100%. 

Nỗi oan Quinvaxem  ảnh 1

Các ông bố, bà mẹ cần biết rằng, thời điểm tiêm chủng tốt nhất ở trong khoảng thời gian trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Đây là thời điểm “vàng” để vaccine phát huy tối đa tác dụng. Nếu không tiêm chủng hoặc chờ đợi vaccine dịch vụ trong thời gian quá lâu thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất lớn. Chúng ta đã có bài học đau xót về dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong chỉ trong thời gian ngắn hay dịch bạch hầu ở Quảng Nam, dịch ho gà tại Hà Nội năm 2015 mà nguyên nhân chính cũng là do người dân quay lưng với việc tiêm chủng.

Lợi dụng tâm lý của các bậc phụ huynh có nhu cầu tiêm Pentaxim, thị trường đã xuất hiện những dịch vụ đăng ký tiêm chủng và tiêm vaccine xách tay khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc ngăn chặn. 

Nỗi oan Quinvaxem  ảnh 2

Vaccine nào là tốt?

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, hiện nay, Việt Nam phổ biến 2 loại vaccine tổng hợp là Quinvaxem (vaccine tiêm chủng mở rộng) và Pentaxim (vaccine dịch vụ). Quinvaxem là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib - trong một mũi tiêm. Đây đều là những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi - đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam. 

Trên thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm. Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như trẻ bị sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc... nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vaccine chứa thành phần vô bào như Pentaxim. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong so với vaccine chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau. 

Pentaxim là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hemophilus influenza tuýp B. Điều khác biệt cơ bản giữa 2 loại vaccine trên chỉ ở thành phần ho gà: vô bào ở Pentaxim và toàn tế bào ở Quinvaxem. Theo các nhà khoa học, kháng nguyên toàn tế bào sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vô bào.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù các phản ứng hệ thống và tại chỗ thường liên quan tới vaccine ho gà toàn tế bào, nhưng cả 2 loại vaccine có tỷ lệ như nhau về các phản ứng nặng và tử vong. Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, các trường hợp tử vong sau tiêm chủng hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vaccine. Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn vaccine của WHO kết luận, vaccine Quinvaxem 5 trong 1 là một trong những vaccine an toàn nhất hiện nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong phòng 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm. Hiện WHO vẫn khuyến cáo các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine Quinvaxem. 

Đến nay, trong 5 năm, Việt Nam đã thực hiện khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem và số ca bị tai biến là 63 trẻ.

Trong khi đó tại Italia, loại vaccine 6 trong 1 vẫn được sử dụng là Infanrix Hexa đã thực hiện 15 triệu mũi tiêm và có 63 trẻ tử vong đột ngột. Một nghiên cứu khác cũng ở Italia thống kê số trẻ tử vong đột ngột chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm vaccine (gồm 2 loại vaccine 6 trong 1 có tên Infanrix Hexa và Hexavac, cùng các mũi rời khác) là 52 trẻ.

Còn tại Mỹ, từ năm 2008 đến 2010 đã có gần 13 triệu liều vaccine Pentacel (“anh em sinh đôi” của vaccine Pentaxim) được tiêm và đã có 26 trẻ tử vong sau khi tiêm. Như vậy, tới nay, không có bằng chứng cho thấy vaccine Quinvaxem kém an toàn hơn Pentaxim hay loại vaccine nào khác