Nơi giáo dục truyền thống lý tưởng
(ANTĐ) - Ngày 20-10-2008, sau hơn 1 năm tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng, Bảo tàng của Công an Hà Nội - tự hào là bảo tàng đầu tiên của công an các tỉnh, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên khuôn viên số nhà 67 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trên diện tích 1.500m2 của tầng 2 đã được dành trọn vẹn cho gần 1.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày, lưu giữ, giới thiệu với người xem những chiến công, thành tích của lực lượng Công an Hà Nội qua 5 giai đoạn lịch sử của đất nước: Cánh mạng tháng Tám và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ (1945-1946); Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946-1954); Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam (1954-1975); Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1985); Đảm bảo ANCT và TTATXH ở Thủ đô để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay).
Song tất cả còn sơ lược, chưa đáp ứng được yêu cầu về một bảo tàng đúng như tên gọi của nó. Sau 2 năm đi vào hoạt động, để xứng tầm với chức danh bảo tàng, sáng 11-11, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã đến trao đổi cùng Bảo tàng Công an Hà Nội, rút ra những điểm được và chưa được của bảo tàng.
TS Nguyễn Thế Hùng trong buổi đến thăm và làm việc với cán bộ Bảo tàng CATP Hà Nội |
Đại tá Đỗ Đức Thiết - Phó phòng Công tác Chính trị CATP Hà Nội cho biết, mặc dù đã đi vào hoạt động được 2 năm nhưng Bảo tàng CAHN là một đơn vị nằm trong đội Tuyên truyền của phòng, vì vậy chỉ có 2 người chuyên trách. Còn vào những ngày có đông khách tham quan, đội Tuyên truyền lại phải luân phiên thêm người đến giới thiệu thuyết minh. Ngoài một đồng chí học đúng chuyên ngành tại ĐH Văn hóa đang làm việc tại đây thì cán bộ của bảo tàng đều kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, vì vậy dù tư liệu hiện vật đã lên tới con số 11.000 nhưng cách bảo quản còn ít kinh nghiệm.
Từ thực tế của Bảo tàng, ông Hùng đã chỉ ra rằng, trước hết việc CATP Hà Nội xây dựng bảo tàng là một việc làm đáng hoan nghênh, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đây chỉ được coi như phòng truyền thống vì thực sự chưa được đầu tư đúng mức.
Nhiều hiện vật gốc trưng bày trong bảo tàng được bày lộ thiên sẽ bị hỏng nếu không có tủ bảo quản chuyên dụng. Để hình thành được bảo tàng phải là công việc dài lâu chứ không phải một sớm một chiều.
Hiện nay nhân sự cho ngành bảo tàng rất ít, không chỉ ở Bảo tàng CAHN mà ngay kể các cơ quan quản lý cấp bộ chuyên về bảo tàng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy ngành thực sự cần người có tâm huyết.
Chưa kể đến kiến thức chuyên môn về sưu tầm, đánh giá thì người làm bảo tàng phải có hiểu biết thực sự, không phải cứ ôm một đống tài liệu về trưng bày, rất khó thu hút được khách tham quan.
Bảo tàng CAHN cần xác định được đặc thù của mình, từ đó mới có nội dung cần trưng bày, tránh sự trùng lặp với Bảo tàng Công an nhân dân. Tìm hiểu thêm các hoạt động của công an các quận nội, ngoại thành vì ở đó rất có thể còn lưu giữ tư liệu, còn không cũng có thể hiểu thêm về nơi có những chiến công của lực lượng. Tư liệu hóa nó bằng cách quay phim, chụp ảnh sẽ lưu trữ được lâu hơn.
Tổ chức thêm các hoạt động trong không gian này, liên hệ với các đơn vị không chỉ trong ngành mà cả ngoài ngành, tất cả sẽ khiến Bảo tàng CAHN phát triển mạnh mẽ hơn.
Cục Di sản có kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL để Bảo tàng CAHN danh chính ngôn thuận thuộc hệ thống bảo tàng cả nước, hàng năm cán bộ sẽ được tập huấn về công tác như các thành viên khác trong “đại gia đình” bảo tàng Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Thế Hùng, để Bảo tàng CAHN xứng tầm đơn vị Anh hùng của Thủ đô, Ban Giám đốc CATP cần quan tâm và kiện toàn hơn trước mắt về mặt nhân sự, tăng thêm 2-3 cán bộ. Xây dựng nội dung liên quan đến lịch sử Công an Hà Nội. Từ đó đặt kế hoạch sưu tầm hiện vật, giới thiệu hiện vật đến với công chúng.
Đây là điều cốt yếu để thành lập bảo tàng. Nếu chỉ có 1.000 bức ảnh và đề nghị thành lập bảo tàng thì nhiều người còn ngần ngại nhưng nếu có 1.000 hiện vật gốc thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo.
Giữa lịch sử viết và lịch sử bằng hiện vật là một khoảng cách, nếu mỗi câu chuyện được minh họa bằng một hiện vật thì đó thực sự là điều thu hút người xem.
Bảo tàng CAHN hiện có nhiều tư liệu và hiện vật quý, sau cuộc trao đổi hôm nay, TS Nguyễn Thế Hùng hứa sẽ đề nghị Bảo tàng Cách mạng Việt Nam giúp đỡ Bảo tàng CAHN trong cách bảo quản tư liệu, trưng bày vì nếu không chỉ 1, 2 năm sau những tư liệu từ chất liệu giấy, vải... sẽ nhanh chóng phai màu và hủy hoại theo thời gian.
TS Nguyễn Thế Hùng cũng cho rằng, CATP đã quan tâm xây dựng bảo tàng thì cần đầu tư cơ sở vật chất để nơi đây trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Công an Thủ đô cũng như thế hệ trẻ cả nước.
Châu Anh