Những tín hiệu mới cho phim hoạt hình

(ANTĐ) - Chưa có sóng “giờ vàng” như phim truyện, cũng khiêm tốn hơn về số lượng các đơn vị tham gia sản xuất nên nỗ lực chinh phục khán giả nhỏ của phim hoạt hình Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa mấy khả quan. Ngay cả khi các nhà sản xuất không ngừng cố gắng làm mới mình thì giấc mơ hoạt hình xem ra vẫn còn dang dở...

Những tín hiệu mới cho phim hoạt hình

(ANTĐ) - Chưa có sóng “giờ vàng” như phim truyện, cũng khiêm tốn hơn về số lượng các đơn vị tham gia sản xuất nên nỗ lực chinh phục khán giả nhỏ của phim hoạt hình Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa mấy khả quan. Ngay cả khi các nhà sản xuất không ngừng cố gắng làm mới mình thì giấc mơ hoạt hình xem ra vẫn còn dang dở...

“Lên sóng” lặng lẽ

Được khởi động từ cuối năm 2005, dự án dài hơi “Chiếc giếng thời gian” của Xưởng phim hoạt hình thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) ấp ủ thực hiện series 100 tập phim về đề tài lịch sử từ thời dựng nước đến nay. Ba năm đã trôi qua với 35 tập phim lần lượt được xuất xưởng nhưng lại lên sóng trong tình trạng lặng lẽ “không kèn không trống”.

Tính ra ngoại trừ phần trailer giới thiệu 10 tập “Cuộc phiêu lưu của chú Ong Vàng” do VFC thực hiện để tiếp thị cho phim trước khi lên sóng truyền hình (2005) thì toàn bộ những bộ phim sau đó đều thiếu vắng hẳn khâu giới thiệu quan trọng này.

Hỏi ra mới biết phần việc này trước kia do Xưởng phim Hoạt hình VFC đảm trách nhưng nay lại thuộc về khâu biên tập của nhà đài. Vậy nên trách nhiệm của Xưởng chỉ là sản xuất phim, còn việc quảng bá lại nằm ngoài tầm với. ít quảng cáo nên chưa thu hút các khán giả cũng là điều dễ hiểu.

“Cuộc phiêu lưu của chú Ong Vàng”
“Cuộc phiêu lưu của chú Ong Vàng”

Chưa kể hiệu quả từ việc quảng bá nội dung, thì ngay cả việc công bố cụ thể giờ giấc công chiếu series phim trên, người trong cuộc cũng không mấy ai biết rõ. Nhất là khi phim chiếu trên VTV2 vốn đã là một thiệt thòi không nhỏ bởi đây không phải là kênh mạnh về giải trí và được nhiều khán giả trẻ thường xuyên theo dõi.

Còn kênh hoạt hình tiếng Việt Bibi (Truyền hình cáp Trung ương VCTV) thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để con em mình đón xem. Đạo diễn Phạm Minh Trí - Xưởng trưởng Xưởng sản xuất phim hoạt hình tâm sự: “Mỗi năm chúng tôi sản xuất khoảng 10-15 tập nhưng... phát vèo một tuần là hết, lại phải dành sóng cho các chương trình khác.

"Giá như có sự tập hợp chiếu đi chiếu lại, giới thiệu với mật độ dày hơn và tập trung hơn thì có lẽ sẽ gây ấn tượng mạnh hơn. Hơn nữa, phim về đề tài lịch sử thường khó nhớ nên phải xem đi xem lại trên cùng một kênh hoặc nhiều kênh khác nhau thì mới có hiệu quả”.

Làm 5 năm mới đủ phát sóng... 1 năm

Nhìn vào số lượng 10 phim mà Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất trung bình mỗi năm hiện nay thì đúng là còn như muối bỏ bể. Tính ra mỗi phim với thời lượng 10 - 15 phút/tập chưa đủ để lại dấu ấn gì trong lòng khán giả đã bị phai nhòa bởi sự xâm chiếm ồ ạt của hàng loạt các bộ phim nước ngoài khác.

Theo ông Đặng Vũ Thảo - Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, nếu muốn mỗi tuần đều có một phim phát sóng thì phải mất 5 năm sản xuất liên tục thì Hãng mới có đủ phim để cung ứng cho việc phát sóng trong vòng một năm.

Vậy nên dù luôn mong muốn có một kênh truyền hình dành riêng cho việc phát sóng thể loại phim hoạt hình Việt Nam nhưng cả Hãng phim lẫn Xưởng phim Hoạt hình VFC đều tỏ ra ngần ngại về khả năng “bao sân” và lấp đầy sóng của mình.

“Sơn Tinh - Thủy Tinh”
“Sơn Tinh - Thủy Tinh”

Giấc mơ mang tên... hoạt hình

70 phim dài (30-40phút/phim) với hình thức thể hiện đa dạng (cắt giấy, vi tính, 2D, 3D...) trong thời gian từ nay đến năm 2020 là nội dung của đề án “Giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng qua phim hoạt hình” mới đây vừa được đệ trình lên Bộ VHTT&DL xem xét.

Đề án cấp quốc gia có kinh phí dự trù khoảng 150 tỷ này hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá vực dậy thể loại phim hoạt hình Việt Nam. Cũng bởi lẽ phim sau khi làm ra dự kiến không chỉ được phổ biến trên mạng lưới chiếu phim toàn quốc mà còn được tổ chức phát sóng bài bản trên VTV cùng các đài địa phương, phát hành băng đĩa hình trên mạng lưới video gia đình, nhà văn hóa thiếu nhi trên cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài...

Cùng với đó, trường quay chuyên biệt đầu tiên dành cho thể loại này cũng sẽ ra đời để làm mới công nghệ điện ảnh hoạt hình đang dần rơi vào lối mòn và non kém hiện nay. Tuy nhiên tất cả vẫn còn đang nằm trên giấy và liệu giấc mơ thay đổi diện mạo hoạt hình Việt hiện nay có trở thành hiện thực hay không còn đang ở phía trước.

Song song đó, được biết NXB Giáo dục đang có ý định muốn hợp tác với Xưởng phim Hoạt hình VFC để phát hành rộng rãi series phim hoạt hình lịch sử “Chiếc giếng thời gian” đến các độc giả nhỏ tuổi, ít nhất là trong hệ thống trường học.

Thêm một tín hiệu đáng mừng nữa khi đạo diễn Phạm Minh Trí tiết lộ rất có thể trong năm tới VFC sẽ chủ động “giành” lại quyền quảng bá sản phẩm với các bộ phim do Trung tâm sản xuất, trong đó có phim hoạt hình.

 Bích Hậu