NSND Hải Ninh

Những thước phim còn lại

ANTĐ - Bỗng dưng tôi có duyên nợ với người đạo diễn tài ba ấy. Số là sau những lần gặp ông, khi biết tôi quê bên bờ sông tuyến, ông thường hỏi tôi về bộ phim nổi tiếng của mình, rằng cậu đã xem phim ấy của mình khi nào? Cảm nhận về phim ấy ra sao?... Tôi hẹn ông sẽ có dịp trò chuyện cùng đạo diễn thật sâu về tác phẩm điện ảnh gắn với một lịch sử đau thương và oanh liệt nơi đầu cầu Hiền Lương chia cắt ấy. Hẹn ba lần nhưng chẳng gặp được ông rồi bây giờ  đành lỗi hẹn mãi mãi… Ông đi rồi nhưng câu chuyện của ông vẫn còn đọng lại trong tôi về một đạo diễn tài ba, tâm huyết - một nhân cách nghệ sĩ lớn. 

“Bọn mình đã đi xe đạp gần nghìn cây số vòng vèo mãi mới vào đến quê cậu là Vĩnh Linh để đi thực tế và viết kịch bản cho phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Lúc đầu anh Hoàng Tích Chỉ lấy tên là Bão tuyến, sau mình đề xuất đổi thành Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Đây là bộ phim truyện nhựa dài hai tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam… Tại đồn công an Cửa Tùng  bọn mình đã gặp nguyên mẫu nhân vật của phim tức cô Dịu (Trà Giang đóng). Hai lần gặp nhưng cô du kích bờ Nam ấy vẫn muốn giấu tên, có lẽ do nguyên tắc bí mật, cùng là cách của người phụ nữ luôn khiêm nhường quên mình dù họ đứng ở nơi vị trí lớn lao nhất của cuộc chiến tranh mất - còn vì độc lập thống nhất… Cô ấy hẹn với bọn mình: Khi mô Thống nhứt rồi sẽ gặp lại và tui sẽ nói tên. Nhưng sau giải phóng hàng chục năm Hoàng Tích Chỉ đi tìm như mò kim đáy bể. Mãi sau này khi NSND Trà Giang mang theo tấm hình do mình chụp cho O Thảo và Trà Giang đi tìm, thì chính những cán bộ huyện ủy thời ấy phát hiện đó là o Thảo, nguyên huyện ủy viên, bí thư kiêm xã đội trưởng du kích xã Do Hà. Nhưng…O Thảo đã hy sinh sau khi trở về Nam được ít lâu… Nguyên mẫu của O Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã có một cuộc đời ngắn ngủi và oanh liệt như chính hình ảnh cô Dịu trong phim. Và đó là một phần của cuộc chiến đấu cam go quyết liệt ở mảnh đất giới tuyến và nói rộng ra là của miền Nam thành đồng bất khuất…”.

 Câu chuyện của người đạo diễn già dẫn tôi về lại ký ức của một thời làm phim trong chiến tranh gian khó… Nhưng hình như với người nghệ sĩ tâm huyết ấy, chả có gì là ghê gớm, chả có gì là to tát. Đơn giản vì tất cả đều sống ở quãng ngày trong trẻo nhất của cái thời lãng mạn tươi đẹp nhất ấy…

Nguyễn Hải Ninh là người đã làm nhiều thể loại phim, cả phim truyện nhựa và phim tài liệu, phim tâm lý xã hội và là người có tư duy đổi mới điện ảnh rất sớm. Tuy nhiên chất sử thi và chất anh hùng ca lẫn sự lạc quan luôn hiện diện trong tư tưởng điện ảnh của ông, để rồi trong rất nhiều phim về chiến tranh nó được dịp thể hiện. Hình như địa hạt nào ông cũng được ghi nhận bằng cả những giải thưởng lớn và nhất là nhận được  cảm tình và sự yêu mến của khán giả. Phim Người chiến sĩ trẻ là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Hải Ninh đã khắc họa hình tượng chiến sĩ diệt xe tăng Cù Chính Lan với những tình tiết giản dị chân chất nhưng gây xúc động về người anh hùng, là dấu hiệu về những tác phẩm điện ảnh giàu chất sử thi sau này của ông. Phim đã đoạt giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ I - 1970, nhận bằng khen của Hội Điện ảnh Liên Xô tại LHP Quốc tế Moscow 1965 và bằng khen của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô 1965.

Đặc biệt bộ phim Vỹ tuyến 17 ngày và đêm đã đưa tên tuồi Hải Ninh vang dội khắp nơi bởi tính hoành tráng và chất anh hùng ca của nó. Phim chính là tác phẩm điện ảnh độc đáo gắn với đất nước thời chia cắt mang khát vọng đấu tranh thống nhất non sông. Ở đó, chân dung cô Dịu với đời sống riêng tư gắn liền với số phận dân tộc, số phận đất nước. Bộ phim ngay từ khi công chiếu đã làm xúc động mạnh khán giả trong nước và làm kinh ngạc bạn bè quốc tế. Tại liên hoan phim quốc tế Matxcơva, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm đã gây tiếng vang lớn, thành tâm điểm chú ý của giới điện ảnh và báo chí quốc tế... Tại đây nữ diễn viên Trà Giang đã giành được giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất, đồng thời cũng nhận được giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới…

Và mỗi khi nhắc đến Hải Ninh, người ta nhắc đến Vĩ tuyến 17 ngày và đêm như là một ấn tượng không thể nào phai… Phim Em bé Hà Nội lại là một tiếng nói yêu thương nhân ái với khát khao hòa bình yên ấm cho những đứa bé trong chiến tranh. Hình ảnh bé Ngọc Hà do Lan Hương thủ vai đã để lại xúc động mạnh trong lòng người xem khi em chạy giữa bom đạn đổ nát sau hủy điệt của B52 Mỹ vào Hà Nội đi tìm bố mẹ và em gái của mình…Bộ phim đã đoạt giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moscow 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine ở Liên hoan phim quốc tế tại Xiri…Tài năng cùng với sự công phu tâm huyết đã làm nên một Hải Ninh sừng sững đại thụ của điện ảnh Việt. Những tác phẩm của ông đã chạm tới tầm nhân loại khi phản ánh khát vọng hòa bình và quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do của một dân tộc.

 Sau những tác phẩm điện ảnh hoành tráng, đậm chất sử thi về chiến tranh cứu nước, đạo diễn Hải Ninh vẫn có duyên riêng với loại phim truyện tâm lý tình cảm, đi vào những vấn đề của đời sống xã hội. Mối tình đầu là một trải nghiệm tuyệt vời của ông thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm cao cả của một đạo diễn tài ba. Vấn đề xã hội của đô thị miền Nam sau giải phóng, cả đề tài tình yêu khá nhạy cảm thời ấy đã được đề cập một cách khéo léo và vì thế thành công của Mối tình đầu ngoài mong đợi, được đón nhận ở khắp nơi, hấp dẫn mọi đối tượng khán giả… Rồi với loại phim cổ trang vốn khó và hiếm của điện ảnh Việt thời kỳ đầu. Đêm hội Long Trì là một điển hình. Là người kỹ tính và am hiểu vốn văn hóa dân tộc, ông đã tránh được lối làm phim cổ trang hao hao các quốc gia láng giếng, từ phục trang đến bối cảnh…

Chỉ cần một Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một Mối tình đầu và một Em bé Hà Nội… Nguyễn Hải ninh đã xứng đáng được vinh danh trên tất cả mọi nền điện ảnh. Nhưng ông còn hàng chục tác phẩm điện ảnh lớn khác. Ông vẫn là Hải Ninh, mực thước và bình dị, khiêm nhường mà đầy chất nghệ sĩ… Ông  đã ra đi bỏ lại rồi những thước phim ám ảnh mãi với người yêu điện ảnh. Bỏ lại rồi mọi câu chuyện vui buồn muôn thủa về kiếp người nghệ sĩ.