Những rắc rối về giấc ngủ sau tuổi 50

ANTD.VN - Sau khi xem xét các nghiên cứu khoa học về thời gian ngủ, Quỹ giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) cho biết), 71% những người 55-64 tuổi gặp các vấn đề vầ giấc ngủ khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày, dễ cáu kỉnh, không tập trung và nhức mỏi.

Ngủ sớm, dậy sớm

Theo nhịp sinh học cơ thể, những người 20 tuổi thường thức khuya, ngủ muộn và không tỉnh táo, mệt mỏi vào buổi sáng. Nhưng ở độ tuổi 50, người ta lại có xu hướng buồn ngủ sớm hơn và cảm thấy tỉnh táo nhất trong buổi sáng. Họ có xu hướng ngủ sớm và dậy sớm hơn.

Thức dậy nhiều hơn

Một điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra trong bộ não của chúng ta khi già là biên độ của sóng não thay đổi. Để ngủ sâu, yên tĩnh, giấc ngủ phục hồi, sóng não phải đạt đến một độ cao nhất định. Nhưng điều này không thấy ở người già khiến những người sau 50 tuổi giấc ngủ không sâu, dễ thức dậy vào giữa đêm. Tất nhiên, họ có thể bù đắp bằng giấc ngủ trưa. Mặc dù vậy, nếu người bị mệt mỏi vào ban ngày, trằn trọc suốt đêm, ngủ trưa đôi khi có thể gây hại nhiều hơn lợi bởi có thể phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên và kết quả giấc ngủ kém hơn vào các đêm tiếp theo.

Đi vệ sinh nhiều lần

Khoảng 53% những người lớn tuổi từ 55-84 dậy đi tiểu mỗi đêm, theo NSF. Nguyên nhân bởi các dây thần kinh không hoạt động tốt. Tuy nhiên, nếu có thể ngủ lại trong vòng 5 hoặc 10 phút sau khi đi vệ sinh thì điều này không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Bốc hỏa ban đêm

Mãn kinh tạo ra những hội chứng bốc hỏa, gây nóng bừng từ ngực lên vai, cổ, đầu, gây khó chịu, mệt mỏi. Mồ hôi thoát ra nhiều rồi khô đi làm cho da mất nhiệt, cơ thể ớn lạnh, mệt mỏi và uể oải. Cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 30 giây đến 30 phút, thường gặp nhất khoảng 2-3 phút. Tần suất cũng không đồng nhất, có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, cả ngày lẫn đêm, có thể trong một vài năm hoặc có người lại không hề có triệu chứng này. Trong giai đoạn này, biến động estrogen và progesterone, thay đổi tâm trạng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Để cải thiện giấc ngủ, những người bị chứng bốc hỏa nên ngủ trên chiếc giường êm ái, không gian thoải mái và nhiệt độ thích hợp.

Ngủ ngáy

Ngoài lão hóa, một trong những tác dụng phụ gây khó chịu của những người sau 50 tuổi là tăng cân. Tăng cân có thể dẫn đến ngáy ngủ, bởi vì cổ dày hơn có nghĩa khí quản sẽ hẹp lại. Nếu khí quản hẹp nhiều nó bị tắc nghẽn, thậm chí người ngủ có thể ngừng thở suốt đêm, được gọi là tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ. Trong khi ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở đàn ông, thì phụ nữ sau mãn kinh thường gặp chứng bệnh này. Những người ngủ ngáy hoặc bị ngưng thở sẽ không nhận được nhiều không khí, điều này làm thay đổi chất lượng giấc ngủ.

Hội chứng chân không nghỉ

Hội chứng chân không nghỉ (RLS) là một bệnh mà chân cảm thấy rất khó chịu, thôi thúc muốn vận động. Hội chứng chân không nghỉ được cho là có liên quan đến dopamine trong não bị suy giảm theo tuổi tác, hoặc thiếu sắt - những triệu chứng thường gặp ở người già.