Những người giữ lửa

(ANTĐ) - Hơn 20 năm nay, ông Lâm Văn Bảng, thương binh hạng 1/4, cựu tù chính trị Phú Quốc và đồng đội đã dày công sưu tầm được hơn 2.000 hiện vật và hình ảnh, những minh chứng sống động về tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng (CSCM) bị tù đày ở đảo Phú Quốc. 

Những người giữ lửa

(ANTĐ) - Hơn 20 năm nay, ông Lâm Văn Bảng, thương binh hạng 1/4, cựu tù chính trị Phú Quốc và đồng đội đã dày công sưu tầm được hơn 2.000 hiện vật và hình ảnh, những minh chứng sống động về tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng (CSCM) bị tù đày ở đảo Phú Quốc. 

Ông Lâm Văn Bảng tại phòng tố cáo tội ác chiến tranh
Ông Lâm Văn Bảng tại phòng tố cáo tội ác chiến tranh

Bảo tàng tư độc nhất vô nhị

Nằm trên khu đất rộng hơn 2.000m2, trong đó có hơn 1.000m2 được 2 anh em ông Lâm Văn Quần và Lâm Văn Bảng hiến tặng, tại thôn Nam Quất, Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội, Bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày là bảo tàng tư trưng bày những hiện vật về CSCM ở nhà tù Phú Quốc. Những hiện vật ở bảo tàng được trưng bày ở 9 phòng, chia làm 10 khu vực.

Khu vực 1 là đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, được ông Bảng cho xây trên một cái ao nhỏ với ý nghĩa đó là nơi giam giữ các CSCM ở nhà tù Phú Quốc, cách ly với đất liền. Ông Bảng cho biết: Xuất phát từ lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa với những người đồng đội đã ngã xuống, anh em chúng tôi đã xây dựng nên bảo tàng này.

Đến đây, người xem không khỏi xúc động trước mô hình chuồng cọp làm bằng dây thép gai mà người bị giam chỉ có thể ngồi bó gối, hoặc phòng biệt giam được làm bằng những tấm ghi lát đường, chiều rộng 3m, chiều dài 9m nhốt tới 180 người. Sát bên mô hình chuồng cọp là mô hình về 1 CSCM bị địch nhốt trong thùng phuy, rồi lấy búa, lấy gậy đập ở phía ngoài đến trào máu mà chết.

Rồi mô hình 1 CSCM khác bị treo ngược, thân thể bầm dập vì đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, rồi roi cá đuối, kìm đục răng, chảo gang kẻ thù dùng để đun nước sôi rồi thả các CSCM bị buộc trong bao tải vào đó…

Chúng tôi thực sự lặng đi hồi lâu khi nghe nói về 9 chiếc đinh cỡ 5 phân trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ. Đó là những chiếc đinh mà địch đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn, 1 thiếu úy đặc công hải quân cho đến chết.

Bên cạnh những chứng tích tố cáo tội ác của nhà tù đế quốc, còn có rất nhiều hiện vật, hình ảnh nêu bật tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của các CSCM. Những lá cờ Đảng, cờ Đoàn, những cuốn sách chính trị, tài liệu tuyên truyền của Đảng, những bài thơ, bộ cờ tướng, nhạc cụ tự chế, chiếc xẻng mòn vẹt lưỡi - dụng cụ để đào hầm vượt ngục…

Mỗi một hiện vật với khách tham quan mang một ý nghĩa lịch sử nhưng với những cựu tù thì chúng là xương, là máu, là cuộc sống tâm linh và tự hào của các CSCM.

Giữ lửa truyền thống

Dẫn chúng tôi thắp nén nhang ở đền thờ liệt sỹ, ông Bảng cho biết: Chúng tôi phải đi đến nhiều nơi từ Đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông, nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, đền Bến Dược (Củ Chi), các nhà tù từ Hỏa Lò, Sơn La, đến Côn Đảo, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, mỗi nơi xin một ít đất và chân hương mang về đây đựng trong lư hương để khách đến viếng cũng là viếng Bác Hồ, viếng các liệt sỹ ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Ông bộc bạch: Chúng tôi coi đây như một địa chỉ văn hóa để anh em, đồng đội gặp gỡ, ôn lại một thời sống trong lòng địch, cũng là để các thế hệ sau này biết được giá trị của độc lập tự do mà trân trọng giữ gìn.

Những năm qua, Bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, trong đó có nhiều đoàn của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cựu chiến binh, thanh niên, các thầy cô giáo và học sinh… trên mọi miền Tổ quốc về tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng.

Khách đến bảo tàng đều bày tỏ lòng khâm phục trước việc làm cao cả đầy ý nghĩa của những người lính già nặng lòng với đồng đội. Riêng với những người vào sinh ra tử như ông Bảng thì coi đó là việc làm tất yếu. Ông Bảng “khoe”: Chúng tôi đã mang hiện vật đi trưng bày ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Tĩnh đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang…

Lúc đầu là trưng bày trong các buổi gặp mặt của Hội những chiến sỹ bị địch bắt tù đày ở các địa phương, sau đó là tham gia các sự kiện lớn của cả nước như trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Thành ủy Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam…

Hiện nay, ở bảo tàng có 25 người thay phiên nhau túc trực, làm mọi việc từ tu sửa, giới thiệu hướng dẫn khách tham quan đến quét dọn, công tác hậu cần. Tất cả đều là những cựu tù binh và hoạt động trên nguyên tắc 4 tự: tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Khiến, người bị địch đục và bẻ mất 2 hàm răng, cả 30 ngày trong tháng đều có mặt ở bảo tàng tâm sự: Chúng tôi thành lập bảo tàng với mong mỏi đem những hiện vật biết nói này đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ, mong muốn thắp lên ngọn lửa truyền thống trong họ. Tuy nhiên, kinh phí để đi lại, bảo quản, sưu tầm thêm những hiện vật hoàn toàn phải tự túc, trong khi đó, đời sống của chúng tôi chủ yếu dựa vào tiền lương hưu.

Đến một lúc nào đó khi lực bất tòng tâm, tôi e rằng bảo tàng không tồn tại được. Ông Bảng cho biết thêm: Do là bảo tàng tự thành lập với mục đích không phải là kinh doanh nên nguồn kinh phí hoạt động chỉ dựa vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và đóng góp của anh em nên rất khó khăn trong việc duy trì và phát triển bảo tàng.

Ông mong mỏi có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để gìn giữ những kỷ vật ấy, để bảo tàng là nơi hội tụ của đồng đội ông, phục vụ người dân và các đoàn học sinh về tham quan, hiểu biết thêm về những giá trị truyền thống, địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Khó khăn là vậy, nhưng với những cựu tù binh Phú Quốc, cuộc tìm kiếm những hiện vật vẫn tiếp tục, tìm kiếm vô điều kiện. Khi ra về, ông Bảng nói với chúng tôi như một lời tâm sự: Mỗi hiện vật ở đây như một ngọn lửa nhỏ tự nó cháy sáng lên, còn chúng tôi chỉ là người giữ lửa.

Thanh Tùng